Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Dân ca tộc Việt- mà cụ thể là dân ca Nam bộ ở Tây Ninh mang một bản sắc riêng của vùng miền biên giới Tây Nam Tổ quốc.

(BTN)- Cho đến nay, qua nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm (kể cả chương trình kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể tỉnh Tây Ninh năm 2012), dân ca Tây Ninh hiện còn lưu giữ được là 419 bài. Trong đó, dân ca tộc Việt: 282 bài, dân ca tộc người thiểu số (Khmer, Chăm và nhóm người Tà Mun): 137 bài.
Cũng qua các công trình nghiên cứu, dân ca tộc Việt mà cụ thể là dân ca Nam bộ ở Tây Ninh mang một bản sắc riêng của vùng miền biên giới Tây Nam Tổ quốc (những bài bản gốc xuất xứ từ Tây Ninh và những dị bản từ nơi khác truyền đến). Dân ca tộc Việt ở Tây Ninh cũng có trình tự phát triển như dân ca tộc Việt cả nước nói chung, đó là ngâm - kể (nói thơ - vè), hát ru, hò, hát lý. Các điệu lý chiếm đa số, các điệu hò nhiều hơn hát ru, còn hát ru thì nhiều hơn các thể loại còn lại (vè, nói thơ, thơ rơi…). Điều này cũng dễ hiểu, vì lịch sử vùng đất Tây Ninh được hình thành và phát triển mới hơn 300 năm, các cư dân đầu tiên của Tây Ninh từ các vùng Ngũ Quảng di cư đến đã mang sẵn trong người chất dân ca tộc Việt ở giai đoạn phát triển cả nội dung lẫn hình thức (cả lời lẫn nhạc, có nghĩa là “hát” đã nhiều hơn “nói, kể”, điệu lý nhiều hơn các thể loại khác ở thời kỳ đầu hình thành dân ca là lẽ đương nhiên).
![]() |
Nghệ nhân là nguồn quý giá để lưu giữ và truyền bá dân ca |
Ở thể loại sơ khai của dân ca tộc Việt là ngâm – kể (lấy tiết tấu là chính với sự trầm, bổng của thanh điệu, chưa xác định rõ ràng về cao độ), Tây Ninh có những hình thức nói thơ, vè và đồng dao. Những bài nói thơ ở Tây Ninh phần lớn dùng thơ 6-8, nhưng lại có bài theo lối 7-7 của dân gian (nói thơ đám cưới – xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu), trong đó có những bài chắc chắn có gốc tích tại Tây Ninh: “…Nhà em ở xóm Gò Dầu/ Ra đi nhớ má lại rầu bốn phương/ Nhớ rồi cũng nghĩ, cũng thương/ Nhìn lên dòm thẳng, bước qua Mương Xáng, em vô Bời Lời/ Bời Lời cũng thấy vui vui/ Nhớ dìa hướng má Suối Bà Tươi thật dài…” (Nói thơ “Nhà em ở xóm Gò Dầu”).
Vè ở Tây Ninh khá phong phú về tiết tấu. Ngoài vè 4 từ chiếm đa số (nhịp 2-2) có nguồn gốc xa xưa nhất xuất phát từ châu thổ sông Hồng, còn có vè 5 từ đặc trưng của giặm Nghệ Tĩnh với nhịp 3-2 (vè nói ngược, vè loài kiến…), vè nhịp 6-8 nguyên thể (vè nói dóc) và vè nhịp 6-8 biến thể (6-8 pha trộn với 7-8, 6-9 như “vè con trâu”, “vè loài chim”). Ở Tây Ninh còn có vè 6 từ (nhịp 3-3) ít thấy ở những tỉnh, thành bạn: “… Chơi với quốc, quốc cho giò/Chơi với bò, bò cho nhau/ Chơi với cau, cau cho trái/ Chơi với gái, gái cho hun/ Chơi với Tà Mun, Tà Mun cho ngọc…” (Vè chơi quốc). Đặc biệt là “Vè đất trảng” chắc chắn có xuất xứ từ Tây Ninh: “… Nghe vẻ, nghe ve/ Nghe vè đất Trảng/ Quê tui nhiều trảng/ Tên gọi hay hay/ Có đến Trảng Mây/ Xin đừng hảo ngọt/ Vợ ghen nó đón/ Có thể lết luôn/ Còn đến Trảng Tròn/ Có nhiều gái đẹp/ Tròn quay ốc mít/ Hổng sợ sút cân/ Ai có đào hầm/ Đào ao, đào giếng/ Xin đừng có đến/ Trảng Sụp có ngày…”.
Ở thể loại ru - ví (đã hình thành rõ ràng cao độ của âm nhạc nhưng âm hình còn mênh mông chưa định hình rõ nét và thường chỉ diễn xướng độc thoại). Tây Ninh có bảo lưu được loại hình hát ru với nhiều phong cách ru: ru Nam bộ (hát ầu ơ), ru Huế, ru đưa em miền Bắc nhưng chiếm đa số vẫn là ru Nam bộ với lời ru có gốc tích của địa phương: “… Ầu ơ thương anh chiến sĩ Tây Ninh/ Kiên cường trung dũng giữ gìn làng quê/ Núi Bà xanh mát tứ bề/ Lòng người thiếu phụ nguyện thề thuỷ chung…”.
![]() |
Đi sưu tầm điền dã dân ca Tây Ninh. Ảnh: Phạm An Dương |
Theo trình tự phát triển, thể loại hò đã đánh dấu một bước tiến trong dân ca tộc Việt ở mặt hoàn chỉnh thêm về âm hình (dù vẫn có loại hò ngân dài tự do tuỳ ý, chưa thể ký âm vào nhịp phách cố định) hay về mặt diễn xướng (đã có đối tượng đáp lại khi diễn xướng như hò đối đáp, có cộng hưởng thêm phần âm nhạc như xướng- xô trong hò hoà hơ. Thể loại hò chiếm một tỷ trọng khá lớn trong kho tàng dân ca tộc Việt ở Tây Ninh với nhiều lối diễn xướng: hò huê tình, hò mái dài, hò xay lúa (hò rao, hò hoà hơ), hò đối đáp, hò cấy (hò cá trê)… và có thể quy vào 2 hình thức cơ bản: hò trữ tình và hò giao duyên- đối đáp.
Hò trữ tình ở đây là hò huê tình, hò mái dài, hò thơ. Hò huê tình có nhiều bài xuất xứ từ Tây Ninh: “…Hò…ơ… Thanh Điền gạo trắng nước trong/ Em nhớ nồi rau nhút cua đồng nấu chua/ Mỗi khi ông lớn về làng/ Thuyền em qua đón qua Vàm Cỏ Đông…” hay: “…Hò…ơ… Huớ này anh đó ơi/Em trở về Bến Sỏi gặp người em thương/ Bến Sỏi lại tới Tầm Long/ Tầm Long trông mong gì nữa, em trở qua Tà Lọt/ Em dọt Bến Cầu…/ Lên trên biên giới còn đâu em trở dìa…”. Đặc biệt, hò mái dài ở Tây Ninh với lối dồn nhiều từ trong khổ một câu hò, phải chăng đây là một trong những nguồn gốc phát sinh cách hát dài hơi, nhiều chữ trong một câu hát vọng cổ sau này? “Hò ơ… Trời dù cao ngàn trượng anh cũng không chống nổi cột đồng/ Đất (mà) dù ở muôn trùng anh cũng muốn vun bồi xã tắc/ Chờ cơ thắt ngặt anh mới ra tay chuốt vảy rồng xanh/ Anh cũng muốn ra đạt luỹ thâu thành/ Nghiệt vì vua lành chẳng có/ Hơ… cho nên anh còn ẩn tích (mà) mai danh (ơ) chờ thời…”.
Hò giao duyên – đối đáp ở Tây Ninh điển hình là hò cấy (nếu đối đáp mang tính hơn thua, gay cấn thì gọi là hò cá trê hay hò ngạnh trê), hò đối đáp (phần đầu khởi xướng cuộc hò gọi là “hò rao”, phần đối đáp lại một cách ngẫu hứng, sáng tạo thì gọi là “hò môi” hay “hò mép”) và hò xay lúa (còn gọi là hò hoà hơ – một cấu trúc khá hoàn chỉnh về mặt âm nhạc: có xướng- xô và có thể ký âm hoàn chỉnh vào khuôn mẫu của nhịp phách). Đơn cử: “Hò… tui rao (hoà hơ)/ Tay cầm ba bốn trái cau (hoà hơ)/ Trái ăn, trái để (hoà hơ)/ Trái trao cho chàng (hoà hơ)…”.
Về thể loại hát lý còn có rất nhiều điều để nói nhưng chỉ với thể hát không giai điệu như kể trên đã là vốn quý mang đậm bản sắc văn hoá vùng miền, xứng đáng để người Tây Ninh trân trọng nâng niu, gìn giữ và truyền bá cho thế hệ đời sau.
Nhạc sĩ Lê Hoàng Minh