Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đánh cược tuổi già với lương hưu
Chủ nhật: 09:18 ngày 25/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Không ai làm giàu nhờ lương hưu, nhưng nếu không có khoản tiền đó để ổn định cuộc sống tuổi già, bạn sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội.

"Tôi thấy đa số người lao động đều nghĩ rằng 'nếu Bảo hiểm xã hội (BHXH) mà không bắt buộc, sẽ chẳng có ai tham gia". Nhưng tất cả các quốc gia trên thế giới đều bắt buộc đóng BHXH, bởi vậy nó phải có nguyên cớ. Và có một thực tế, nhiều người có trình độ và thu nhập cao đều nhận thức rõ về quyền lợi BHXH nên việc mức đóng BHXH cao là một trong những yêu cầu đặt ra đối với nhà tuyển dụng khi họ ứng tuyển. Trong khi đó, những người có trình độ lao động và thu nhập kém hơn đa phần lại chỉ quan tâm chính đến mức lương thực lãnh khi tìm kiếm công việc.

Bạn tôi khi mới ra trường, đi ứng tuyển, công ty cho hai lựa chọn thu nhập: lương cao hơn một chút nhưng không đóng BHXH; hoặc lương thấp hơn nhưng có đóng BHXH. Bạn tôi đã chọn không đóng. Tới giờ, sau gần 10 năm đi làm, mỗi khi bạn tôi chuyển việc, khi phỏng vấn, ngoài việc xác định mức lương hưởng sau thuế thì mức đóng BHXH có toàn bộ lương không lại trở thành một điều kiện không thể thiếu của bạn.

Cuộc sống của đa phần người lao động còn khó khăn nên họ không nghĩ xa được. Có thể hiểu như nghèo thì cứ sinh nhiều con, rồi sinh nhiều con lại cứ nghèo. Có lẽ, sẽ có rất nhiều người phải trả giá vì lựa chọn của mình lúc tuổi già, bởi khổ nhất là khi già yếu, bệnh tật, không có thu nhập, sống lay lắt trong bệnh tật, mà lại còn không có lương hưu'.

Đó là quan điểm của độc giả Văn Tùng xung quanh câu chuyện "Nhiều lao động bỏ chế độ hưu trí", chọn nhận BHXH một lần thay vì chờ tới tuổi để nhận lương hưu. Dù lương tối thiểu vùng tăng mỗi năm, song thu nhập của đại đa số công nhân chưa đảm bảo được cuộc sống. Trong khi đó, chính sách thụ hưởng BHXH đang thiếu tính linh hoạt, thời gian đóng, hưởng chưa hợp lý khiến lao động mất việc thấy quá lâu để chờ nhận lương hưu.

Bạn đọc chia sẻ Nguyen Khoi Quang góc nhìn về tầm quan trọng của Bảo hiểm xã hội: "Tôi nghĩ không muốn tham gia BHXH cũng phải chấp nhận. Mục đích của BHXH là để giúp cho người nghỉ hưu vẫn có lương, giảm gánh nặng cho xã hội. Các bạn thử tưởng tượng xem, những người trẻ này nhận BHXH một lần, sau đó họ chi trả hết cho những thứ trước mắt, sau này về già họ sẽ sống như thế nào? Thu nhập của họ đã thấp, của để dành có thể khó, chẳng lẽ sẽ phải tiếp tục lao động?

Bên cạnh đó, giả sử bạn lấy số tiền BHXHđi đầu tư, điều gì đảm bảo bạn không mất hết? Hơn thế nữa, đồng tiền còn trượt giá. 26 triệu đồng bạn nhận lúc này kể cả cho vào ngân hàng (nơi đảm bảo bạn sẽ có lãi) thì số lãi đó sau nhiều năm còn không ăn thua so với trượt giá (2008). Vì vậy, nếu bạn muốn mình không bị khó khăn, có khoản đảm bảo, không trở thành gánh nặng cho xã hội khi về hưu thì phải đóng BHXH".

Đồng quan điểm, độc giả Anh vu khẳng định không thể đòi hỏi tiêu chuẩn kép với BHXH: "Nói thật, các bạn cứ đòi tiêu chuẩn kép, nhưng lấy đâu ra? Người lao động trên 40 tuổi mất việc là do kinh tế thị trường vận hành, do anh năng lực kém, chậm thích nghi nên bị ảnh hưởng. Lúc này, muốn giúp đỡ họ, ta lại phải dùng biện pháp đòn bẩy an sinh xã hội. Mà an sinh xã hội lấy tiền ở đâu ra? Xin thưa là từ từ thuế và tiền đóng BHXH.

