Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại học 'mất giá', trường nghề lên ngôi
Thứ sáu: 04:04 ngày 10/07/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Khi nhiều cử nhân đại học, thậm chí thạc sỹ ra trường vẫn chật vật với việc làm thì nhiều học viên trường nghề lại dễ dàng tìm được việc làm, có thu nhập khá ổn định.

Đó là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thí sinh THPT dự thi ĐH đang có xu hướng giảm.

91

Sinh viên các trường nghề tham gia ngày hội việc làm tại TP HCM tháng 6-2015 Ảnh: T.T.N.L

Cử nhân Luật đi...đánh máy thuê

Mấy tháng nay, Lê Minh Hải, nhân viên cửa hàng tự chọn Minh Phương trên đường Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cứ hết giờ làm lại cần mẫn tới một trung tâm dạy nghề trên phố Khâm Thiên để học nghề cắt may. Ít ai biết, Hải đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành Lịch sử từ hai năm nay.

“Em đã “gõ cửa” các viện nghiên cứu, các trường học, bảo tàng… nhưng ở đâu cũng bảo không có nhu cầu tuyển dụng, chưa có chỉ tiêu… Hiện em đi bán hàng, lương 3 triệu đồng/tháng, thì tiền thuê nhà đã 1 triệu đồng. Trong khi chị gái em trước chỉ học cắt may, mở tiệm ở quê vẫn thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng, nên em tính học nghề xong về quê làm cùng chị”, Hải chia sẻ.

Theo số liệu thống kê từ Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia để dùng kết quả xét tuyển ĐH, CĐ là hơn 725 nghìn thí sinh. Trong khi đó, ở các kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước, số hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ thường lên đến mức xấp xỉ 2 triệu hồ sơ. Ước tính, mọi năm tỷ lệ học sinh phổ thông không thi ĐH, CĐ chỉ ở mức 20%, thì năm nay số thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia chỉ với một mục đích xét công nhận tốt nghiệp chiếm đến 28%.

Hiện là chủ một cửa hàng photocopy trên đường Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân, Hà Nội), Trần Thu Hiền cũng chưa từng sử dụng đến tấm bằng cử nhân Luật từ 10 năm nay. Hiền kể, cô đã từng là niềm tự hào của gia đình khi hơn chục năm trước thi đỗ vào ngành Luật vốn lấy điểm đầu vào cao chót vót.

Ra trường, Hiền cũng từng vật vã xin việc khắp nơi không được, rồi chấp nhận thử việc không lương hoặc với mức lương chỉ đủ tiền đổ xăng xe trong vòng ba năm ròng. Những ngày đó, để không phải xin trợ cấp từ bố mẹ, Hiền đã đánh máy thuê, làm gia sư ngoài giờ…

“Nhờ nghề tay trái đánh máy thuê nên khi thấy cửa hàng này muốn sang nhượng, tôi đã vay mượn tiền mua lại. Giờ mỗi tháng thu nhập từ cửa hàng cũng xấp xỉ chục triệu, bằng tiền tôi mua lại cửa hàng mấy năm trước”, Hiền vui vẻ.

Tình trạng cử nhân ra trường thất nghiệp khá phổ biến nhiều năm nay, nên chuyện những người đã có bằng ĐH, CĐ quay lại học nghề với mong muốn có được việc làm, thu nhập đủ sống cũng là điều dễ hiểu.

Thống kê của Trường  Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist cho thấy, trong số 2 nghìn học sinh trường tuyển mỗi năm, khoảng 600 người có bằng ĐH, CĐ. Tại Trường Trung cấp Đại Việt, số học sinh có bằng ĐH, CĐ thường chiếm xấp xỉ 20%. Trường Trung cấp Ánh Sáng, số học sinh có bằng ĐH, CĐ chiếm gần 30%...

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM vừa đưa ra dự báo, nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn vẫn tăng cao và lao động lành nghề vẫn khan hiếm.

Các DN trên địa bàn đang cần khoảng 35% số lao động phổ thông; 15% số lao động sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật, 20% số lao động trung cấp; tổng nhu cầu về lao động có trình độ ĐH, CĐ và trên đại học chỉ là 30%.

Học nghề đắt hàng

Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Trưởng ban Hợp tác doanh nghiệp và tư vấn việc làm sinh viên, Trường CĐ nghề Bách khoa Hà Nội, tỷ lệ học viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm của trường trung bình là 80-85%. Các ngành nghề đang “đắt hàng” hiện nay như điện công nghiệp và điện dân dụng, cơ khí, sửa chữa ô tô, công nghệ thông tin, thiết kế trang web, thiết kế đồ họa.

“Đào tạo nghề thường bám sát nhu cầu thị trường, học sinh được đào tạo nặng về kỹ năng thực hành, nên ra trường có thể làm được việc ngay và được các DN đón nhận. Trường thành lập hẳn một ban để đi đến các DN khảo sát xem họ cần gì”, ông Long nói.

Đại diện Trường CĐ nghề công nghệ cao Hà Nội cho biết, 75% sinh viên tốt nghiệp của trường tìm được việc làm trước khi tốt nghiệp. Có những ngành, 100% học viên tốt nghiệp tìm được việc làm.

Nhiều ngành đào tạo không đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực của DN. Học viên các ngành đào tạo của trường đang “hot” và được săn đón như: Kỹ thuật máy lạnh, điều hòa không khí, ngành điện công nghiệp, điện tử.

Chia sẻ thành công của mình, anh Nguyễn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Lộc An (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể, khi tốt nghiệp THPT, nhận thức thấy năng lực của bản thân và vì niềm đam mê, anh không dự thi ĐH như nhiều bạn cùng khóa mà đi học nghề sửa chữa điện lạnh.

Hoàn tất khóa học nghề, anh nhanh chóng tìm được việc làm tại một trung tâm kinh doanh điện máy trên đường Hai Bà Trưng. Trong quá trình làm thợ điện máy, anh tranh thủ học thêm nghề sửa chữa ô tô. Ra trường, anh lập tức được nhận vào làm nhân viên kỹ thuật của hãng Isuzu.

Làm tại hãng hơn 1 năm, anh tách ra ngoài, mở gara riêng và thành lập công ty. “Học nghề, vẫn có tay nghề tốt, có nhiều cơ hội thành công”, anh Toàn chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Văn Chính (SN 1983, Khu Chiến Thắng, Xuân Mai, Hà Nội), sau khi tốt nghiệp khóa học điện ô tô chuyên sâu tại Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân (Hà Nội) cách đây hai năm đã tự mình mở một gara chuyên sửa chữa điện ô tô.

Khởi đầu với gara quy mô nhỏ nhưng đến nay gara đã đem lại cho Chính thu nhập 20 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các chi phí liên quan tới thuê địa điểm, thuê thợ, trả lãi ngân hàng, khấu hao tài sản... 

Nguồn Báo Giao Thông

Từ khóa:
Tin liên quan