BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dân ca dân tộc thiểu số: Cần lưu giữ, bảo vệ trước khi quá muộn

Cập nhật ngày: 31/01/2011 - 12:25

Dân ca nằm trong dòng văn học dân gian, được truyền bá và lưu giữ bằng ký ức và con đường truyền khẩu. Vì vậy, nếu nghệ nhân qua đời mà không có truyền nhân thì dân ca sẽ vĩnh viễn mất đi, không còn lưu giữ được trên văn bản. Kho tàng quý giá này dần bị mai một đi trước xu thế đô thị hoá trong cuộc sống của mỗi dân tộc hiện nay nói chung và các dân tộc thiểu số nói riêng, khi mà các nghệ nhân lớn tuổi dần qua đời và giới trẻ chỉ ưa chuộng hát ca khúc mới, nếu các ngành chức năng không có hướng kịp thời bảo tồn lại dân ca của các dân tộc.

Nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia năm 2010, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tây Ninh thực hiện đề tài khoa học “Bảo tồn dân ca dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh” với bước đầu là thành lập đoàn khảo sát, sưu tầm điền dã dân ca các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nhà: dân tộc Khmer, dân tộc Chăm và người Tà Mun ở các huyện Tân Biên, Tân Châu, Hoà Thành, Châu Thành và Thị xã.

Qua bước đầu khảo sát, sưu tầm điền dã cho thấy thực trạng hiện nay số nghệ nhân lớn tuổi của các dân tộc đã mất đi rất nhiều và các bài dân ca đã mai một dần. Đoàn đã tiếp xúc với một số nghệ nhân trung niên và trẻ tuổi, có người còn rất trẻ như Phúc Khol- 18 tuổi, người Khmer. Số nghệ nhân lớn tuổi chỉ còn lại hiếm hoi như: Chàm Ló- 84 tuổi, Thị Bá - 83 tuổi (đều là người Chăm). Thông qua con đường truyền khẩu, chỉ được lưu giữ bằng ký ức nên nhiều bài dân ca không tránh khỏi hiện tượng “tam sao, thất bản”. Có nghệ nhân ngày xưa thuộc đến vài chục bài nhưng hiện nay chỉ còn có thể nhớ được một vài bài. Theo lời kể, ở ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu xưa còn lưu giữ những bài trường ca cổ của người Chăm trên sách bằng lá thốt nốt, tiếc thay bây giờ đã bị thất lạc cả. Những nghệ nhân trẻ tuổi hiện nay không thể nhớ được tên của các bậc cao niên đã truyền lại các bài dân ca cho mình. Cũng có trường hợp nghệ nhân là người Kinh, như ông Tạ Ngọc Lắm ở xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên lại nhớ được nhiều bài dân ca Khmer hơn cả chính những người Khmer sống cùng địa phương.

Số nghệ nhân dân ca người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ rất ít so với cộng đồng dân cư (dưới 1%) và ký ức cũng bị lẫn lộn giữa 2 dòng nhạc dân ca và ca khúc mới. Thí dụ như bài nhạc Chăm “Tom tom staten” với lời Chăm ghi lại lời mẹ dạy khi đi lấy chồng thì phần nhạc lại chính là giai điệu bài nhạc Pháp “C’est à capri” mà một số nghệ nhân lầm tưởng là bài dân ca của dân tộc mình. Điều này cho thấy hiện nay đã có sự lấn át của các ca khúc mới cùng với ban nhạc điện tử.

Đoàn khảo sát, sưu tầm điền dã dân ca các dân tộc thiểu số Tây Ninh đã sưu tầm được hơn 160 bài ở các địa điểm, tuy nhiên khi đem về thẩm định lại, loại bỏ những bài có dáng dấp của ca khúc mới, đã chọn lọc lại được 91 bài gồm: 31 bài dân ca Chăm (trong đó có 1 trường ca), 52 bài dân ca Khmer, 8 bài dân ca Tà Mun.

Về thể loại, dân ca người Chăm, người Tà Mun thường là những bài tự sự như câu chuyện kể trong khi đa số dân ca của người Khmer là các bài giao duyên nam, nữ. Nếu nói dân ca là một loại hình nguyên hợp (hát kết hợp với múa và nhạc đệm) thì trường hợp này chỉ đúng với dân ca Khmer mà không đúng với dân ca Chăm và Tà Mun. Dân ca Chăm thường ở thể tự sự, hát đơn độc một mình, do đó dễ bị mất đi. Dân ca Tà Mun với làn điệu và ca từ còn mơ hồ chưa rõ nét, có nghệ nhân thuộc và hát nhưng không hiểu hết ngữ nghĩa của bài hát và mỗi lần hát là một lần thay đổi nhỏ về làn điệu. Vì vậy, sự lưu giữ các bài dân ca này cũng không bền vững vì không định hình rõ nét trong ký ức của nghệ nhân. Dân ca Khmer, hầu hết là các bài Rom Vuông (Lâm Thôn- múa đôi hoặc múa vòng tròn) và một ít bài là Rom Saravan (múa lối Saravan). Vì thế, các bài dân ca Khmer dễ lưu giữ trong trí nhớ hơn vì khi diễn xướng có nhiều người cùng tham gia (nhiều người cùng nhớ).

Giống như dân ca người Kinh, tình yêu đôi lứa hay sự giao lưu của nam, nữ thường được đề cập trong các bài dân ca dân tộc thiểu số. Điều này thấy rõ trong các bài dân ca Khmer như: chàng trai cảm thấy mình quá nghèo nên không thể đến được với người mình yêu (Snai ư snai đot chưnmik - Tình yêu tựa chân trời), hay cô gái chỉ chọn người yêu là người độc thân chứ không phải nhất thiết là người giàu có (Smắk bòn đairư on srây - Em có thích anh không?). Ngay cả trong dân ca Chăm cũng có bài “Kà ta gâu” (Chim cúc cu) nói về tiếng gọi tình yêu của chàng trai như tiếng nỉ non của con chim cu trống gọi chim cu mái đến với mình. Dân ca Tà Mun thì có bài “Hành mu mi” (Đi rẫy) là những lời tỏ tình của đôi trai gái trong lúc lao động ở rẫy vườn.

Về lời và làn điệu trong một số bài dân ca Khmer, Chăm và Tà Mun cũng đã có sự giao thoa với các dân tộc cận cư. Thấy rõ nhất trong bài trường ca dân tộc Chăm “Nài ktớk” (Cô gái lùn) có làn điệu rất giống với dân ca người Chăm Bà La Môn ở Ninh Thuận (người Chăm ở Tây Ninh theo Hồi giáo Bà Ni - Hồi giáo bản địa). Các bài dân ca Khmer như: Okhec SiemRiep (Ở tận Siêm Riệp), Srây sroc đrâm đrây (Khen cô gái đẹp), Ao kầmpi pui (Hoa bông súng)… có gốc gác tại Campuchia vì người hát đã được học từ nghệ nhân ở Campuchia. Hay bài dân ca Tà Mun “Cà pâu sa pía” (Chẳng dám đuổi trâu) có thang âm trong làn điệu rất giống dân ca của người Khmer.

Trước nguy cơ ngày càng mất đi lớp nghệ nhân lớn tuổi và sự lấn át ngày càng mạnh mẽ của trào lưu nhạc mới thì việc sưu tầm và lưu giữ các bài dân ca, trong đó có dân ca các dân tộc thiểu số là việc làm cấp thiết để bảo tồn vốn quý về bản sắc hoá của tỉnh nhà.

Nhạc sĩ Lê Hoàng Minh