Khi tăng thuế, tăng bảo hiểm xã hội thì nhiều người kêu ca. Nhưng lúc về già không có lương hưu (do không đóng bảo hiểm) hoặc lương hưu thấp (do quá trình đóng cố tình chỉ đóng mức tối thiểu) thì lại kêu phải có chính sách chăm lo này kia... Hãy nhìn sang các nước phát triển, an sinh xã hội của họ rất tốt, ở chiều ngược lại, thuế của họ cực cao, hãy hỏi lao động của ta sang bên đó làm việc, xem họ bị đánh thuế cao thế nào?

Một nước phát triển như Nhật Bản, người dân 70-75 tuổi mới được nhận lương hưu, và người già trên 80 tuổi vẫn phải đi làm để kiếm sống. Thế nên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Đóng bảo hiểm là an sinh xã hội, chứ không phải là kênh kinh doanh, nó cũng gần gần như Bảo hiểm y tế vậy. Không ai làm giàu từ lương hưu, nhưng mà nó là khoản tiền giúp bạn ổn định hàng tháng khi tuổi già, nhất là với những người gia đình không khá giả".

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cảnh báo rút BHXH một lần trở thành "thực trạng đáng lo ngại ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi người lao động và tác động đến an sinh của Nhà nước". Đó cũng là lo ngại của bạn đọc Hong Phuc: "Khi ba triệu lao động không đóng bảo hiểm hoặc rút bảo hiểm một lần thì quỹ BHXH sẽ thiếu hụt nguồn tiền để chi cho những người bị tai nạn lao động, thai sản, hưu trí ở thời điểm hiên tại. Kéo theo đó là những bất ổn trong xã hội khi họ thiếu tiền chi trả, phá vỡ hệ thống an sinh của Việt Nam.

Hệ thống an sinh xã hội để giúp giảm bớt gánh nặng cho những người tham gia không may bị tại nạn lao động, những người già lúc không thể làm việc được nữa, phụ nữ lúc sinh con chưa đi làm được bớt chi phí, những lao động nghỉ do bị ốm đau... Điều đó đồng nghĩa với việc bạn đóng BHXH là đang giúp đỡ những người khó khăn một cách gián tiếp và sau này có thể chính bạn và người thân cũng được hưởng lợi khi gặp rủi ro. Như vậy, chẳng phải xã hội sẽ tốt đẹp hơn sao?".

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2020 "cứ hai người tham gia vào hệ thống BHXH thì một người lại rời đi. Xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Lý giải về nguyên nhân của thực trạng trên, độc giả Abcd nhận định: "Chính sách bảo hiểm thay đổi liên tục cũng là một phần nguyên nhân làm cho tình trạng này thêm tăng mạnh. Hiện nay, chúng ta còn đang thực hiện việc tăng tuổi hưu nữa. Trước kia, bạn đi làm 30 năm là đã có 75% lương hưu, nhưng giờ phải làm 35 năm mới đủ. Nhiều khi chưa được hưởng đồng lương hưu nào đã ra đi.

Việc 20 năm mới được hưởng chính sách cũng là một vấn đề cần quan tâm, bởi nó quá dài đối với một phần lao động. Theo tôi, mức BHXH hiện giờ là không hấp dẫn và thật sự nếu không bắt buộc, rất nhiều người lao động sẽ không tham gia".

"Bản thân tôi cũng còn không muốn tích lũy vì chính sách của BHXH liên tục thay đổi. Có thời điểm tính lương hưu theo trung bình 5 năm cuối, có thời điểm lại tính bình quân cả quá trình đóng. Với người lao động làm việc cho doanh nghiệp bên ngoài, có một thực tế là tuổi càng cao thì nguy cơ mất việc càng lớn hoặc phải chuyển qua làm những việc có thu nhập không bằng. Khi đó, tính 5 năm cuối thì những người này sẽ thiệt hại lớn, ngược lại với mấy công chức càng làm lâu thì lương càng cao", bạn đọc Transparency Tâm nói thêm về những bất cập của BHXH.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải có những thay đổi tích cực trong chính sách BHXH để thu hút người lao động, bạn đọc Trường Bùi khẳng định: "Nếu coi bảo hiểm xã hội là một sản phẩm, thực tế nếu người dân không mặn mà với nó thì rõ ràng đó là sản phẩm chưa tốt, chưa đáp ứng được nhu cầu chung. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng lại cho chế độ, chính sách cho tốt hơn để hấp dẫn hơn với người lao động. Những người làm việc bên ngoài, nếu căn cứ vào tổng thu nhập theo cách đóng tối thiểu vùng hiện nay, khi hưởng lương hưu lại mang chia bình quân lương đóng các tháng mà không hề có hệ số trượt giá thì rất bất hợp lý. Mong các cơ quan làm luật xem xét và nghiên cứu kỹ hơn".

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục