BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng Đảng

Đảng viên - trưởng ấp nữ phải vượt qua chính mình 

Cập nhật ngày: 23/10/2017 - 05:40

BTN - Nhiệm vụ trưởng ấp, trưởng khu phố khá nặng nề; đối với trưởng ấp, trưởng khu phố là phụ nữ càng nặng nề hơn. Bởi họ là người đại diện cho cộng đồng dân cư, làm cầu nối giữa chính quyền cấp xã và người dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương.

Bà Đào Thị Tuyết Hoa- Trưởng ấp Tân Châu (xã Tân Phú, huyện Tân Châu) thăm hỏi một gia đình người dân tộc Khmer trong ấp.

Tỉnh Tây Ninh hiện có 542 ấp, khu phố thuộc 95 xã, phường, thị trấn. Trong đó, số cán bộ nữ giữ chức trưởng ấp, trưởng khu phố chiếm một phần nhỏ, chỉ có khoảng 5/542 cán bộ. Nhiệm vụ trưởng ấp, trưởng khu phố khá nặng nề; đối với trưởng ấp, trưởng khu phố là phụ nữ càng nặng nề hơn. Bởi họ là người đại diện cho cộng đồng dân cư, làm cầu nối giữa chính quyền cấp xã và người dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương.

Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-UBND, ngày 23.12.2013 của UBND tỉnh ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh, trưởng ấp, trưởng khu phố có nhiệm vụ triệu tập và chủ trì hội nghị ở ấp, khu phố; đề nghị các tổ dân cư tự quản trên địa bàn tổ chức họp cử tri trong tổ để trao đổi, cung cấp thông tin, bàn bạc giải quyết những công việc của ấp, khu phố, có khi là những việc thuộc phạm vi cấp xã để bảo đảm phát huy tốt nhất những nội dung “dân bàn, dân quyết” và “dân bàn, dân góp ý kiến, chính quyền quyết”.

Bên cạnh đó, trưởng ấp triển khai thực hiện những nội dung do cộng đồng dân cư của ấp, khu phố bàn bạc và quyết định trực tiếp, tổ chức cho người dân trong ấp thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những nhiệm vụ cấp trên giao.

Giúp nhau làm kinh tế, thoát nghèo bền vững 

Ấp An Đước (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) có 447 hộ/1.779 nhân khẩu được chia thành 10 tổ dân cư tự quản, đa số người dân trong ấp đều sống bằng nghề trồng lúa, bắp, đậu và hoa màu. Những năm qua, công tác xây dựng Đảng ở các chi bộ ấp trên địa bàn xã An Tịnh luôn được Đảng uỷ xã quan tâm. Năm 2016, Chi bộ ấp An Đước phát triển được 34 đảng viên, tất cả đảng viên thuộc chi bộ đều hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ, chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh nhiều năm liền.

Trong cuộc bầu cử trưởng ấp nhiệm kỳ 2017-2019, đảng viên Trần Thị Kim Chung (sinh năm 1962) được cử tri tín nhiệm bầu làm Trưởng ấp An Đước. Đây cũng là nhiệm kỳ thứ ba bà Chung đảm nhận nhiệm vụ này. Nói đến người nữ trưởng ấp, người dân ấp An Đước đều nhận xét, bà Chung không những có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, gương mẫu trong vai trò trưởng ấp, mà còn là người đi đầu trong các phong trào vận động quần chúng đóng góp chi phí làm đường giao thông nông thôn, giúp bà con trong ấp chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.

Xác định hệ thống giao thông trong ấp chưa hoàn chỉnh, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong ấp, nữ Trưởng ấp Trần Thị Kim Chung đã tham mưu Đảng uỷ xã, Chi bộ ấp đầu tư nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường, đồng thời trực tiếp đi vận động người dân trong ấp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện hỗ trợ.

Đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn ấp An Đước cơ bản được hoàn chỉnh, với tổng chiều dài 3.050m kết nối với các ấp lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Cách đây vài ngày, tuyến đường nối từ tổ 4 đến tổ 6 ấp An Đước vừa hoàn thành việc thi công trải đá mi, lu lèn bằng phẳng.

Đây là 1 trong 4 tuyến đường do bà Chung trực tiếp đi vận động người dân trong ấp đóng góp và các mạnh thường quân tài trợ. Tuyến đường nông thôn dài hơn 500m còn được gắn đèn thắp sáng trị giá hơn 100 triệu đồng. Cùng với việc vận động chi phí làm đường, trong các cuộc họp chi bộ ấp, bà Chung đề nghị chi bộ ra nghị quyết kêu gọi người dân đóng góp quỹ bảo dưỡng, duy tu các tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn ấp.

“Mình là đảng viên, phải tiên phong và gương mẫu đi đầu thì dân mới thấy, mới cùng hưởng ứng thực hiện. Có như vậy, đời sống của dân ấp mình mới khá lên được chứ!”- bà Chung khẳng định.

55 tuổi đời, 19 năm tuổi Đảng, hơn 10 năm làm Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, 3 nhiệm kỳ vừa làm trưởng ấp vừa là Uỷ viên Ban chấp hành Hội LHPN xã An Tịnh, bà Trần Thị Kim Chung luôn là người tiên phong trong các phong trào phát triển kinh tế gia đình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con, vận động bà con tăng gia sản xuất.

Để cải thiện nguồn thu nhập, ngoài 5 công (5.000m2) đất trồng lúa do cha mẹ để lại, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, bà Chung luân canh bắp giống Thái Lan. Riêng 2 công (2.000m2) đất quanh sân nhà, bà đầu tư vườn lan giống mokara và nuôi thêm bò sinh sản. Ước thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 5 triệu đồng.

Năm 2015, khi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trảng Bàng mở lớp trồng hoa lan và đan giỏ nan xuất khẩu cho hội viên Hội Nông dân, bà Chung mạnh dạn đề nghị xã chọn ấp An Đước rồi vận động chị em phụ nữ tham gia lớp học.

Kết quả, trong ấp có hơn 20 hộ được nhận vốn hỗ trợ sản xuất, đầu tư vườn lan, nuôi bò sinh sản, hàng chục hộ gia đình được đào tạo nghề đan giỏ nan xuất khẩu, có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, bà Chung còn phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức trồng bắp giống 8506S do Tập đoàn CP hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm.

Nhờ vậy, hầu hết nông dân trong ấp không còn nặng lo về đầu ra sản phẩm và được tăng thu nhập, thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Bà Võ Thị Nhiễm, 60 tuổi nhận xét: “Trưởng ấp Chung chính là điểm tựa của bà con trong ấp. Có việc cần, dù lớn hay nhỏ, chị đều nhiệt tình giúp đỡ. Chị thường sâu sát với bà con để động viên, nhắc nhở công việc làm ăn. Nhờ có chị, cuộc sống gia đình của chúng tôi thay đổi từng ngày”.

Bí thư Chi bộ ấp An Đước Đặng Văn Dìa nhận định, với vai trò trưởng ấp, đảng viên Trần Thị Kim Chung không ngừng nâng cao trách nhiệm, năng động trong các hoạt động và được người dân đồng tình hưởng ứng, đóng góp quỹ làm đường giao thông, sử dụng nước sạch, phát triển kinh tế gia đình, ấp không có tệ nạn xã hội...

Thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em

Ấp Tân Châu (xã Tân Phú, huyện Tân Châu) có 293 hộ/1.186 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc anh em. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, có 43 hộ dân tộc Chăm, số còn lại là dân tộc Khmer và Thái. Những năm gần đây, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ấp Tân Châu đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Bí thư Đảng uỷ xã Tân Phú Đinh Thị Ngọc Thu nhận định: “Đó là nhờ các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã và đang triển khai nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Song song đó, người trưởng ấp đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố, tạo dựng niềm tin đối với cộng đồng người dân tộc anh em”.

