Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Đảng cầm quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ ba: 10:05 ngày 04/11/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Trong toàn bộ di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về Đảng cầm quyền giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Nhất là trong giai đoạn cách mạng hiện nay, việc vận dụng tư tưởng của Người về Đảng cầm quyền vào công tác xây dựng Đảng có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của Đảng và chế độ ta.

Đảng cho ta niềm tin. Ảnh minh hoạ

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền là hệ thống các quan điểm lý luận mang bản chất cách mạng, khoa học về Đảng và công tác xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các tổ chức Đảng, cán bộ và đảng viên thực hành nghiêm túc các vấn đề sau:

Một là, phải tránh nguy cơ tha hoá, biến chất khi trở thành Đảng cầm quyền. Hồ Chí Minh yêu cầu “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu”. Theo Người, tư cách của một đảng cách mạng chân chính là”Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.

Muốn làm được điều đó, đòi hỏi “Đảng phải luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hoá ra ngoài”. Theo Hồ Chí Minh, để không rơi vào hủ hoá, biến chất thì mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tích cực học tập, rèn luyện, nêu cao tính Đảng, thấm nhuần và thực hành đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Hai là, phải nêu cao tính tiên phong của Đảng và sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, để giữ vững tính tiên phong của mình, trước tiên Đảng phải thật sự tiên phong về trí tuệ, tư tưởng lý luận “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.

Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân, đồng thời phải “ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, học tập văn hoá, kỹ thuật và nghiệp vụ, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng và năng lực công tác của mình”. Bên cạnh đó, người cán bộ, đảng viên dù ở địa vị cao hay thấp và trong hoàn cảnh nào cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng, vì: “nói lãnh đạo mà không gương mẫu thì lãnh đạo làm sao được”.

Ba là, phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng. Đầu tiên là nguyên tắc tập trung dân chủ. Tập trung trong Đảng có nghĩa là “cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng trung ương”.

Đồng thời, trong Đảng “phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”. Thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi phải phòng và chống các biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, thói hách dịch, chụp mũ, trù dập; đồng thời cũng cần đề phòng và chống những biểu hiện của dân chủ quá trớn, lợi dụng dân chủ để truyền bá những quan điểm, tư tưởng cá nhân xâm hại đến lợi ích chung, gây mất đoàn kết trong Đảng, trong xã hội.

Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng ta. Hồ Chí Minh cho rằng: tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau. Nếu lãnh đạo không tập thể thì sẽ dẫn đến tệ bao biện, độc đoán, chủ quan, kết quả là hỏng việc.

Ngược lại, “nếu không có cá nhân phụ trách thì sẽ sinh ra cái tệ người này uỷ cho người kia, người kia uỷ cho người nọ, kết quả là không ai thi hành. Như thế thì việc gì cũng không xong”. Thực hiện nguyên tắc này phải chú ý khắc phục những biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, đồng thời phải chống lại tình trạng dựa dẫm tập thể, không dám quyết đoán và chịu trách nhiệm.

Nguyên tắc tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí để rèn luyện đảng viên. Hồ Chí Minh giải thích: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”.

Tự phê bình và phê bình phải tiến hành thường xuyên như người ta rửa mặt hằng ngày; phải thẳng thắn, trung thực, phải có “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, tuyệt đối không vì mâu thuẫn cá nhân, động cơ cá nhân mà phê bình theo kiểu “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết” nhằm trù dập, đấu đá, hạ bệ lẫn nhau.

Bốn là, Đảng phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ là “việc gốc” của Đảng. Theo Hồ Chí Minh: “cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”.

Vì tầm quan trọng của công tác cán bộ, Người yêu cầu phải tăng cường huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về tất cả các mặt, trong đó có ba vấn đề chủ yếu nhất là: suốt đời phấn đấu hy sinh cho Đảng, cho Tổ quốc, đặt quyền lợi của Đảng, của tổ chức lên trên hết và có một đời tư trong sáng, giản dị và khiêm tốn hết mực.

Trong sử dụng cán bộ, Hồ Chí Minh yêu cầu phải “hiểu, đánh giá đúng cán bộ”, phải “khéo dùng cán bộ”, phải “chiêu hiền đãi sĩ”, “cầu người hiền tài”, phải “có gan cất nhắc cán bộ”, đồng thời phải chống bệnh tự phong, cục bộ, đầu óc phe phái, họ hàng.

Năm là, Đảng phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với nhân dân. Theo cách nói của Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng nhân dân là nhằm thực hiện những công việc của chính bản thân quần chúng nhân dân là “lấy tài dân, sức dân để làm những công việc có lợi cho dân”.

Người chỉ rõ: “Lãnh đạo là làm đầy tớ nhân dân và phải làm cho tốt”; “nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Người yêu cầu: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Người cảnh báo: nếu không thật sự là đầy tớ của nhân dân, thiếu sự gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng sẽ mất sáng suốt, trở thành quan liêu, độc đoán chuyên quyền, do đó sẽ mất đi sức sống và vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng vĩ đại là ở nơi Đảng biết tìm thấy sức mạnh từ trong nhân dân, vì nhân dân mà làm việc, “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”

Trong di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng phải đoàn kết. Người nêu rõ: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Muốn đoàn kết, thống nhất, trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, tu dưỡng đạo đức cách mạng, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và các biểu hiện tiêu cực khác, “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Trong di chúc, Hồ Chí Minh căn dặn Đảng phải liêm, chính. Người đặc biệt nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đứng trước nhiệm vụ nặng nề xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, Người căn dặn: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và những lời căn dặn nói về Đảng cầm quyền trong di chúc do Người để lại là tài sản tinh thần thiêng liêng, vô cùng quý giá của toàn Đảng và toàn dân ta. Các cấp uỷ Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần và quán triệt sâu sắc những tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh, thật sự tự giác rèn luyện, tu dưỡng theo những lời dạy của Người.

Làm được như vậy, nhất định Đảng ta sẽ khắc phục được những nguy cơ của một Đảng cầm quyền, giữ gìn được bản chất và truyền thống tốt đẹp của Đảng, tiếp tục được nhân dân tin yêu, ủng hộ. Đó là cội nguồn sức mạnh của Đảng, để Đảng ta luôn luôn xứng đáng “là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”.

Võ Hoàng Khải

(Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh