Nhiều hộ dân ở các ấp thuộc xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên kiến nghị đến UBND xã và ngành chức năng huyện Tân Biên về việc thi công tuyến kênh tiêu TB1, TB2.
Khoảng ba năm nay, nhiều hộ dân ở các ấp Thạnh Tân, Thạnh Trung, Thạnh Nam thuộc xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên liên tục phản ánh, kiến nghị đến UBND xã và ngành chức năng huyện Tân Biên về việc thi công tuyến kênh tiêu TB1, TB2. Lẽ ra, sau khi thi công xong hai tuyến kênh tiêu trên, người dân mừng mới phải. Thế nhưng ngược lại, hơn hai năm qua, người dân ngày càng thêm bức xúc vì bị hai tuyến kênh này “hành”.
Bờ kênh tiêu thành “đê bao giữ nước”
ong Dương Minh Chiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tây cho biết: Trước đây, cánh đồng đi qua các ấp Thạnh Tân, Thạnh Nam, Thạnh Trung thường bị ngập cục bộ vào mùa mưa. Năm 2006, tỉnh đầu tư cho thi công tuyến kênh tiêu TB1, TB2 để phục vụ việc tiêu nước ở vùng trũng này. Cả hai tuyến kênh dài gần 20km, nhưng đến nay, còn gần 2 km bị “treo” vì một số hộ dân không đồng thuận việc làm kênh.
Bờ kênh tiêu thành “đê bao giữ nước” gây ngập úng |
Điều đáng nói là ở những đoạn đã thi công xong, kênh tiêu không “tiêu” nước mưa mà ngược lại gây ngập úng cục bộ khoảng 400 ha đất sản xuất hoa màu, mía, mì, cao su của nhân dân trong vùng. Ông Nguyễn Văn Đô, Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Tân bức xúc: Tôi không hiểu nổi mấy ông thiết kế thi công tuyến kênh này có kiểu làm kênh tiêu lạ đời. Đất đang bằng phẳng, mấy ổng cho máy xúc vô đào, múc thành tuyến ao dài băng qua cánh đồng. Đất múc từ ao được đưa sang một bên, chất thành đê bao suốt tuyến kênh dài khoảng 18km. Như vậy, hoá ra tuyến kênh tiêu này chỉ “tiêu” được nước mưa của một bên. Bên còn lại bị đê bao cao 3 - 4m chắn ngang, làm cho nước mưa không thoát được, ứ đọng lại. Nông dân phải vét mương chạy dọc chân kênh và tự “đục” kênh cho thoát nước mưa nhưng cũng không hiệu quả, vẫn bị ngập úng nhiều nơi.
Tuy nhiên, ở nửa bên tuyến kênh không có “đê bao” cũng không “tiêu” được nước. Tuyến kênh tiêu này “cắt” ngang đường giao thông nội đồng, là tuyến đường duy nhất để nhân dân đi lại, vận chuyển nông sản… trong khu vực. Tại “giao lộ” giữa tuyến kênh và đường giao thông nội đồng (đường đất), đơn vị thi công chừa ra một đoạn khoảng 10m, không làm kênh tiêu. Như vậy, một đoạn dài kênh tiêu này bị đường “chặn” lại, biến kênh tiêu thành ao chứa nước. Mùa mưa, nước không thoát được, gây ngập úng, làm thiệt hại cây trồng của nông dân. Để cứu cánh đồng, nông dân đành phải “phá” đường cho nước thoát đi. Thế là tình hình càng thêm phức tạp, bởi đường đi bị “cắt” mất, nhiều người không thể đi lại, vận chuyển. Vậy là giữa người cần lối đi và người cần lối thoát nước phát sinh mâu thuẫn, khiến chính quyền địa phương “đau đầu” vì những lá đơn khiếu nại, kiến nghị, yêu cầu phải giải quyết cho “đẹp lòng hai bên”. Tuy nhiên, khả năng của xã là chỉ có thể vận động các hộ dân đắp tạm lại con đường để có lối đi lại sau những cơn mưa. Và điệp khúc “đào đường cho nước thoát, đắp đường làm lối đi” cứ lặp đi, lặp lại.
