Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giao ban hoạt động Ngân hàng quý IV.2018:

Đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, ổn định và thông suốt 

Cập nhật ngày: 24/01/2019 - 09:38

BTNO - “Hệ thống ATM phải đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định và thông suốt dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019”- đó là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh tại Hội nghị giao ban định kỳ ngành Ngân hàng quý IV.2018, được tổ chức vào ngày 23.1.2019.

Tổng nguồn huy động vốn ước đạt 40.999 tỷ đồng

Năm 2018, mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định so với cuối năm 2017. Tổng nguồn huy động vốn ước đạt 40.999 tỷ đồng, tăng 9,3% so đầu năm. Về cơ cấu nguồn vốn huy động, tiền gửi tổ chức kinh tế đạt 9.249 tỷ đồng (tăng 19,5%), tiền gửi dân cư đạt 31.516 tỷ đồng (tăng 7,8%).

Ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc NHNN chi nhánh Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Mức lãi suất cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa 6,5%/năm (Quỹ TDND 7,5%/năm). Riêng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường và cho vay tiêu dùng ở mức phổ biến từ 8,5- 11%/năm (tăng 0,2% so đầu năm). Theo nhận định, lãi suất huy động và lãi suất cho vay tuy tăng nhẹ ở một số kỳ hạn vào thời diễm cuối năm, nhưng tương đối ổn định và ở mức hợp lý.

Tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn ước đạt 49.363 tỷ đồng, tăng 18,5%. Trong đó, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp tăng 20,1%, với 1.380 doanh nghiệp; dư nợ đối với pháp nhân tăng 25,1% với 1.121 pháp nhân; dư nợ đối với cá nhân tăng 17,8%, với 264.000 cá nhân. Đối với dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh đạt 36.855 tỷ đồng, chiếm 74,7% tổng dư nợ, tăng 17,9% so đầu năm; dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 12.508 tỷ đồng, chiếm 25,3% tổng dư nợ, tăng 20,2% so đầu năm.

Về kết quả cho vay một số chương trình tín dụng đến 31.12.2018, đại diện Ngân hàng nhà nước chi nhánh Tây Ninh cho biết, trong năm, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 23.200 tỷ đồng, tăng 12%;chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp đạt 18.260 tỷ đồng (tăng 17,9%);chương trình bình ổn thị trường đạt 337,8 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so đầu năm; dư nợ chương trình cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 1.411,2 tỷ đồng, tăng 14,8% so đầu năm; dư nợ cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 60,1 tỷ đồng với 37 khách hàng và dư nợ tín dụng chính sách (NHCSXH) đạt 2.263 tỷ đồng, tăng 11% so đầunăm.

Nợ xấu của các TCTD đến cuối năm 2018 là 192,7 tỷ đồng, chiếm 0,39% tổng dư nợ, giảm so với tỷ lệ 0,45% đầu năm. Trong năm, các ngân hàng thương mại đã xử lý 301,1 tỷ đồng nợ xấu.

Hạn chế tín dụng đen; đảm bảo hệ thống ATM hoạt động thông suốt.

Ông Nguyễn Xuân Hiền nhận định, năm 2018 mức tăng trưởng tín dụng có thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, nhưng phù hợp với diễn biến kinh tế của tỉnh và định hướng điều hành chính sách tiền tệ của ngành.

Trong năm, các TCTD trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt chương trình kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp, tiếp xúc, đối thoại hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đông thời thực hiện rà soát đơn giản hóa và công khai, minh bạch các thủ tục vay vốn, lãi suất, phí, quy trình... tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay, vốn tín dụng.

Đại diện BIDV chi nhánh Tây Ninh báo cáo hoạt động kinh doanh tại hội nghị.

Đặc biệt tiếp tục hướng vào phục vụ cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; ngành công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp, người dân.

“Các tổ chức tín dụng cần phải sâu sát hơn tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, rà soát lại các sản phẩm kinh doanh dịch vụ cho phù hợp với địa bàn hoạt động, từ đó nghiên cứu, kiến nghị với hội sở điều chỉnh lãi suất cho hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Vì hiện nay, lãi suất cho vay tiêu dùng còn chênh lệch rất nhiều”- ông Hiền đề nghị.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 180 trụ ATM, 336 POS. Theo nhận định, các ATM đều đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, đảm bảo an ninh, an toàn và được thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, hoạt động ổn định, thông suốt không phát sinh sự cố.

Để đảm bảo chất lượng, an toàn hoạt động ATM trong dịp cuối năm 2018 và dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán sắp tới, ông Hiền yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm và tết, bao gồm kế hoạch tiền mặt, tiếp quỹ ATM, nhân sự, bảo trì, bảo dưỡng ATM…, đảm bảo mạng lưới ATM hoạt động hiệu quả, an toàn và thông suốt, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư, hạn chế để xảy ra tình trạng gián đoạn trong hoạt động, gây bức xúc cho khách hàng.

Đối với việc hạn chế tín dụng đen, ông Hiền nhấn mạnh, “ngành Ngân hàng nghiên cứu phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống chính đáng của người dân, xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng thuận lợi, hạn chế người dân tìm đến tín dụng đen”. Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà,thực hiện công khai, minh bạch về lãi suất, phí, quy trình, thủ tục, hồ sơ… tại trụ sở giao dịch và trên cổng thông tin điện tử để khách hàng dễ dàng tiếp cận, nắm bắt và giám sát thực hiện.

Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại điểm bán (POS); triển khai phát triển thanh toán tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; ứng dụng thanh toán điện tử phục vụ cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và các lĩnh vực như chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, thanh toán tiền điện, học phí, viện phí…; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại đảm bảo an toàn, bảo mật và gia tăng tiện ích cho khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán.

Tâm Giang