Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bình ổn thị trường:
Đảm bảo chất lượng hàng hoá, giá cả ổn định
Thứ bảy: 09:18 ngày 16/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Sở Công thương, từ ngày 1.7.2019 đến ngày 31.3.2020, chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh đã được triển khai có hiệu quả, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.

Với lượng hàng hóa dồi dào, chất lượng bảo đảm, phân phối đến tận vùng nông thôn, khu, cụm công nghiệp... chương trình đã góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Kế hoạch bình ổn thị trường được UBND tỉnh phê duyệt gồm 8 mặt hàng thiết yếu, đó là gạo, đường, dầu ăn, thịt gà, thịt heo, trứng gà, rau củ quả, nước chấm. Tổng nguồn vốn dự trữ hàng hóa là 162,66 tỷ đồng.

Người tiêu dùng tham quan mua sắm tại Phiên chợ “Hàng Việt về nông  thôn” trên địa bàn thị xã Hòa Thành- Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, có 12 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn với tổng doanh thu bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp hơn 196 tỷ đồng, so với kế hoạch tăng 20,86%. Các doanh nghiệp đã thực hiện đúng kế hoạch được phê duyệt,  hàng hóa bảo đảm chất lượng, niêm yết và bán theo giá niêm yết, giá bán giảm từ 5% đến 10% so với giá thị trường, đáp ứng đủ lượng hàng hóa cho nhu cầu thị trường.

Trong đó, hệ thống siêu thị Co.opmart tại Tây Ninh và Công ty TNHH-XNK-TM-CNDV Hùng Duy đã thực hiện 35 chuyến bán hàng lưu động với tổng doanh thu là 295.897.602 đồng. Riêng Công ty Hùng Duy thực hiện hằng ngày 30 chuyến bán hàng lưu động với tổng doanh thu gần 2 tỷ đồng/ngày.

Ngoài ra, trên địa bàn UBND các huyện Châu Thành, Tân Biên và thị xã Hòa Thành tổ chức các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, khu, cụm công nghiệp, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Kết quả, có 83 doanh nghiệp, với 112 gian hàng tham gia bán hàng và giới thiệu sản phẩm, với 96.000 lượt người tham gia và mua sắm, doanh số đạt 7,5 tỷ đồng.

Theo Sở Công thương, qua thực tế cho thấy các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đều có đầu tư về kho hàng để dự trữ hàng hóa, chọn điểm bán hàng cố định, phương tiện vận chuyển... bảo đảm cung ứng hàng hóa ra thị trường kịp thời, đầy đủ, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, thời gian qua các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn thị trường tại địa bàn Tây Ninh không nhiều; số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn ít.

Tại các huyện vùng sâu với địa bàn rộng lớn, mật độ dân cư thấp, điều kiện vận chuyển khó khăn... đã làm chi phí đầu tư mở cửa hàng cũng như lưu thông hàng hóa tăng cao. Công tác phát triển mạng lưới, hệ thống phân phối, điểm bán hàng bình ổn giá của các doanh nghiệp tại các huyện, vùng sâu, vùng xa, các khu, cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Số lượng các điểm bán hàng còn chưa rộng khắp đến các vùng nông thôn nên đối tượng có thu nhập thấp được thụ hưởng lợi ích trực tiếp của chương trình chưa nhiều; hàng bình ổn giá chưa thu hút được tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ truyền thống tham gia nhận hàng về bán.

Lượng hàng hoá dự trữ chỉ tập trung vào một số mặt hàng mà doanh nghiệp kinh doanh hoặc làm đại lý nên mặt hàng tham gia chưa phong phú, ít chủng loại. Các mặt hàng đưa về nông thôn chủ yếu là các mặt hàng khô, dễ bảo quản, hạn sử dụng lâu dài, do hàng tươi sống khó bảo quản bán trong ngày và người dân có thói quen mua tại các quầy hàng trong chợ.

Tiếp tục xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Sở Công thương trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện, theo hướng mở rộng thêm mặt hàng bình ổn.

Theo đó, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các chương trình giao thương, kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu tham gia bình ổn thị trường đến tay người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa, các khu, cụm công nghiệp; gắn kết thường xuyên với các cơ quan thông tin truyền thông để tuyên truyền rộng rãi, kịp thời, chính xác các chủ trương, chính sách của tỉnh, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình thực hiện chương trình bình ổn thị trường.

Đồng thời, Sở kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia vào Kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, từ ngày 1.7.2020 đến ngày 31.3.2021 để hàng hóa được phong phú và đa dạng.

Nhi Trần

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục