Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dân số 100 triệu và nguy cơ 'chưa giàu đã già'
Chủ nhật: 12:28 ngày 19/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việt Nam sẽ đón công dân thứ 100 triệu chào đời và đang ở trong thời kỳ dân số vàng kéo dài từ 2007 đến 2039. Liệu nguy cơ "chưa giàu đã già" có phải là định mệnh với đa số chúng ta?

Cơ hội dân số vàng

Theo Tổng cục Thống kê, dự kiến vào trung tuần tháng 4/2023, Việt Nam sẽ đón công dân thứ 100 triệu chào đời. Chúng ta sẽ chính thức nằm trong nhóm 15 quốc gia trên thế giới có quy mô dân số từ 100 triệu người trở lên. Sự kiện chào đón công dân thứ 100 triệu sẽ là một dấu mốc quan trọng của quốc gia. Việt Nam không chỉ là một thị trường rộng lớn mà còn có là quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là lại đang trong thời kỳ dân số vàng với rất nhiều cơ hội để tăng tốc phát triển.

Theo tiêu chí của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), một quốc gia có tỷ lệ trẻ em dưới 14 tuổi tối đa chiếm 30% và người già từ 65 tuổi trở lên chiếm dưới 15% tổng dân số, được coi là trong thời kỳ dân số vàng.


Thời kỳ dân số vàng của Việt Nam dự báo sẽ chấm dứt vào năm 2039 và không quay trở lại. Ảnh Hoàng Hà.

Năm 2022 Việt Nam có trên 50% số người trong độ tuổi lao động, còn số người từ 65 tuổi trở lên chiếm gần 8% tổng dân số. Việt Nam hiện đang trong thời kỳ dân số vàng cho dù tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh.

Theo dự báo, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ vượt 15% vào năm 2039, là thời điểm chấm dứt thời kỳ dân số vàng ở Việt Nam và sẽ không quay lại. Như vậy, thời kỳ dân số vàng ở Việt Nam chỉ diễn ra trong thời gian có hơn 30 năm từ 2007 đến 2039. So với thời kỳ dân số vàng của Pháp kéo dài tới 140 năm, Thụy Điển 85 năm, Hoa Kỳ 72 năm, thì giai đoạn dân số vàng của Việt Nam ngắn hơn nhiều.

Hơn nữa, già hóa dân số xảy ra khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam vào năm 2040  mới đạt khoảng 15.000 USD/năm, so với mức trên 30.000 USD/năm ở các nước phát triển, theo kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế và các mục tiêu lớn của quốc gia.

Vì vậy, giai đoạn từ 2020-2030 được cho là khoảng thời gian tối ưu, là cơ hội cực kỳ quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước. Nếu không tạo ra sự phát triển thần kỳ sẽ khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình và sẽ không bao giờ trở thành một quốc gia phát triển mà kinh nghiệm của các nước đang phát triển trên thế giới đã chỉ ra.

Cơ hội dân số vàng không tự động mang lại tác động tích cực, ví dụ tạo ra lực lượng lao động vàng. Nói cách khác, cơ cấu dân số vàng chỉ là khả năng và cơ hội, chứ không phải là bảo đảm cho những đột phá về kinh tế. Điều quan trọng là những người trong độ tuổi lao động phải có khả năng lao động, có việc làm và tạo ra năng suất cao.

Chất lượng chưa vàng

Hiện năng suất làm việc của lao động Việt Nam chỉ bằng 11% của Singapore, 23% của Hàn Quốc và 24% của Nhật Bản... Trong khu vực Ðông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia (2,4 lần), Myanmar (1,6 lần) và Lào (1,2 lần). Trong khi đó, năng suất lao động cao chính là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia.

Theo Điều tra dân số của Tổng cục Thống kê năm 2019, toàn quốc có 80,8% dân số từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Hiện chúng ta đang tận dụng nguồn lao động dồi dào nhưng chủ yếu là giá rẻ và giản đơn; chất lượng công việc nằm trong chuỗi giá trị thấp.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 55 triệu lao động nhưng chỉ có 24,5% có bằng cấp, chứng chỉ. Con số này chỉ bằng 1/3 so với các nền công nghiệp phát triển như: Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore...

