Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
UBND XÃ LONG PHƯỚC (HUYỆN BẾN CẦU):
Đang xem xét hướng xử lý việc bà Lê Thị Ngọc bán cây tràm trên bờ kênh
Thứ bảy: 00:46 ngày 10/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bà Lê Thị Ngọc (ngụ ấp Long Phú, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu) gửi đơn đến Báo Tây Ninh trình bày, trước khi qua đời, cha mẹ của bà là ông Lê Văn Nghe và bà Trần Thị Rơi có để lại phần đất 24.990m2, tại ấp Phước Đông, xã Long Phước, huyện Bến Cầu.

Cây tràm bị cưa hạ đang được tạm giữ tại trụ sở UBND xã Long Phước.

Phần đất này được ông Nghe, bà Rơi quản lý sử dụng từ trước năm 1975, đến ngày 28.12.2006 thì được UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDĐ số AH151458 (Nhà nước công nhận QSDĐ như Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất).

Trước đây, khoảng năm 1988, Nhà nước có cho đào kênh cắt ngang qua phần đất này nhưng không có đền bù (theo đơn trình bày của bà Ngọc). Vào thời điểm đó, ông Nghe, bà Rơi đã trồng cây ăn trái trên bờ kênh đoạn qua phần đất của gia đình, đã thu hoạch nhiều vụ.

Đến năm 2008, ông Nghe qua đời, anh em của bà Ngọc tiếp tục quản lý, sử dụng phần đất đó để trồng cây tràm thay cây ăn trái và cũng đã thu hoạch. Qua các lần thu hoạch cây tràm, chính quyền địa phương đều không có ý kiến. Đến năm 2013, anh em của bà Ngọc xảy ra tranh chấp về phân chia di sản thừa kế đối với phần đất trên.

Sau khi được Toà phân xử, anh em của bà Ngọc đều được UBND huyện Bến Cầu cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo bản án. Trong đó, bà Lê Thị Ngọc, bà Lê Thị Hiên, bà Lê Thị Mý được cấp giấy chứng nhận QSDĐ số CH00874 ngày 9.1.2015, với tổng diện tích 20.522,5m2.

Theo bà Ngọc trình bày, đến năm 2016, bà tiếp tục trồng cây tràm trên bờ kênh như trước, đồng thời cho một công ty thuê đất giáp bờ kênh để trồng mía. Do phía công ty yêu cầu bà Ngọc xử lý cây tràm nhằm tránh che bóng râm làm ảnh hưởng đến cây mía, nên bà đã bán cho thương lái số cây tràm trên bờ kênh với giá 145.000.000 đồng.

Trong lúc nhân công đang cưa hạ cây tràm, Công an xã Long Phước đến ngăn cản và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, thu giữ số cây đã cưa đem về trụ sở UBND xã. Người mua cây buộc bà Ngọc phải hoàn trả lại số tiền 145.000.000 đồng.

“Vấn đề tôi thắc mắc ở đây là tại sao tôi đã trồng cây tràm như trên và đã thu hoạch được nhiều lần nhưng chính quyền địa phương đều không có ý kiến, nay chính quyền bất ngờ xử lý như vậy mà không thông báo cho người dân biết trước? Trường hợp nếu Nhà nước không cho người dân được tiếp tục trồng cây lâu năm trên bờ kênh thì phải có thông báo, tuyên truyền hoặc lắp đặt bảng cấm tại tuyến kênh để người dân biết; tránh việc người dân bỏ công đầu tư trồng, chăm sóc nhưng đến khi thu hoạch lại xảy ra tình trạng như đã diễn ra”- bà Lê Thị Ngọc nêu ý kiến.

Cây tràm đã cưa thành phẩm cũng bị tạm giữ tại trụ sở UBND xã Long Phước.

Theo biên bản kiểm tra, xác định số cây thiệt hại trên bờ kênh tiêu Long Phước do đại diện các phòng chuyên môn liên quan của huyện Bến Cầu, UBND xã Long Phước, Hạt Kiểm lâm địa bàn lập vào ngày 4.4.2022: Số cây bị thiệt hại thuộc loại cây keo lai, có độ tuổi từ 4 đến 5 năm tuổi, đường kính trung bình khoảng 13 cm, chiều cao khoảng 8m.

Cũng theo biên bản kiểm tra nêu trên, số cây tràm bị cưa hạ mọc trên bờ kênh tiêu Long Phước tại hai đoạn bờ kênh. Trong đó, đoạn bờ kênh thứ nhất có diện tích 2.103m2, đoạn bờ kênh thứ hai có diện tích 895m2. Qua kiểm tra, số cây bị cưa hạ là 419 cây, với khối lượng gỗ là 41,9m3.

Ngày 5.9.2022, ông Hồ Thanh Hải- Chủ tịch UBND xã cho biết, số cây tràm đang đề cập tự mọc phân tán trên bờ kênh tiêu Long Phước, thuộc phạm vi đất công trình thuỷ lợi (đất công) do Nhà nước quản lý. Thực tế, nhiều năm trước đây công tác quản lý cây lâu năm mọc trên bờ kênh còn chưa chặt chẽ, có thể vì vậy mà người dân đã tự ý khai thác cây nhưng chính quyền địa phương không có ý kiến (hoặc chưa phát hiện).

Theo ông Hải, từ khi bản đồ địa chính được sử dụng theo hệ toạ độ VN-2000 (bản đồ VN-2000), đặc biệt là khi các giấy chứng nhận QSDĐ được cấp theo bản đồ này thì việc quản lý cây lâu năm mọc trên bờ kênh được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn. Trong những năm qua, UBND huyện Bến Cầu cũng đã chỉ đạo UBND các xã trên địa bàn huyện nghiêm túc thực hiện nội dung này.

Cũng theo ông Hải, đối với vụ việc của bà Lê Thị Ngọc, sơ đồ trên giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho anh em của bà vào năm 2015 đều thể hiện rõ bờ kênh tiêu Long Phước nằm hoàn toàn tách biệt với diện tích đất được cấp. Số cây tràm bị cưa hạ cũng nằm trên phạm vi đất thuộc bờ kênh tiêu. Do đó, UBND xã đang phối hợp với các phòng chuyên môn liên quan của huyện để thống nhất hướng xử lý theo đúng quy định.

“Số cây tràm đó có phần tự mọc phân tán tự nhiên, cũng có phần do tôi trồng bổ sung thêm và bỏ công cất chòi trông coi, chăm sóc. Tôi không biết phân tích sơ đồ trên giấy chứng nhận QSDĐ, cũng không được xã thông báo trước về việc không cho người dân tiếp tục trồng và thu hoạch cây lâu năm trên bờ kênh nên mới xảy ra sự việc như vậy. Rất mong UBND xã Long Phước có hướng xem xét hợp tình, hợp lý, cho tôi được thu hồi vốn đầu tư và công chăm sóc”- bà Ngọc trình bày.

QUỐC SƠN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục