BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dân trăm triệu, vận nước đi lên

Cập nhật ngày: 13/03/2023 - 07:52

BTN - Mình không còn trẻ, nên không rõ tâm trạng những người trẻ như thế nào, chứ tôi thì cứ khoảng giữa tháng 3 bước sang tháng 4 là trong bụng cứ nghe nao nao thế nào ấy ông ạ!

- Chắc là ông lại nhớ đến kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước với Chiến dịch Hồ Chí Minh từ giữa tháng 3 đến 30 tháng 4 năm 1975 chứ gì? Ai đã sống qua những năm tháng hào hùng ấy mà mỗi khi hồi tưởng lại không cảm thấy nao nao như thế!

- Vâng, cứ mỗi năm đến ngày kỷ niệm ấy tôi lại liên hệ đến một bước tiến mới của đất nước, hay một sự kiện đặc biệt diễn ra gần ngày lễ để đánh dấu cho dễ nhớ…

- Vậy ông có thể cho Bàn Dân biết năm nay ông nhận thấy có sự kiện gì đáng nhớ để đánh dấu kỷ niệm 48 năm giải phóng?

- Để tôi ngẫm lại coi… À, đúng rồi, tôi mới đọc được cái tin cho hay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì vào khoảng giữa tháng 4 năm nay, dân số nước mình sẽ đạt tới 100 triệu dân đó ông.

- Đúng rồi, sự kiện đất nước đón công dân thứ 100 triệu vào dịp kỷ niệm 48 năm thống nhất đất nước quả thật là rất có ý nghĩa.

- Ý nghĩa như thế nào, ông chia sẻ với tôi đi?

- Bàn Dân cũng đối chiếu từ số liệu của ngành Thống kê thì thấy trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ, từ 30.4.1975 đến nay, dân số nước mình đã tăng hơn gấp đôi. Cụ thể là khi vừa giải phóng miền Nam, dân số cả đất nước thống nhất là hơn 48,7 triệu người, đứng thứ 17 thế giới về dân số. Còn dân số hiện tại của nước ta là 99.470.957 người vào ngày thứ bảy 11.3.2023.

Theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc, dân số Việt Nam hiện chiếm 1,24% dân số thế giới, đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các quốc gia và vùng lãnh thổ. Và theo mức tăng dân số nước ta hiện nay thì chỉ trong vòng khoảng một tháng tới đây thôi, nước mình sẽ có 100 triệu dân.

 Ý nghĩa của sự kiện này quan trọng ở chỗ, trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, các nước trên thế giới đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, như vậy khi nước ta đón nhận công dân thứ 100 triệu ra đời sẽ là một dấu mốc đáng tự hào giúp nâng cao vị thế của Việt Nam đối với bạn bè và đối tác quốc tế.

Với quy mô dân số 100 triệu người cộng với các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển phù hợp, một môi trường chính trị ổn định, một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầy ấn tượng trong con mắt bạn bè quốc tế.

-Từ ý nghĩa như ông nói, tôi lại nhớ có lần tôi đọc được trên các báo là hiện nay nước ta đang ở trong giai đoạn “dân số vàng”, vậy có phải hễ dân số nước nào đạt tới con số 100 triệu là có “dân số vàng” phải vậy không?

-À, điều đó lại là một chuyện khác mặc dù nó cũng là vấn đề về tác động của phát triển dân số…

-Cụ thể là vấn đề gì?

-Đó là việc thực hiện kiểm soát phát triển dân số sao cho cơ cấu dân số đạt tới sự cân đối của thời kỳ “dân số vàng”. Cụ thể là chúng ta phải kiểm soát dân số sao cho tỷ lệ số người lao động (15 đến 60 tuổi) cao hơn số người phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 60 tuổi). Trong trường hợp nước ta thì đã bắt đầu đạt tới thời kỳ “dân số vàng” từ năm 2007 với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động lớn hơn 50% dân số.

-À, như vậy hễ nước nào duy trì được tỷ lệ “dân số vàng” ổn định càng nhiều năm thì thời kỳ “dân số vàng” càng kéo dài phải không ông?

-Từ năm 2007, với tỷ số phụ thuộc chung dưới 50%, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu “dân số vàng” thường kéo dài từ 30-35 năm, thậm chí là 40-50 năm. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy thời gian đất nước có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quíý giá này.

Trên thế giới có nhiều quốc gia đã biết tận dụng triệt để cơ hội “dân số vàng” để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc, cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua.

Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” là một cơ hội hiếm hoi và đây chính là cơ hội để Việt Nam cất cánh, chúng ta cần chớp lấy thời cơ “dân số vàng” để cải thiện năng suất lao động. Trong năm nay, với tổng dân số đạt tới 100 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động ở nước ta chiếm hơn 2/3 tổng dân số, đây là điều kiện cực tốt của “dân số vàng” cho tăng trưởng kinh tế.

Hơn nữa, với khoảng một nửa dân số trong độ tuổi lao động là người trẻ dưới 35 tuổi, rất nhạy bén với việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề, nước ta sẽ có đội ngũ lao động kỹ thuật trình độ cao để bắt kịp với cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, còn gọi là “cách mạng 4.0” để đưa đất nước ngày càng tiến lên, sánh vai cùng các nước phát triển trên thế giới.

Bàn Dân