Người trưởng ấp đó chính là bà Đào Thị Tuyết Hoa (sinh năm 1962). “Trụ chân” tại ấp Tân Châu từ những năm 1980, trải qua 8 nhiệm kỳ làm trưởng ấp, 4 nhiệm kỳ là đại biểu HĐND xã Tân Phú, kinh qua công tác phụ nữ, dân số, bà Hoa thấu hiểu nỗi vất vả của bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà luôn gần gũi, chia sẻ và lắng nghe nguyện vọng của họ, làm cầu nối để tuyên truyền, vận động đồng bào hưởng ứng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như sâu sát từng hoàn cảnh để tìm cách giúp đỡ bà con xoá đói, giảm nghèo. Nhờ vậy, trong tổng số 293 hộ dân của toàn ấp, đến nay chỉ còn 25 hộ nghèo; trẻ em được tới trường; hơn 50% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế, không sinh con thứ ba; người trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định tại các công ty, xí nghiệp. So với những năm trước, ấp Tân Châu đã “thay da đổi thịt”.

Con đường đất đỏ dẫn vào ấp trơn trượt, sình lầy giờ được trải nhựa phẳng phiu, đèn đường chiếu sáng vào ban đêm, hàng trăm căn nhà tạm, nhà dột được lợp tôn, xây mới, 100% hộ có điện thắp sáng, các dịch vụ viễn thông (internet, điện thoại…) trải rộng khắp địa bàn dân cư. Theo bà Hoa, nếu đời sống gia đình ổn định, người dân tích cực tham gia các phong trào quần chúng tại địa phương, các tệ nạn xã hội sẽ từng bước bị đẩy lùi, an ninh trật tự ổn định.

Khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình Trưởng ấp Đào Thị Tuyết Hoa, bà con trong ấp không khỏi mủi lòng. Sự cố bất ngờ vào năm 2000 khiến vợ chồng bà phải bán tất cả đất đai, tài sản để chạy chữa, cứu sống đứa con trai bệnh tật. Trong khi bản thân bà cũng bị bệnh thoát vị đĩa đệm. Nhưng điều đó vẫn không làm bà Hoa nản lòng.

Phần lớn thời gian bà luôn dành cho công tác xã hội. Đầu năm 2017, khi các tổ chức, cá nhân tổ chức xây tặng cho toàn xã Tân Phú 11 căn nhà đại đoàn kết, trưởng ấp Tân Châu liền “tranh thủ” 5 căn cho 5 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Chăm và Khmer trong ấp. Để tạo thêm nguồn thu nhập và việc làm cho các hộ nghèo khác, bà trực tiếp vận động mạnh thường quân hỗ trợ 4 con bò sinh sản, mỗi con trị giá 25 triệu đồng cho 4 hộ người Chăm và Khmer.

Bên cạnh đó, bà còn phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức lớp dạy nghề cạo mủ cao su, nuôi gà cho các hội viên trong ấp. Anh Lê Hữu Phước, 24 tuổi- người dân tộc Khmer hớn hở nói: “Nhờ có cô Hoa mà gia đình tôi có bò con, nhà của tôi cũng sắp được xây tường, lợp tôn mới, con cái được đến trường học như người ta”.

Đối với người nữ Trưởng ấp Tân Châu, mặc dù kinh tế gia đình khó khăn, nhưng được phục vụ người dân là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn: “Tôi còn được sống với bà con đã là niềm vui rồi. Thấy người dân trong ấp có xe máy mới, xây nhà mới sạch đẹp, có việc làm ổn định, cuộc sống sung túc là niềm hạnh phúc lớn đối với tôi. Ngày nào còn phục vụ, được sống với đồng bào các dân tộc, ngày đó tôi còn được vui!”- bà Hoa chân thành bộc bạch.

