BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đáng mặt con cháu Bà Trưng, Bà Triệu

Cập nhật ngày: 22/10/2009 - 05:18

Chị Năm Mai (bìa phải) thời du kích.

Một lần xem bộ phim tài liệu của Đài PTTH tỉnh nói về chị Năm Mai (Phạm Thị Mai), nguyên Phó chỉ huy trưởng Huyện đội Bến Cầu thời kỳ chống Mỹ, tôi thực sự kính trọng và cảm phục người nữ chiến sĩ dũng cảm mưu trí, thầm mong sẽ có dịp gặp gỡ và hỏi chuyện với chị. Dịp may hiếm có khi tôi ghé Phòng Văn hoá -TT huyện Bến Cầu và được các anh lãnh đạo Phòng chỉ đường tới nhà chị Năm Mai. Hoá ra nhà chị ở ngay bên kia đường, phía trước Phòng.

Người phụ nữ dũng cảm ngày nào giờ đã 66 tuổi, sống bình yên bên người chồng cũng là một cựu chiến binh về hưu. Hai ông bà nhắc tới chiến tranh, tới những kỷ niệm đồng đội với giọng đầy xúc động.

Chị Năm Mai bắt đầu tham gia công tác cách mạng từ năm 1961, với những việc bình thường nhất như đi truyền đạt ý kiến của chú A tới dì B, nhận tài liệu từ ấp này chuyển qua ấp khác. Rồi lần lần, cô thiếu nữ trẻ xin vào du kích, theo các chú các anh đi chiến đấu chống càn, diệt bót. Thấy Năm Mai có tinh thần chiến đấu dũng cảm, lanh lẹ mưu trí, ban chỉ huy xã đội đã đồng ý nhận cô vào đội du kích xã nhưng thấy có một mình cô là nữ nên bảo về vận động vài người nữa cho dễ phân bổ nơi ăn ở, công tác. Năm Mai đi vận động sao đó mà có thêm sáu chị, hai người đã có gia đình, xin vào du kích.

Từ năm 1961, xã Lợi Thuận đã là vùng giải phóng của ta nên luôn bị địch tổ chức cho quân càn quét, đánh bom, bắn pháo rất ác liệt. Với cây súng trường “bá đỏ”, cô du kích Năm Mai cùng đồng đội từng bẻ gãy hàng chục trận càn, bắn rơi cả máy bay trực thăng của địch. Với tác phong đánh địch táo bạo, khôn khéo, Năm Mai được phân công làm Xã đội phó xã Lợi Thuận, rồi bất ngờ cô được điều lên huyện giữ chức Huyện đội phó Bến Cầu khi mới 23 tuổi. Trẻ măng, xinh đẹp, người nữ cán bộ huyện đội mới cảm thấy hoang mang vì phải trực tiếp lãnh đạo những người lớn tuổi hơn mình, trong đó có cả ông đại đội trưởng bộ đội địa phương trước kia từng làm xã đội trưởng, cấp trên của cô.

Để bớt lúng túng, sau công tác hằng ngày, “bà huyện đội phó” lăn vào công việc của tập thể như nấu cơm, kiếm củi, trồng rau hoặc giặt đồ giúp anh em nam giới. Tuy có nhiều thành tích chiến đấu ở xã, nhưng dưới con mắt của một số anh em, Năm Mai vẫn chỉ là cô gái ngoài hai mươi, “ăn chưa no, lo chưa tới”, nên họ không khỏi coi thường. Năm Mai buồn nhưng tự động viên, mình phải tự tin mà chiến đấu, công tác cho mọi người biết thế nào là phụ nữ con cháu Bà Trưng, Bà Triệu. Sau một trận trực tiếp chỉ huy bộ đội vây đồn An Thạnh, Năm Mai đã dũng cảm mưu trí cùng đồng đội vừa đánh quân tiếp viện từ Gò Dầu sang, vừa tiến công tiêu diệt lính đồn. Trận ấy Huyện đội phó Năm Mai đã xử lý tình hình vô cùng sáng suốt, được anh em cán bộ chiến sĩ tin tưởng. Sau này, cứ trận đánh nào có Năm Mai dẫn đi là anh em bộ đội rất tin tưởng, phấn khởi, vì “Cô Năm chỉ huy giỏi và không bao giờ để rơi rớt thương binh, tử sĩ”.

Tiếng tăm của Năm Mai không những lan truyền trong dư luận nhân dân, bộ đội mà còn làm cho bọn địch nể sợ. Bọn địch đã từng treo thưởng 25 triệu đồng cho ai bắt hoặc giết được Năm Mai, nhưng không bao giờ làm được. Tuy có những lần bị thương, thậm chí bị thương rất nặng, sau khi điều trị xong Năm Mai lại cầm súng lăn vào trận, cùng đồng đội giáng cho kẻ thù những đòn khiếp đảm. Anh Chín, người yêu của Năm Mai, cũng là chiến sĩ trong đơn vị dưới quyền đã hy sinh trong một trận đánh do cô trực tiếp chỉ huy. Thương tiếc người yêu, căm thù quân giặc, Năm Mai lao vào chiến đấu, công tác cho mãi đến năm 32 tuổi, sau giải phóng miền Nam mới lập gia đình.

Giờ thì chị Năm Mai đã về hưu được hơn hai chục năm rồi. Sau khi chị về hưu, Đảng bộ địa phương tín nhiệm bầu chị làm Bí thư Đảng uỷ xã Lợi Thuận (nay là thị trấn Bến Cầu). Ba người con của vợ chồng chị đã trưởng thành và ổn định công tác. Hình như nhiễm “gien” quân sự của mẹ nên cô Ba hiện nay theo ngành công an, cậu Út là sĩ quan quân đội, chỉ có cô Hai là theo ngành y. Những lúc các cô con gái nhõng nhẽo ba mẹ, chị thường mắng yêu. “Các cô phải tự lập cho quen. Bằng tuổi các cô, tôi đã là chỉ huy rồi đó”.

Thị trấn Bến Cầu xôn xao một chiều mùa nước nổi. Dưới bóng mát cây vườn, người nữ cán bộ huyện đội xưa chầm chậm kể lại cho chúng tôi nghe những năm tháng oanh liệt của thời con gái thanh xuân. Trong khoé mắt chị, lặng lẽ một giọt lệ khi nhắc tới những đồng chí, đồng đội của mình thời khói lửa. Rồi chị cười, hàm răng hạt bắp còn đều và trắng, rất đẹp. “Phụ nữ chúng tôi vậy đó, cứ hay hoài cảm”.

Và tôi muốn nói thêm, những người phụ nữ Việt Nam như chị thật đẹp và anh hùng.

Bến Cầu 15.10.2009

PQ