Ông Dương Minh Chiếu cho biết, trước tình trạng này, xã đã nhiều lần làm văn bản kiến nghị đến cấp có thẩm quyền giải quyết. Gần cuối năm 2010, có một đoàn cán bộ ngành chức năng xuống khảo sát và cho biết sẽ đặt 9 điểm cống thoát nước ven kênh, giải quyết tình trạng đường và kênh tiêu “đá” nhau trong năm 2010. Còn việc giải quyết tình trạng không thi công được 2km kênh còn lại thì “rất khó khăn”. Tuy nhiên, gần đây, khi mùa mưa đã đến mà chưa thấy cống đâu, người dân trong vùng và chính quyền địa phương lại phát rầu. “Nếu không thể thực hiện hết các hạng mục còn lại của dự án, UBND xã Thạnh Tây đề nghị UBND huyện Tân Biên giải quyết vấn đề cấp bách trước là cho thi công 9 điểm cống dọc hai tuyến kênh để chống ngập úng ở phía cánh đồng có đê bao và cống thoát nước ở chỗ giao nhau giữa kênh và đường để tránh gây thiệt hại cho nông dân trong mùa mưa này”, ông Chiếu nói.
Chờ chủ trương của tỉnh
Tìm hiểu về dự án kênh TB1, TB2, chúng tôi được biết, hai tuyến kênh này thuộc dự án kênh tiêu các vùng ngập úng huyện Tân Biên- dự án nhóm C. Hai tuyến kênh này được triển khai thi công năm 2006 – 2007, dự kiến hoàn thành công trình vào năm 2007. Đến nay, kênh TB1 còn lại 350m và kênh TB2 còn lại 1,6km (đoạn đầu) bị “treo” không thi công được do “vướng” 21 hộ dân không nhận tiền đền bù.
Năm 2009, Sở NN&PTNT đề nghị Sở KH&ĐT trình UBND tỉnh cho chủ trương ngưng thực hiện dự án, vì 2 đoạn đầu kênh tiêu TB1, TB2 nằm ở khu vực thượng lưu, diện tích cần tiêu nước không đáng kể so với thiết kế, không làm ảnh hưởng xấu đến việc vận hành cũng như hiệu quả của dự án. UBND tỉnh đã có văn bản (tháng 7.2009) cho chủ trương kết thúc dự án kênh tiêu các vùng ngập úng huyện Tân Biên. Do đó, 2 đoạn kênh bị “treo” ở 2 tuyến kênh TB1, TB2 và cống qua đường, cống tiêu thoát nước trên hai tuyến kênh trên tỉnh giao cho UBND huyện Tân Biên tiếp tục thực hiện. UBND tỉnh cũng đã giao danh mục dự án chuẩn bị đầu tư, trong đó có kênh tiêu cho UBND huyện Tân Biên làm chủ đầu tư (Quyết định số 826 ngày 7.5.2010).
Cần đặt cống thoát nước nơi giao nhau giữa kênh và đường |
Như vậy, trách nhiệm giải quyết “hậu” của việc thi công dang dở hai tuyến kênh TB1, TB2 hiện thuộc UBND huyện Tân Biên. Ngày 12.5.2011, liên hệ với Phòng NN&PTNT huyện Tân Biên, chúng tôi được cho biết huyện đã hoàn tất hồ sơ thiết kế dự án, dự toán kinh phí… thực hiện những hạng mục công trình còn lại của hai tuyến kênh TB1, TB2. Đầu năm 2011, huyện sắp sửa triển khai thi công thì Chính phủ có chủ trương về việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát nên phải ngừng triển khai đầu tư dự án này. Mới đây, Phòng NN&PTNT huyện nhận được tờ trình, đề nghị huyện xem xét nhanh chóng triển khai thực hiện hoàn chỉnh các hạng mục cần thiết còn lại ở hai tuyến kênh TB1, TB2 vì đây là công trình bức thiết của nhân dân và chính quyền địa phương xã Thạnh Tây. Hiện Phòng NN&PTNT đang tham mưu cho UBND huyện xin chủ trương của tỉnh, cho huyện được triển khai thi công phần còn lại của 2 tuyến kênh trên trong thời gian sớm nhất, giải quyết bức xúc của nhân dân địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sản xuất, đi lại trong mùa mưa năm nay.
Thiết nghĩ, đề nghị của nhân dân, UBND xã Thạnh Tây là xác đáng, cần được các ngành chức năng của tỉnh quan tâm, sớm tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện.
BẢO TÂM