BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đăng ký rơ mooc máy kéo: Nhiều người vẫn cố tình không thực hiện

Cập nhật ngày: 31/10/2014 - 06:22

Theo Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 29.6.2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, từ ngày 1.1.2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ. 

Nếu thực hiện đúng Nghị quyết này, toàn tỉnh có khoảng trên 5.000 máy kéo (là một loại xe công nông) bị cấm lưu thông trên đường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, vận chuyển và chế biến nông sản. Do đó, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét cho Tây Ninh không cấm máy kéo kéo rơ mooc chở nông sản nhằm hạn chế thiệt hại lớn cho nền kinh tế tỉnh nhà.

Bộ chấp thuận nhưng yêu cầu phải thiết kế cải tạo rơ mooc máy kéo cho đủ tiêu chuẩn an toàn giao thông (ATGT) và yêu cầu cơ quan chuyên môn tỉnh Tây Ninh thiết kế mẫu, duyệt thiết kế nhưng phải thông qua Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT) kiểm tra lại.

Máy kéo kéo rơ mooc chở mía về nhà máy đường Nước Trong.

Theo Quyết định số 1627/QĐ-UBND ngày 25.7.2008, đến 31.12.2008, chủ rơ mooc máy kéo phải hoàn tất việc đăng ký và thiết kế cải tạo rơ mooc máy kéo. Tuy nhiên, hết năm 2008, do số lượng rơ mooc đăng ký theo hạn quá ít nên đầu năm 2009, Sở GTVT phải xin chủ trương của Bộ GTVT cho phép gia hạn thời gian hoàn thành việc cải tạo thiết kế rơ mooc đến cuối tháng 12.2009.

Hết năm 2009, vẫn còn rất nhiều chủ phương tiện phớt lờ việc đăng ký, cải tạo thiết kế rơ mooc nên một lần nữa, Sở GTVT, Ban ATGT tỉnh lại kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận cho gia hạn thời gian xét duyệt hồ sơ cải tạo, nghiệm thu số lượng phương tiện đã đăng ký phê duyệt thiết kế cải tạo để cấp giấy chứng nhận đến cuối tháng 6.2010. Đến ngày 1.7.2010, toàn tỉnh có 1.509 rơ mooc máy kéo được phê duyệt thiết kế.

Tuy nhiên, đến năm 2013, qua khảo sát sơ bộ, Tây Ninh vẫn còn nhiều rơ mooc máy kéo tự chế lưu thông trái quy định. Theo Sở GTVT, một phần nhỏ trong số này vốn tồn tại từ lâu nhưng chủ phương tiện không đăng ký, không cải tạo lại thiết kế theo yêu cầu của tỉnh trước đó. Phần lớn còn lại là những rơ mooc do người dân tự đóng trong thời gian gần đây.

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri và họp HĐND, cử tri địa phương phản ánh, kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục cho người dân đăng ký, kiểm định và cấp biển số cho số rơ mooc này để họ có đủ điều kiện đưa vào lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Nhận thấy yêu cầu của cử tri là xác đáng, xuất phát từ thực tế sản xuất và vận chuyển nông sản đặc thù (vùng chuyên canh nguyên liệu mía, mì rộng lớn của tỉnh) nên UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT cho tỉnh tiếp tục kiểm định, đăng ký số rơ mooc máy kéo phát sinh này.

Tháng 8.2013, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận đề nghị của tỉnh Tây Ninh, đồng thời yêu cầu Tây Ninh ban hành quy định hạn chế cụ thể về phạm vi, tuyến đường hoạt động tuỳ theo nhu cầu thực tế của từng khu vực trong tỉnh. Đối với loại rơ mooc, sơ mi rơ mooc đóng mới, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở đóng mới rơ mooc, sơ mi rơ mooc phải thực hiện đúng các quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khi thiết kế, thi công chế tạo và nghiệm thu, kiểm định.

Máy kéo không biển số chở nông sản, chở người lưu thông trái quy định trên đường.

Sau khi có chủ trương của Bộ GTVT, Sở GTVT Tây Ninh đã gửi văn bản đề nghị các huyện, thành phố Tây Ninh thông báo cho các chủ phương tiện rơ moóc máy kéo biết đăng ký và lập danh sách thống kê gửi về Sở để chuẩn bị thực hiện khâu cải tạo thiết kế rơ moóc. Hạn cuối để các địa phương gửi danh sách thống kê về Sở là 30.9.2013.

Thế nhưng, lại một lần nữa, việc đăng ký, cải tạo thiết kế rơ mooc máy kéo dù được triển khai đã lâu nhưng đến nay vẫn lê thê. Nguyên nhân chính là do nhiều chủ phương tiện tiếp tục rề rà, không khẩn trương thực hiện.

“Lúc trước, khi chưa có chủ trương cho đăng ký, cải tạo lại thiết kế rơ mooc thì người dân kêu khó, kêu khổ. Thế nhưng khi nhà nước triển khai thì nhiều người lại làm ngơ. Ý thức chấp hành quy định pháp luật của người dân như thế là không tốt. Đồng thời, để xảy ra tình trạng trên, không thể phủ nhận một điều là việc kiểm tra, xử lý các rơ moóc máy kéo vi phạm thời qua còn chưa nghiêm”, một cán bộ Sở GTVT nói.

Sở GTVT Tây Ninh đề nghị các chủ phương tiện khẩn trương đưa rơ mooc máy kéo đến các điểm thi công cải tạo thiết kế và thực hiện các thủ tục đăng ký cấp biển số để được lưu thông hợp pháp. Các trường hợp cố tình chây ỳ, không thực hiện sẽ không được giải quyết sau thời hạn sở GTVT đã quy định. Đồng thời, Sở GTVT Tây Ninh cũng cho biết sẽ đề nghị các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý các máy kéo kéo rơ mooc không có biển số, có thiết kế sai quy chuẩn lưu thông trên đường.

Hoàng Thi

Theo quy chuẩn của Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT), mẫu đầu kéo có kích thước lớn nhất chỉ có tải trọng tối đa là 9,5 tấn (rơ mooc nặng 3,5 tấn, trọng lượng hàng hoá 6 tấn). Những rơ mooc có biên bản kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật sẽ được đóng số khung và cấp Giấy chứng nhận đăng ký, biển số.

Rơ mooc máy kéo phải có đủ đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu có hiệu lực; có trang bị hệ thống phanh hãm có hiệu lực; có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; khung rơ mooc phải đảm bảo độ cứng, vững, không cong vênh; kết cấu rơ mooc phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định…

Mặt khác, người điều khiển máy kéo kéo rơ moóc phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật khác có liên quan, phải có giấy phép lái xe tương ứng (hạng B2 đối với máy kéo kéo rơ moóc có trọng tải dưới 3.500kg, hạng C đối với người điều khiển máy kéo kéo rơ moóc có trọng tải từ 3.500kg trở lên). Tốc độ lưu thông tối đa trên đường công cộng của máy kéo kéo rơ mooc là 30km/h…