Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Dành gói tín dụng ưu đãi khoảng 20-30 ngàn tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hoá
Thứ hai: 10:22 ngày 25/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hôm 22.12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam. Cùng dự và điều hành hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ Trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan; Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; các hội, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hoá; cùng các chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hoá.

 Hội nghị được trực tuyến tới Bộ VH-TT&DL và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, UBMTTQVN tỉnh, Tỉnh đoàn cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và đại diện các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hoá và công nghiệp văn hoá. Việc đầu tư các nguồn vốn đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hoá có những bước tiến mới, ngành công nghiệp này dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hoá nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hoá và công nghiệp văn hoá thời gian qua; nêu rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hoá Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất những giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập, nhất là trong cơ chế, chính sách.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhìn lại chặng đường 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam, các bộ, ngành đã rà soát, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam; cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hoá, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam phát triển.

Nhiều chương trình, giáo trình đào tạo ngày càng được hoàn thiện phù hợp với trình độ học. Các tổ chức, doanh nghiệp đã linh hoạt ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến để phát triển đa dạng, hiện đại các sản phẩm dịch vụ văn hoá và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị văn hoá toàn cầu.

Trong giai đoạn từ năm 2018-2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD), bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hoá đạt 7,21%/năm. Sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp văn hoá, thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam.

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận việc phát triển ngành công nghiệp văn hoá thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập do chưa có một văn bản pháp luật quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hoá. Thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá phát triển toàn diện. Nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Nguồn nhân lực còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút còn chưa thực sự khuyến khích và thu hút nhân lực vào lĩnh vực này.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, cộng đồng các doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá đã đưa ra các ví dụ cụ thể và những bài học kinh nghiệm từ các nước thành công về công nghiệp văn hoá. Trong đó nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế chính sách chính là yếu tố quan trọng để thúc đẩy công nghiệp văn hoá phát triển.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị, đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, tập trung hoàn thiện, trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá trong giai đoạn mới.

Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hoá, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hoá, nhất là những lĩnh vực ưu tiên như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hoá… thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan. Trong đó, cần tính toán dành gói tín dụng ưu đãi khoảng 20-30 ngàn tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư ngành công nghiệp văn hoá.

Bộ Công Thương xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá gắn với thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ưu tiên các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đầu tư, khai thác, hỗ trợ phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP.

Bộ Xây dựng tập trung đầu tư, khai thác các sáng tạo đột phá trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, xây dựng và thiết kế nội thất, đặc biệt đối với quy hoạch đô thị.

Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tăng cường bảo vệ tài sản sáng tạo trong các ngành công nghiệp văn hoá. Xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết để bảo đảm lợi ích hợp pháp của các chủ thể sáng tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục, ưu tiên chỉ tiêu bồi dưỡng, đào tạo tại các cơ sở đào tạo giảng viên cho các ngành công nghiệp văn hoá.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, người lao động trong các lĩnh vực công nghiệp văn hoá gặp khó khăn.

Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành hệ thống thông tin dữ liệu và phát triển hệ sinh thái trực tuyến cho các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam. Đầu tư, khai thác, hỗ trợ phát triển ngành phần mềm và các trò chơi giải trí; đưa các giá trị văn hoá truyền thống, nghệ thuật, lịch sử Việt Nam vào phần mềm ứng dụng tương tác.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tế để xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hoá, nhất là phát triển các không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ sáng tạo trên địa bàn; lựa chọn lĩnh vực công nghiệp văn hoá có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững. Xác định và xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá đặc trưng của địa phương, gắn với du lịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm. Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá văn hoá, công nghiệp văn hoá.

Đối với các hiệp hội, cộng đồng các doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá, công nghiệp sáng tạo, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa tâm huyết, tích cực tham gia nghiên cứu, sáng tạo những tác phẩm, sản phẩm công nghiệp văn hoá, công nghiệp sáng tạo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của công chúng và vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá, đề cao ý thức, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng; tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục