Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hiện nay, trong toàn tỉnh có 130 cơ sở thờ tự, trong đó có 6 ngôi chùa được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Riêng chùa Cổ Lâm (Thanh Điền, Châu Thành) được Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích khảo cổ học.

Đại hội chính thức khai mạc vào sáng ngày 13.4.2012 tại chùa Linh Quang (phường 3, thị xã Tây Ninh). Hoà thượng Thích Thiện Nhơn- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự, hoà thượng Thích Thiện Pháp- Phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng 2 Trung ương Giáo hội cùng đại diện Phật giáo tỉnh Tây Ninh và đại diện Phật giáo các tỉnh bạn, các tôn giáo bạn đã về tham dự. Về phía tỉnh nhà có sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ- Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các cơ quan tỉnh, Thị xã cùng với 250 tăng ni đang hành đạo tại các tự viện trong tỉnh.
Thượng toạ Thích Huệ Tâm- Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Tây Ninh đã nêu lên những nét nổi bật trong hoạt động Phật sự nhiệm kỳ vừa qua (2007-2012). Trong điều kiện kinh tế ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh dựa trên tinh thần thống nhất hoà hợp, đại đoàn kết tập trung phục vụ đạo pháp và dân tộc.
![]() |
Ban Chứng minh và Ban Trị sự nhiệm kỳ mới |
Hiện nay, trong toàn tỉnh có 130 cơ sở thờ tự, trong đó có 6 ngôi chùa được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Riêng chùa Cổ Lâm (Thanh Điền, Châu Thành) được Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích khảo cổ học. Đã có 351 tăng ni thuộc các hệ Phật giáo Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ. Các cơ sở thờ tự ngày càng được trùng tu khang trang hơn. Hiện nay, còn 8 công trình xây dựng khác tại thị xã Tây Ninh, các huyện Tân Châu, Gò Dầu, Châu Thành, Dương Minh Châu và Trảng Bàng đang tiếp tục thi công.
Các tự viện đã tích cực phát huy tinh thần phụng đạo, yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, tham gia các hoạt động cứu trợ đồng bào gặp khó khăn do ảnh hưởng thiên tai trong, ngoài tỉnh, ủng hộ các chương trình xoá đói giảm nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, giúp đồng bào nghèo giải phẫu điều trị bệnh tim, mắt (trong 5 năm qua đã đóng góp hơn 55 tỉ đồng). Các bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chùa Hiệp Long, Tứ Phước, Phước Lưu, Từ Vân và tịnh xá Ngọc Thạnh, phòng thuốc từ thiện Văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội, chùa Phước Minh (Dương Minh Châu) được duy trì tốt. Niệm phật đường Diệu Pháp (thị trấn Châu Thành) tổ chức thường xuyên việc khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo. Chùa Cẩm Phong (Gò Dầu) có trại nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi. Chùa Tứ Phước (Thanh Điền, Châu Thành) cũng tổ chức nuôi dưỡng các cụ già không nơi nương tựa, mở lớp học tình thương cho trẻ em không có điều kiện đến trường.
Tăng ni, phật tử Tây Ninh cũng đã tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hoá.
Đại hội đã nhất trí bầu ra Ban Chứng minh gồm các hoà thượng Thích Tịnh Khai, Thích Thông Lạc, Thích Thông Nghiêm và Ban Trị sự nhiệm kỳ mới gồm 30 vị, do Hoà Thượng Thích Thống Nghiêm làm Trưởng ban.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ đánh giá cao những thành quả to lớn của Phật giáo Tây Ninh trong nhiệm kỳ qua, qua đó khẳng định hiệu quả châm ngôn hành động “Đạo pháp- dân tộc-chủ nghĩa xã hội”. Bà tin tưởng vào sự điều hành của Ban Trị sự Tỉnh hội nhiệm kỳ mới sẽ tích cực vận động tăng ni và phật tử tiếp tục đồng hành cùng dân tộc.
Phan Kỷ Sửu