BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đám cưới ở Na Thuông

Cập nhật ngày: 15/03/2011 - 12:06

Bên kia đường biên giới thuộc xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành là xã Na Thuông, huyện Rùm Đua của Campuchia. Bà con hai xã vẫn thường xuyên qua lại buôn bán hàng hoá, nông sản với nhau. Vì thế, trên con đường trục nối liền các xã vùng biên, thường thấy những người đàn ông, đàn bà Khmer vận xà rông, đầu quấn khăn rằn chạy xe máy, trên ba ga buộc những chiếc bành tre to tướng. Trong ấy, có thể là gạo, đậu, đường thốt nốt… hoặc có cả một bầy gà hoặc một con heo lớn. Lúc về lại là những món hàng Việt Nam có túi bọc màu mè.

Nhà ở Na Thuông.

Ấy là ngày thường. Còn khi có lễ hội thì trên đường lại bừng lên những sắc màu tươi tắn. Hai xã đều có chùa, nên gặp mùa lễ năm mới hay lễ cúng Đôn Tà, cứ gọi là ríu rít váy áo đẹp, dù hoa từng tốp đi sang dự hội cùng nhau. Ngay cả đám cưới của người Khmer bên này cũng rất đông khách mời đến từ bên kia và ngược lại. Ngay cả các cán bộ xã Hoà Thạnh cũng thường sang bên xã bạn Na Thuông dự đám cưới. Thì, thường gặp nhau trong họp bàn xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị; những chuyện hiếu hỉ thế này chẳng thể bỏ qua!

Từ ấp Hiệp Phước đi ra, cứ theo đường trục liên xã, mà lên ấp Hiệp Bình, nơi có chợ Tà Nông (nay đã mang tên là chợ Hiệp Bình). Từ chợ Tà Nông đi ra chốt Biên phòng cửa khẩu cũng chừng hơn 2km. Tại nơi cắm chốt, trước mặt là vùng sông nước do con rạch Nàng Dinh chảy tới, tụ lại cùng với gò đồi, rừng cây mà tạo thành một cảnh quan tuyệt đẹp như ở những khu du lịch. Mặt nước láng lai quanh những hòn đảo xanh rì thấp thoáng cánh cò bay. Sang bên kia biên giới, lập tức con đường đã thành khấp khểnh sống trâu. Lác đác bên đường là những ngôi nhà ở của bà con xã bạn. Cũng vườn cây rợp bóng xoài, dừa, thốt nốt như ở ấp Hiệp Phước, Hoà Thạnh; cũng hàng rào bằng tre ràng buộc sơ sài hoặc trụ bê tông kéo dây kẽm gai, nhưng nhà thì tuyệt đẹp. Nhà thường giống nhau, kiểu nhà sàn có hai nóc mái. Ngoài nhà chính, thường có gian chái chòi ra một bên thành một gian buồng. Hẳn nơi ấy là dành cho những cặp tân hôn.

Đám cưới ở xã Na Thuông đã hiện diện trước mặt kia, ngay cạnh ngôi nhà ở của bố mẹ cô dâu là căn nhà tạm bằng cột tre, mái bạt nilon do nhà trai mới sang dựng lên. Gọi là tạm, nhưng nhà cũng đủ rộng để có cả gian bếp nấu, một gian thực hiện lễ nghi và bày bàn ghế cho khách về dự tiệc. Tại gian nghi lễ, có đặt một chiếc bàn to bày lễ vật. Còn chung quanh trải chiếu để làm chỗ ngồi cho dàn nhạc và các bạn gái, trai phù rể, phù dâu. Bàn lễ vật xếp đầy bánh trái, hoa tươi các loại, nhưng không thể thiếu những nhánh hoa cau có những đọt lá cau non điểm xuyết. Chú rể, cô dâu đều trang phục đẹp theo lối cổ truyền. Trai: áo trắng có ngù vai cùng những tua vàng lấp lánh; Gái: váy lụa, thắt lưng cũng óng ánh sắc kim loại bạc vàng, khăn choàng kim tuyến quấn quanh người và thả cái đuôi khăn về bên vai trái. Cả hai ngồi trên ghế con trước bàn lễ vật. Thoạt tiên là lễ cắt tóc. Một nam ca sĩ vừa hát múa theo dàn nhạc vừa đi vòng quanh cô dâu chú rể, thỉnh thoảng lại đưa kéo, lược lên đầu chú rể, cô dâu cắt vài lọn tóc. Với người Khmer, làm thế là để trừ khử mọi điều xấu xa cho đôi bạn trẻ sắp thành thân. Sau nghi thức ấy, là đến phần việc của các vị sư sãi của chùa. Họ sẽ vừa đọc kinh, vừa nhúng một cành lá vào chậu nước hoa tươi, vẩy lên những người ngồi quanh, sau đó sẽ buộc chỉ cổ tay cho cô dâu, chú rể. Có cả chỉ buộc của mẹ, cha và của bạn bè. Sợi chỉ buộc chính là lời cầu chúc cho gia đình mới từ nay sẽ được gắn kết bền chặt mãi. Sau nghi lễ quan trọng này thì tất cả mới vào bàn tiệc. Khi ấy thì gái trai bè bạn trong xóm mới rủ nhau vào vòng hát múa trong tiếng nhạc truyền thống tưng bừng như ta thường thấy trong các mùa lễ hội Khmer.

Các người già ở xã Na Thuông kể rằng, đám cưới ngày trước phải đủ 3 ngày rình rang với nhiều lễ nghi như, lễ chú rể nhập phòng, được nhà gái tặng chăn và trầu cau; còn chú rể cũng phải có lễ tạ gia đình bên vợ gồm tặng vật là đầu heo, gà luộc, bánh tét và bánh ít. Trong ấy có thứ phải trao tận tay là những chùm hoa cau tới bố mẹ và anh chị em bên vợ… Nay thì đã giản tiện hơn nhiều, gọn trong chỉ một hoặc hai ngày.

Lễ cắt tóc

Hoà Thạnh và Na Thuông đã có mấy chục năm hoà bình đầm ấm yên vui. Chỉ còn một khoảng cách nhỏ: bên Hoà Thạnh đã phong quang đường nhựa, điện lưới quốc gia thắp sáng, tivi í ới suốt ngày đến từng nhà người Khmer Hiệp Phước… Thì ở Na Thuông, vẫn còn thiếu hầu hết những cơ sở hạ tầng. Vì thế chăng, mà vẫn còn nguyên vẹn một sóc Khmer rợp cây xanh bên những mái nhà sàn. Con đường khấp khểnh trâu đi nhìn thấy thơ mộng, nhưng lại hết sức vất vả với người đi xe máy- phương tiện chính của người qua lại ở vùng biên giới. Thế vẫn còn là may đấy! Anh cán bộ xã đi cùng nói: - Vì bây giờ đang giữa mùa khô, chứ vào mùa mưa có khi phải dắt xe bì bõm lội.

TRẦN VŨ

 


 
Liên kết hữu ích