Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong năm 2010, Đại học Nông Lâm TP. HCM phối hợp với Phòng Nội vụ Trảng Bàng và nông dân xã Phước Chỉ thực hiện 2 mô hình trồng lúa và nuôi cá trê lai.
Đoàn cán bộ Trường đại học Nông Lâm TP.HCM khảo sát và hướng dẫn nông dân quy trình chăm sóc lúa theo hướng bón phân hữu cơ, vi sinh bền vững. |
Tiếp tục thực hiện Chương trình 135 về chuyển giao khoa học công nghệ cho xã nghèo biên giới, vừa qua thạc sĩ Dương Thành Lam-Trưởng phòng Trồng trọt - Khuyến nông - Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học Công nghệ (NC&CGKHCN) thuộc Trường đại học Nông Lâm TP.HCM đã đến xã Phước Chỉ (Trảng Bàng) tiến hành thả cá trê lai giống và khảo sát ruộng lúa canh tác theo quy trình riêng của trường.
Theo kế hoạch, trong năm 2010, Trung tâm NC&CGKHCN phối hợp với Phòng Nội vụ Trảng Bàng và nông dân xã Phước Chỉ thực hiện 2 mô hình trồng lúa và nuôi cá trê lai. Mô hình nuôi cá trê lai được thực hiện trong ao cá nhà anh Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1984) ở ấp Phước Thuận, với diện tích mặt ao 200m2. Trung tâm NC&CGKHCN đã cung cấp và thả 3.000 con cá trê lai giống, với thời gian nuôi 3 tháng (bắt đầu từ ngày 13.3.2010). Mô hình trồng lúa được kết hợp với nông dân Nguyễn Văn Quý (sinh năm 1964) cũng ở ấp Phước Thuận thực hiện trong vụ đông xuân 2009-2010, trên diện tích 5.000m2. Đây là mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác mới trong thâm canh cây lúa, nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Để thực hiện mô hình, Trung tâm NC&CGKHCN đầu tư về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất lúa theo hướng “ba tăng ba giảm” và hướng hữu cơ, vi sinh bền vững.
Trước đó, năm 2008-2009, Phòng NN&PTNT huyện Trảng Bàng làm chủ đầu tư cũng đã phối hợp cùng Trung tâm NC&CGKHCN thực hiện 3 mô hình: Mô hình “Ứng dụng một số kỹ thuật mới trong thâm canh cây lúa nhằm tăng năng suất cây trồng, tăng chất lượng sản phẩm” (gọi tắt là mô hình trồng lúa); mô hình “Nuôi cá lăng nha” và mô hình “Trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi”. Trừ mô hình trồng cỏ chưa được nông dân ưa thích nên không có hiệu quả, còn hai mô hình trồng lúa và nuôi cá lăng nha đều đạt hiệu quả.
D.H