Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đã từng trải qua thời trẻ đầy khó khăn nên đối với bà Hoằng sự cần cù, chịu khó dường như đã ngấm vào người.

Đã ở tuổi 56 nhưng bà Nguyễn Thị Hoằng (ảnh), nhà ở ấp Xóm Mới 2, xã Trí Bình, huyện Châu Thành vẫn còn rất nhanh nhẹn, khoẻ mạnh và vẫn đang là trụ cột của gia đình bởi gần 2 năm nay, chồng bà bị bệnh tai biến chỉ nằm một chỗ, các con của bà hầu hết đã có gia đình và ra ở riêng. Mọi công việc lo toan trong gia đình đều do bà Hoằng quán xuyến.
Đã từng trải qua thời trẻ đầy khó khăn (khi mới lập gia đình) nên đối với bà Hoằng sự cần cù, chịu khó dường như đã ngấm vào người. Nhà có gần 4 mẫu đất trước đây chỉ trồng lúa. Thấy năng suất lúa không cao, cho hiệu quả kinh tế thấp, khoảng 7 năm trước bà Hoằng bàn với chồng chuyển sang trồng mía hợp đồng với Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh. Cũng từ đó kinh tế gia đình bà khá lên. Một mình bà lo trong, lo ngoài từ khâu giống, mướn công cho đến kỹ thuật trồng mía, bà mày mò học từ người quen hoặc cán bộ, nhân viên nhà máy. Thế là ngoài đất nhà, bà Hoằng hợp đồng thuê thêm đất để trồng mía nhằm tăng thêm thu nhập. Có lúc nông dân trồng mía lao đao, bà Hoằng cũng không ngoại lệ nhưng dù sao theo lời bà “Tệ lắm cũng chỉ huề vốn chứ chưa phải lỗ lần nào”.
![]() |
Ngoài trồng mía bà Hoằng còn trồng mì và dự định sắp tới sẽ chuyển sang trồng cao su. Người phụ nữ đảm đang này còn chăn nuôi bò, heo. Trong khi trò chuyện, bà vẫn nhấp nhổm vì sắp tới giờ đi giăng lưới ngoài đồng. Bà cười cho biết: “Ở quê mùa nước nổi cũng có cái lợi, rau đồng, cá nước nên tiết kiệm được nhiều lắm”.
Không chỉ siêng năng lao động, bà Hoằng còn là một hội viên phụ nữ tích cực của ấp Xóm Mới 2. Khoảng 3 năm nay, bà được chị em phụ nữ bầu làm tổ trưởng tổ phụ nữ số 6 ấp Xóm Mới 2. Tổ này chỉ có gần 40 hộ dân nhưng địa bàn rộng nên hoạt động của tổ trước đây rất khó. Nhưng gần ba năm nay, do các chị em phụ nữ có nhu cầu nên Hội Phụ nữ xã cho lập lại tổ và được chị em hăng hái tham gia. Mỗi tháng một lần, hơn 30 hội viên đều tập trung tại nhà bà Hoằng tổ trưởng để sinh hoạt. Bà Hoằng cho biết: “Đa số phụ nữ trong tổ đều có hoàn cảnh khó khăn chỉ đi làm thuê làm mướn kiếm sống, đời sống của chị em có nhiều thiệt thòi, nhất là thông tin về các chính sách hỗ trợ phụ nữ. Hằng tháng, chị em hội họp để biết thêm thông tin cũng như gặp gỡ vui vẻ sau những ngày làm việc vất vả”. Bằng sự nhiệt tình của mình, tổ trưởng Nguyễn Thị Hoằng được chị em trong tổ rất tin tưởng. Điều đó càng khiến người phụ nữ giỏi giang ấy tự thấy phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
ĐÀO NAM