BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dân Xóm Chài “chới với” vì cá chết

Cập nhật ngày: 15/11/2010 - 05:09

Thu dọn cá chết.

Khu vực gần cầu Hiệp Hoà (thuộc tổ 16, ấp Thanh Phước, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành), có nhiều hộ dân sống bằng nghề chài lưới và nuôi cá bè trên rạch Tây Ninh. Khuya ngày 12.11, bỗng dưng tai hoạ xảy ra: cá trong bè bị chết đồng loạt. Nhiều hộ vừa vay vốn xoá đói giảm nghèo để đầu tư cho vụ cá đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng.

Chiều ngày 13.11, khi chúng tôi đến xóm Chài, thấy trên gương mặt người dân vẫn còn lộ vẻ hoang mang, lo lắng. Anh Nguyễn Văn Phúc, 34 tuổi, chỉ cho tôi xem cái bè nằm ngả nghiêng trên mặt nước, kể: “Khoảng 2 giờ khuya, tự nhiên nghe cá trong bè giẫy ầm ầm, tôi liền rọi đèn pin xem, thấy nước đen xì, bốc lên mùi hôi thúi nồng nặc. Biết cá đã bị trúng nước ô nhiễm, vợ chồng tôi liền lao xuống cắt lưới túm cá lên đem rọng trong ao. Thế nhưng nhiều con đã chết, số còn lại bị tuột nhớt, bỏ ăn, từ sáng tới giờ chỉ ngớp ngớp trong ao. Nhiều khả năng chúng cũng sẽ chết, nếu còn sống thì cũng bị sượng, nuôi rất chậm lớn”.

Anh Phúc cho biết thêm, anh vay vốn xoá đói giảm nghèo được 10 triệu đồng, đem mua 4.000 con cá lóc về nuôi mới được khoảng 1 tháng nay. Vợ chồng anh không có ruộng vườn, hằng ngày chỉ kiếm sống bằng cách đánh bắt ngoài sông Vàm Cỏ Đông. Cá lớn bán lấy tiền mua gạo, cá nhỏ để làm mồi nuôi cá lóc trong bè. “Bè cá lóc là niềm hy vọng duy nhất của vợ chồng tôi để nuôi hai đứa con nhỏ và trả nợ ngân hàng. Vậy mà…”- anh Phúc ứa nước mắt nói.

Cá chết được đem xẻ thịt phơi khô.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyển, 51 tuổi, cũng lâm vào cảnh điêu đứng tương tự. Bà Tuyển và hai người con vay vốn xoá đói giảm nghèo được 15 triệu đồng mua ghe, máy để chài lưới và nuôi cá bè. Mẹ con bà hùn nhau mua 5.000 con cá lóc về nuôi. Cá mới được gần một tháng tuổi thì đụng chuyện chết gần hết. Bà Tuyển giở cho tôi xem mớ cá chỉ mới bằng ngón chân cái người lớn đang ướp trong thùng nước đá, buồn bã kể: “Mẹ con tôi thấy cá chết mà bủn rủn tay chân, vớt không nổi. Tiếc quá tôi ướp nước đá để lại chưa biết làm gì. Bây giờ chỉ còn 500 con, mà từ sáng tới giờ chúng cũng bỏ ăn luôn”.      

Ông Nguyễn Văn Nhượng, tổ trưởng tổ 16, không nuôi cá bè mà nuôi cá trong ao nhưng cũng không khỏi bị ảnh hưởng. Ông Nhượng dẫn tôi ra xem ao cá 5.000 con của ông đã có nhiều con chết nổi lên mặt nước. Ông cho biết: “Nước từ rạch Tây Ninh tràn vào, tôi không kịp ngăn. Hiện tại, chưa bị thiệt hại nặng nhưng chưa biết vài ngày nữa chúng sẽ ra sao”.

Theo ông Nhượng: “Tổ 16 có 28/45 hộ vay vốn xoá đói giảm nghèo để làm nghề chài lưới và nuôi cá. Hiện nay, có khoảng 20 hộ đã dời cá nuôi từ rạch Tây Ninh vào ao. Theo bà con báo cáo, hiện tại hầu hết cá đều bỏ ăn và có nguy cơ sẽ chết”. Ông Nhượng lấy ghe đưa tôi đi một vòng trên rạch Tây Ninh. Đến đâu cũng nghe mùi hôi thối nồng nặc, cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. 

Chúng tôi đã gặp một số hộ bị thiệt hại nặng nề. Bà Nguyễn Thị Thu, 42 tuổi, nuôi 3.000 con, bị chết khoảng phân nửa. Anh Nguyễn Văn Công, 43 tuổi, nuôi 4.000 con, bị chết hết 3.000 con. Tiếc quá, anh chọn một số cá lớn đem xẻ thịt phơi khô, số cá còn sống anh đem lên trên ruộng nuôi. Anh Đặng Văn Nghĩa, 42 tuổi, nuôi 5.000 con, chết gần sạch.

Điều khiến nhiều người lo ngại ngoài việc cá chết gây thiệt hại cho các hộ nuôi cá là việc nước rạch ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân nơi đây. “Tội nghiệp nhất là mấy đứa nhỏ, tối ngày phải hít thở mùi hôi thối như thế này làm sao mà không bệnh? Tình trạng ô nhiễm như thế này đã kéo dài 7 - 8 năm nay nhưng những năm trước mức độ còn nhẹ nên ít khi cá bị chết. Trong những lần họp tiếp xúc cử tri, tôi đã nhiều lần phản ánh tình trạng này lên các đại biểu, nhưng không hiểu vì sao mỗi năm mức độ ô nhiễm càng tăng lên”- ông Nhượng bức xúc nói.

Dọc theo sông Vàm Cỏ Đông có nhiều hộ nuôi cá bè. Sự ô nhiễm nguồn nước không chỉ ảnh hưởng đến người dân xóm chài mà còn đe doạ nhiều lồng, bè nuôi cá khác. 

Ngay sau khi sự cố xảy ra, anh Trương Văn Tuấn, Trưởng ban Nông nghiệp xã Thanh Điền đã đi khảo sát thực tế và ghi nhận những thiệt hại ban đầu của bà con xóm chài. Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, anh Tuấn cho biết: “Xác định nguyên nhân gây chết cá nuôi là do nước thải trên đầu nguồn rạch Tây Ninh trôi xuống. Ước tính sơ bộ bà con bị thiệt hại khoảng 80 - 90%. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm tờ trình gửi lên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành để nhờ xem xét có cách nào hỗ trợ cho bà con không”.

ThẢo Nguyên