Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Rảo quanh một số trường THPT, đâu đâu cũng có một bộ phận học sinh gởi xe bên ngoài khu vực nhà trường. Thực ra, các trường THPT đều có bãi giữ xe cho học sinh, nhưng một số em vẫn thích gởi xe ở bên ngoài. Lý do là gởi xe bên ngoài để dễ cúp tiết, tụm nhóm đi chơi, hoặc la cà các quán cà phê, quán game…
Vấn đề an toàn giao thông (ATGT) tại các cơ sở giáo dục nói chung thời gian qua đã được đề cập đến như chuyện học sinh sử dụng xe gắn máy không đúng quy định, chuyện ùn tắc giao thông trước cổng trường học… Để khắc phục tình trạng này, các cấp quản lý ngành giáo dục và gia đình cần phải có giải pháp đồng bộ hơn.
Rảo quanh một số trường THPT, đâu đâu cũng có một bộ phận học sinh gởi xe bên ngoài khu vực nhà trường. Thực ra, các trường THPT đều có bãi giữ xe cho học sinh, nhưng một số em vẫn thích gởi xe ở bên ngoài. Lý do là gởi xe bên ngoài để dễ cúp tiết, tụm nhóm đi chơi, hoặc la cà các quán cà phê, quán game… Thậm chí có em đã gởi xe đến 10 giờ đêm mới lấy về với lý do là đi học thêm(?). Nhưng thực tế không có điểm trường nào dạy thêm vào ban đêm.
Ảnh chụp trước cổng Trường Thực nghiệm Giáo dục phổ thông “Chưa có làn đường dành cho người đi bộ qua đường” |
Để ngăn chặn tình trạng này, có trường đã gởi văn bản đến chính quyền và công an địa phương đề nghị hỗ trợ nhà trường kiểm tra các cơ sở giữ xe học sinh trái phép ngoài nhà trường và xử lý các trường hợp vi phạm. Thế nhưng vẫn còn một số cơ sở vì nguồn lợi nên không thực hiện cam kết, nạn gởi xe bên ngoài vẫn tái diễn. Phía nhà trường cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động học sinh gởi xe trong trường, tổ chức viết cam kết thực hiện Luật Giao thông, đồng thời đề ra những biện pháp mạnh đối với những trường hợp vi phạm tuỳ theo mức độ như viết kiểm điểm, cảnh cáo trước trường, hạ một bậc hạnh kiểm, mời cha mẹ đến cam đoan giáo dục, hoặc đuổi học có thời hạn, ghi vào học bạ... Một số trường thì ráo riết kiểm tra việc gởi xe của học sinh vào đầu giờ học, trong giờ học và thông báo nhanh bằng sổ liên lạc điện tử về gia đình.
Bên cạnh chuyện học sinh gởi xe ngoài trường học, một vấn đề liên quan đến an toàn giao thông tại các trường học hiện nay là chuyện ùn tắc giao thông trước cổng trường. Có trường, đến giờ tan học phải nhờ đến lực lượng công an giao thông hỗ trợ điều tiết, sắp xếp trật tự để bảo đảm giao thông do tình trạng phụ huynh dừng xe không đúng nơi quy định. Đa số phụ huynh đến đón con em mình thường chọn nơi gần cổng ra vào, hoặc những nơi có bóng mát, có người còn cho xe vào tận sân trường, trước cửa lớp học để đón con nên dễ gây cản trở học sinh, giáo viên ra vào trường, đồng thời làm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường.
Thực hiện chỉ đạo của Sở GD - ĐT về việc xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, thời gian qua một số trường học đã có sáng kiến khắc phục nạn ùn tắc giao thông trước cổng trường như: Trường Thực nghiệm Giáo dục phổ thông (TNGDPT) đã kẻ một vạch phân cách với mấy chữ “không đậu xe”, buộc những người đưa đón con em phải đỗ, dừng xe ngoài vạch trắng, dành lối ra vào cho giáo viên và học sinh; Trường THPT Lý Thường Kiệt tổ chức phát thanh học đường nội dung tuyên truyền về Luật Giao thông vào các thời điểm đầu giờ, giờ ra chơi và giờ tan trường…
Bên cạnh đó, Sở GD - ĐT cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông tại đơn vị mình. Sở cũng đã kiểm tra một số trường và thông báo nhắc nhở, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức thực hiện Luật Giao thông, nhà trường kết hợp chặt chẽ hơn nữa với gia đình và địa phương để có biện pháp ngăn chặn. Các trung tâm dạy nghề nên mở lớp dành cho học sinh đủ tuổi, phù hợp với thời gian học tập, tạo điều kiện cho các em học và thi lấy bằng sử dụng xe mô tô phân khối lớn. Ban An toàn giao thông các địa phương cần tổng kiểm tra, rà soát lại các biển giao thông tại các trường học, bệnh viện, nhất là trước một số trường chưa có vạch dành cho người đi bộ qua đường như đoạn đường Nguyễn Chí Thanh, trước Trường THPT Trần Đại Nghĩa và Trường Thực nghiệm Giáo dục phổ thông.
Vũ Hồng