Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Dự báo của Tổng Cục Dân số, khoảng 20 năm nữa Việt Nam có 20% người từ 60 tuổi lên, bước vào giai đoạn "dân số rất già".
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho biết với 96,2 triệu người năm 2019, tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2009-2019 là 1,14% một năm, giảm 0,04% so với 10 năm trước. Bình quân mỗi năm tăng khoảng một triệu dân.
"Theo mục tiêu Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ tăng dân số phải duy trì khoảng 1% đến năm 2020", ông Tú nói.
Theo ông Tú, Việt Nam chạm đỉnh dân số vàng và bước vào thời kỳ già hóa dân số với tốc độ nhanh. Năm 2011, người trên 60 tuổi chiếm 9,9% dân, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Năm 2018, tỷ lệ người cao tuổi là 11,95% dân số.
"Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số rất già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt 20,1%. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi", ông Tú cho biết.
Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước mất hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như Pháp 115 năm, Australia 73 năm; Trung Quốc 26 năm, ở Việt Nam chỉ mất 15 năm.
Đặc điểm của già hóa dân số ở Việt Nam là xu hướng nữ hóa ở người cao tuổi với sự gia tăng tỷ lệ góa và tình trạng người cao tuổi sống một mình. Đời sống vật chất của người cao tuổi Việt Nam còn nhiều khó khăn khi 68% sinh sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp.
Ngoài ra, 72,3% người cao tuổi sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với họ, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.
Đặc biệt, sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh của Việt Nam là khoảng 64 tuổi. Gánh nặng bệnh tật kép với khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp những nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế). Ảnh: Thuỳ Liên.
Theo ông Tú, cùng với quá trình "già hóa dân số", Việt Nam cũng đang ở trong thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động lớn hơn tỷ lệ người trong độ tuổi phụ thuộc. Từ năm 1989 đến nay, số dân dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 39% xuống 24%; trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) tăng từ 56% lên 68%; trên 65 tuổi tăng từ 4,7% lên 7,6%.
"Lợi thế dân số vàng nếu được tận dụng tốt, sẽ là điều kiện để cải thiện cuộc sống cho nhóm dân số cao tuổi trong tương lai. Bởi vậy, đầu tư cho y tế, giáo dục và công việc ổn định cho thế hệ thanh niên hiện tại đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu của thế hệ người cao tuổi kế tiếp", ông Tú nhìn nhận.
Việt Nam vừa mới thực hiện chính sách giảm sinh, từ năm 2011 lại bước vào giai đoạn già hóa dân số. Hệ thống an sinh xã hội, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa kịp hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, đặt ra nhiều thách thức trong công tác lập kế hoạch và hoạch định chính sách. Hơn nữa, một bộ phận xã hội còn có quan niệm thiên lệch về người cao tuổi, cho rằng người cao tuổi là gánh nặng, do đó chưa có những nhận thức và hành vi thích ứng với xã hội "già hóa".
Nguồn VNE