BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đàn cò trắng trở về 

Cập nhật ngày: 01/04/2017 - 23:26

BTNO - Ba gã đàn ông ngồi ở ba góc bàn, còn chừa một khoảng trống nhìn ra cánh đồng mông quạnh. Có đàn cò nhởn nhơ tìm mồi thả lên cái nền màu cỏ úa những chấm trắng vô tình. Một người chép miệng: “Đất đã lành chưa mà chim về đậu?”. Người khác: “Biết đâu được”. Ba cái ly rượu nâng lên cạn tới đáy, chỉ có chiếc ly nằm ở khoảng trống còn nguyên, sóng sánh.

Ảnh minh hoạ: P.TK

Vài hôm nữa Điệu về.

Gã đàn ông dáng phong trần có mái tóc lốm đốm bạc chậm rãi rót rượu lơ đễnh để rượu chảy tràn ra bàn. Gã chấm ngón tay định vẽ một vòng tròn rồi lưng chừng dừng lại không để hai mối giáp nhau. Mắt gã dài dại chìm trong u ẩn. Kỷ niệm ngày xưa đổ về ngùn ngụt.

Quán cô Bảy dễ đã có hơn bốn chục năm rồi chứ không ít. Từ cái thuở cô Bảy băm mấy nhát lỡ thì đến khi thành một bà lão tốt tướng, phúc hậu như bây giờ. Quán đầu làng nằm cạnh cái bến nước chỗ hồi xưa là nơi tập kết những cây gỗ be khai thác hợp pháp hoặc lậu nên gọi là Bến Be.

Quán đã tám, chín lần thay áo nhưng vẫn giữ nguyên cái khung sườn bằng gỗ lụt, tre rừng già cứng như sắt. Mái lá buông lợp thẳng nếp, vách trống huơ trống hoác để ngọn gió đồng ung dung luồn qua mát rượi.

Ba gã đàn ông ngồi đây cũng đã hơn hai mươi mùa lúa bưng trổ đòng đòng. Từ cái thời còn là thanh niên trai tráng đến giờ tuổi gần chạm ngõ năm mươi. Hồi đó có đến bốn người. Người thứ tư chính là Điệu, ở cùng xóm chơi thân nhau từ thời học cấp một trường làng.

Điệu nhỏ hơn nhưng vì là con gái nên chững chạc và già dặn mau. Ba tên trai làng đều thích Điệu còn Điệu thì chỉ có mỗi trái tim đã âm thầm trao cho một người. Vậy mà năm mười sáu tuổi Điệu đi lấy chồng. “Bướm vàng đậu nhánh mù u, lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn”, chẳng biết Điệu có buồn không nhưng ba gã trai làng thì sầu tê tái. Gã lãng du hay tin về ôm đàn uống rượu khan, rồi hát “ngày lấy chồng em đi qua con đê…”.

Rồi Điệu thôi chồng sau hai năm chơi trò con nít bán quán với thằng nhóc bằng tuổi. Mỗi tháng gã lãng du về một lần như định ước. Cả bốn người lại say. Điệu say là hát “Đò chiều”, gã lãng du say tiếng đàn càng liêu trai, hai gã lực điền say cứ ngồi im lặng gõ nhịp và thở dài. Cứ thế thêm ba mùa lúa bưng trổ đòng nữa thì Điệu lại lên xe hoa bởi gã lãng du như cánh chim thiên di không mỏi cánh.

Đất quê bỗng nhiên chật lại khi các nhà máy, dự án về băm nát nông thôn. Cánh đồng bưng trước cửa quán bà Bảy cũng bị treo câu tình ca của đất và lúa vì quy hoạch. Hai gã lực điền ly nông, bán sức lao động và mồ hôi trên những ngôi nhà xây mới mọc lên như nấm sau mưa từ tiền bán đất. Ai cũng nghĩ dân xóm Bến Be đã đổi đời.

Một năm họ mới gặp nhau một lần vào cái mùa ruộng bưng nhớ lúa khóc đến ngập đồng. Cũng từ đó có một chỗ bàn trống cùng ly rượu sóng sánh buồn. Cây đàn ghi-ta nằm hắt hiu trong góc quán. Gã lãng du sợ chạm vào những sợi dây âm thanh của quá khứ, sợ tiếng đàn sẽ bơ vơ như dòng sông thiếu bóng con đò chiều.

Gã lãng du nhớ đến cồn cào con rộc dẫn nước từ miệt đồng cao về Bến Be chảy qua giữa xóm mùa khô chỉ còn một lạch nhỏ nước đục ngầu. Hai bên bờ rộc đầy những cây chùm đuông mọc hoang, mùa trái chín tím rịm vòm lá xanh. Đó là con đường học trò nhiều kỷ niệm của gã và Điệu.

Học chung trường, nhà chạm ngõ, sách vở đựng chung cặp, ngày mưa ngày nắng che chung tàu lá chuối. Chiều tan học hai đứa thường nắm tay nhau chạy suốt bờ rộc vắng người. Cái chùm tóc đuôi gà của Điệu nhảy cóc theo âm thanh tiếng cười trong trẻo rồi tan loãng vào không gian của một miền quê êm ái mênh mang như một câu hò.

Nhà Điệu nấu rượu (có lẽ vì thế mà sau này tửu lượng Điệu không thua ai). Mẹ Điệu là người đàn bà đẹp không chồng hay đúng hơn không sống với chồng. Gã lãng du nhớ mãi nụ cười của bà mỗi lần ghé chơi, hiền và ấm áp. Gã nhớ cả cái mùi hèm thơm nồng, chua chua tràn ngập ngôi nhà của Điệu.

Điệu có giọng ca ngọt ngào say say như hương rượu nếp thơm. Mãi đến mấy chục năm sau mà gã lãng du vẫn nhớ như in cái giai điệu bài hát đã khiến trái tim nhỏ bé của gã lúc đó rung lên bồi hồi: “…một chiều nào trên bến cô liêu, xóm bên sông tiêu điều, buồn hắt hiu mây chiều. Đò của người thôn nữ vừa đưa người viễn xứ…”. Và cũng chính giọng hát này đã đưa gã đến với cây đàn ghi-ta để “đàn theo lúc em ca, những ngày hoa mộng đời ta…”. Một năm sau ngày gã lên phố học nghề, Điệu đi lấy chồng. Gã cũng bỏ quê làm cánh chim viễn xứ.

Lần này thì không phải Điệu thôi chồng mà bị chồng thôi. Họ nói Điệu không tương xứng với ngôi biệt thự lộng lẫy của nhà chồng vừa phất lên từ cuộc chuyển đổi giá trị sử dụng của đất.

Thời buổi của tấc đất tấc vàng đã tạo ra nhiều bi kịch sau luỹ tre làng. Gã chồng mới hôm qua còn khét nắng đồng bưng chân chất hiền lành bỗng biến thành tên công tử nửa mùa đã chê đôi chân dính phèn của Điệu. Gia đình bên chồng của Điệu là điển hình của lớp nông dân đang lúng túng một cách tội nghiệp trong cái bộ quần áo thượng lưu quá khổ từ trên trời rơi xuống.

Ôm con rời nhà chồng không thèm chạm tay lấy bất cứ một thứ tài sản nào, lòng Điệu dửng dưng như không. Nước mắt chỉ âm thầm chảy trong những lần kiệt cùng với nỗi đau cô đơn của người đàn bà một mình đi qua giông bão. Gửi con lại cho mẹ, Điệu chơi một canh bạc số phận cuối cùng đầy may rủi.

Lấy chồng nước ngoài để đi biệt khỏi cái xứ sở chênh vênh này. Đi trốn cái không khí nhốn nháo, lơ láo nửa phố nửa quê, những gương mặt người vội vàng phủ lên cái chơn chất lành hiền bằng thứ son phấn giả tạo của đồng tiền mong manh. Chạy trốn luôn cả cái ánh mắt ấm áp, nồng nàn mà cứ mãi trôi tuột vào thế giới mơ mộng viễn vông của ai đó. Điệu đi chỉ để là đi, thế thôi! Không có cái bi kịch mà người ta hay cường điệu lên về thân phận của cô dâu Việt xứ người. Gia đình chồng rất tốt và xem Điệu như một thành viên bình đẳng. Chỉ có điều chồng Điệu bị vô sinh. Chồng mất sau một tai nạn bất ngờ, Điệu ở vậy phụng dưỡng cha mẹ chồng cho đến khi cả hai mãn phần. Hơn hai mươi năm lưu lạc xứ người, không còn gì để ràng buộc, Điệu quyết định quy cố hương.

Cái bảng quy hoạch dự án cánh đồng bưng bằng tôn đã rỉ sét mục nát không còn đọc được nội dung được gỡ xuống sau hai mươi năm treo lơ lửng, đất trả lại cho người dân. Không hiểu sao khi tấm bảng vừa tháo dỡ là đàn cò trắng trở về. Nhiều người dân trong xóm thở phào nhẹ nhõm.

Buổi sáng ở quán bà Bảy, bên tách cà phê mấy lão nông cười phà phà nhắc chuyện hồi xưa. Mấy trăm mẫu đất cánh đồng bưng chẳng tốn một hạt diêm nào mà lúa vẫn oằn bông, còn cá thì thôi khỏi phải nói. Họ chắc lưỡi tiếc hùi hụi mấy chục năm bỏ đồng không mông quạnh đến nỗi đất đai cằn cỗi xác xơ.

Ngày mai Điệu về.

Ngày mai cánh đồng bưng sẽ ngập lúa, đàn cò trắng sẽ thong dong về tìm mồi. Nhưng liệu lòng người có còn được như xưa. Cánh đồng bưng hy vọng rồi sẽ tồn tại như một điểm nhấn giữa thành phố trẻ đang hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị xanh trong tương lai. Gã lãng du cũng sẽ quay về như đám mây về ngủ trên đỉnh núi Thánh. Lần này có lẽ mây không bay đi nữa mà sẽ hoá thành những giọt sương nhẹ nhàng tan vào đá núi.

Truyện ngắn của Phước Hội