BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đăng ảnh người khác lên mạng xã hội để đòi nợ là vi phạm pháp luật

Cập nhật ngày: 22/04/2022 - 21:53

BTNO - Theo quy định tại khoản 1 Điều 32, BLDS năm 2015 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Đăng ảnh đòi nợ vay

Hiện nay, việc vay tiền có thể thoả thuận bằng nhiều hình thức khác nhau như vay tiền bằng miệng, làm giấy viết tay hay ký kết hợp đồng… Ngoài ra, người vay còn có thể  thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu, theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Tuy nhiên, khi các thoả thuận vay tiền không thực hiện đúng, bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ sẽ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột lợi ích phát sinh. Thay gì bên cho vay cần phải làm đúng các thủ tục pháp lý để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ lợi ích của mình khi bị xâm hại thì có nhiều trường hợp lại chọn đòi nợ theo cách dùng hình ảnh của con nợ đăng tải trên các trang mạng xã hội.

Việc chủ nợ là những công ty tài chính không có uy tín hoặc cá nhân cho vay lãi suất cao tự ý lấy ảnh của con nợ, đăng ảnh người đó lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... nhằm gây áp lực, ép buộc người vay phải trả nợ trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng.

Không chỉ vậy, nạn nhân trong những trường hợp này thậm chí có thể không phải người vay. Họ có thể là người thân, bạn bè, đồng nghiệp... của người vay. Bởi khi vay tiền qua app hoặc qua công ty tài chính, nhiều người phải cung cấp số điện thoại, thông tin của người thân, bạn bè... để tham chiếu.

Đến khi người vay không trả được nợ, các app hoặc công ty tài chính sẽ đòi nợ từ người thân này. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều người không vay nhưng liên tục bị đòi nợ, thậm chí là đăng ảnh, chế ảnh... đăng Facebook, Zalo... hòng ép người này phải trả nợ thay cho người vay ngày càng diễn ra công khai, phức tạp khiến nhiều người rất lo lắng.

Hành động đe doạ, khủng bố, bôi nhọ người khác qua mạng xã hội khi đòi nợ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền hình ảnh của người vay.

Việc làm này không những xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp của cá nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình trật tự an toàn xã hội, hình ảnh, uy tín của cơ quan nhà nước khi các đối tượng cố tình lấy hình ảnh những người lãnh đạo quản lý, giữ trọng trách ở các địa phương, cơ quan, tổ chức để gán ghép, bôi nhọ.

Quy định chế tài của pháp luật

Theo quy định tại khoản 1 Điều 32, BLDS năm 2015 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Như vậy, người có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác nếu xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người đó thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật.

BLDS năm 2015 quy định uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ. Nếu cá nhân bị lộ hình ảnh, thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, hoặc thiệt hại khác thì có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên Tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường.

Cụ thể, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 BLDS và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Trường hợp sử dụng hình ảnh sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội vi phạm điểm e, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, theo đó có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, nếu người nào sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm xâm phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 18 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Nếu hành vi đăng ảnh người khác lên Facebook đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự về tội làm nhục người khác. Việc đòi nợ khiến nạn nhân tự sát hoặc làm người bị đòi nợ bị rối loạn tâm thần... thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 - 5 năm.

Biện pháp bảo vệ khi bị đăng ảnh

Trong bối cảnh các trang mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay với nhiều ứng dụng có đến triệu người dùng thì hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm, bị sử dụng bất hợp pháp một cách tràn lan và ngay cả cá nhân có hình ảnh cũng như cá nhân vi phạm đều thường không có ý thức về hành vi của mình. Để tự bảo vệ bản thân trước những hành vi vi phạm nêu trên, người vay có thể thực hiện biện pháp như: tố cáo với cơ quan công an, khởi kiện ra Toà án.

Để tố cáo với cơ quan Công an, người bị đăng ảnh lên Facebook cần phải chuẩn bị đơn tố cáo với các nội dung theo quy định của Luật Tố cáo: Họ tên người tố cáo, ngày tháng năm tố cáo, nội dung tố cáo về việc bị đăng ảnh lên Facebook nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mình...

Ngoài ra, người này còn phải cung cấp các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc tố cáo của mình: Hình ảnh bị đăng lên Facebook kèm theo thông tin về việc bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm... Những hồ sơ này, người bị đăng ảnh có thể nộp cho công an cấp xã. Cơ quan này sẽ tiến hành điều tra, xác minh bước đầu và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài việc gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an, người bị đăng ảnh xúc phạm danh dự, nhân phẩm còn có thể gửi đơn kiện đến TAND. Trong đơn khởi kiện cần nêu rõ, quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là quyền hình ảnh, nhân phẩm, danh dự, uy tín của cá nhân. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn khởi kiện là TAND cấp huyện - nơi người tự ý đăng ảnh lên Facebook, zalo cư trú, làm việc.

Khoản 1, Điều 32, BLDS năm 2015 quy định về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

LG. MAI TUẤN KIỆT