Ông Tô Hít, người dân tộc Chăm- Phó cả Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo Islam tại ấp Tân Châu cho rằng, bà Hoa là người nữ trưởng ấp có trách nhiệm, luôn sâu sát với người dân. Công việc trưởng ấp tuy nặng nề, cực khổ nhưng bà vẫn đảm nhận bằng sự nhiệt tình, năng động trong mọi mặt công tác xã hội. Qua các nhiệm kỳ làm trưởng ấp, bà luôn được người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tín nhiệm, yêu quý.

Bà Đào Thị Tuyết Hoa- Trưởng ấp Tân Châu (xã Tân Phú, huyện Tân Châu) thăm hỏi gia đình người dân tộc Khmer không sinh con thứ ba trong ấp.

Nữ trưởng ấp vùng biên giới

Là dân gốc Ninh Bình, vào Tây Ninh lập nghiệp, sinh sống gần 20 năm tại ấp Tân Tiến (xã Tân Lập, huyện Tân Biên), bà Nguyễn Thị Loan (SN 1969) là một cán bộ tích cực vận động người dân định canh, định cư để ổn định cuộc sống, đồng thời duy trì và bảo vệ tình đoàn kết hữu nghị lâu đời của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.

Thực hiện theo quyết định của Tỉnh uỷ Tây Ninh, định kỳ hằng tháng, các đảng viên đồn biên phòng có nhiệm vụ tham gia sinh hoạt tại chi bộ ấp trực thuộc Đảng uỷ xã biên giới, mỗi tháng, bà Loan đều phối hợp chặt chẽ cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 827 (Đồn BP Xa Mát) trao đổi báo cáo cụ thể các tình huống, vấn đề trên biên giới.

Với vai trò là chi uỷ viên chi bộ- Trưởng ấp Tân Tiến, sau mỗi cuộc họp, bà Loan triển khai cho người dân trong ấp về việc chấp hành pháp luật của hai quốc gia, thực hiện tốt quy chế biên giới. Bên cạnh đó, Chi bộ ấp Tân Tiến phối hợp với đồn biên phòng thành lập các tổ liên kết bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ đường biên, cột mốc, vận động người dân “tự phòng, tự chống” tệ nạn trộm cắp, cướp giật, phát hiện, tố giác kịp thời các loại tội phạm cho đồn biên phòng và chính quyền điều tra xử lý.

Nhờ vậy, tình hình an ninh biên giới được ổn định, duy trì mối quan hệ hợp tác đối ngoại với các địa phương Campuchia giáp biên, phối hợp giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên tuyến biên giới thuộc địa bàn ấp.

Chia sẻ về nhiệm vụ của người nữ trưởng ấp, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Lập Võ Hồng Sang cho biết: “Vai trò trưởng ấp rất nặng nề, nhưng thời gian qua, chị Loan luôn phát huy tốt vai trò của người đảng viên và tính tiên phong, gương mẫu của người trưởng ấp. Chị luôn chu toàn cả việc gia đình lẫn công tác xã hội, được người dân tín nhiệm.

Chỉ có người nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao mới có thể làm tốt vai trò trưởng ấp, đặc biệt là một ấp có đường biên giáp với nước bạn Campuchia. Cụ thể, từ đầu năm 2017, chị Loan đã tích cực vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn cặp tổ 2, ấp Tân Tiến dài 200m, khuyến khích người dân sử dụng nước sạch, hiến máu nhân đạo, tích cực tham gia đẩy lùi các tệ nạn, xây dựng ấp văn hoá, không có tệ nạn xã hội, tặng 25 phần quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Những việc làm của chị đều được ng   ười dân đồng tình ủng hộ.

Khi được hỏi cảm nhận của người phụ nữ trong vị trí, vai trò trưởng ấp, bà Nguyễn Thị Loan cười nói: “Việc đàn ông làm được tại sao phụ nữ lại không làm được? Quan trọng là phải vượt qua chính mình để khẳng định bản thân”.

Tâm Giang