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tại Việt Nam lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm đa số. Việt Nam hiện ở nhóm thấp về các chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, liên quan đến nguồn nhân lực. Chẳng hạn, về kỹ năng lao động chỉ đạt 46/100 điểm, xếp thứ 103/141 quốc gia có xếp hạng. Đặc biệt, các kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng hành vi và kỹ năng mềm của người lao động Việt còn khá yếu. Chất lượng đào tạo đứng thứ 102/141 quốc gia. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao là “điểm trừ” của năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đối với Chỉ số phát triển con người (HDI), thước đo chất lượng dân số do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố, Việt Nam chưa bao giờ lọt vào top 100 quốc gia phát triển nhất, chưa thu hẹp khoảng cách với các nước trên thế giới. Trong đó, năng suất lao động vẫn là yếu tố yếu nhất khi xét đến chất lượng dân số.


 Tại Việt Nam lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm đa số. Ảnh Hoàng Hà.

Việt Nam đang thiếu trầm trọng những lao động lành nghề, các nhóm có chuyên môn kỹ thuật, nhà quản lý, đổi mới sáng tạo. Đây mới là những nhóm có khả năng dẫn dắt nền kinh tế.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản và Đức cho thấy, tuy bị thiệt hại nặng nề trong thế chiến thứ hai nhưng đã vươn lên mạnh mẽ trở thành những quốc gia phát triển nhờ có lực lượng lao động lành nghề, được đào tạo bài bản.

Chìa khóa nằm ở giáo dục

Liệu Việt Nam có học được những bài học của họ như xây dựng được một hệ thống chính sách quản lý tốt thị trường lao động, có quy định cụ thể để gắn cơ sở đào tạo, dạy nghề với thị trường?

Liệu hệ thống giáo dục có đảm đương được việc cung cấp kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động để nguồn nhân lực thực sự trở thành động lực mạnh mẽ của nền kinh tế, đưa Việt Nam lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Phải quyết liệt đổi mới mô hình giáo dục một cách hiệu quả, hướng tới khoa học và thực tiễn. Thông qua giáo dục - đào tạo, để tác động, thay đổi chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, nâng cao năng suất lao động… Giáo dục phải gắn với lợi ích, đời sống của nhân dân.

Một dân tộc hiếu học thì không thể chấp nhận tụt hậu về khoa học và tri thức! Một dân tộc thông minh, cần cù thì không thể bằng lòng với năng suất lao động thấp!

Xin minh họa bằng một cảnh báo rất xác đáng của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung: “Tăng trưởng kinh tế nước ta đang suy giảm nhanh chóng, cứ 10 năm tăng trưởng GDP trung bình sụt giảm hơn 0,5 điểm phần trăm. Như vậy, thời gian tăng trưởng cao là quá ngắn, không đủ để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Mười năm lần thứ nhất (1991-2000) tốc độ tăng GDP bình quân là 7,56%; 10 năm lần thứ hai (2001-2010) là 6,61%; 10 năm lần thứ 3 (2011-2020) đạt 6%; và hiện nay 3 năm đầu của 10 năm lần thứ tư dự kiến chỉ đạt 5,6%. Nếu muốn đạt mục tiêu nhiệm kỳ trung bình 7%, năm 2024 và 2025 phải đạt trung bình 9%/năm. Đó là nhiệm vụ rất cao tại thời điểm hiện nay”.

Như vậy, khát khao đạt các mục tiêu thịnh vượng là rất thách thức; nguy cơ đối với tuyệt đại đa số người dân là "chưa giàu đã già" là rất hiện hữu. Vì vậy, cần phải có rất nhiều nỗ lực, quyết tâm và hành động để tạo ra bước ngoặt để đảo chiều xu thế nói trên.

Nguồn vietnamnet

Tin cùng chuyên mục