Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ở Kà Ốt, người dân luôn xem ông Danh Ngất là cây đại thụ, là linh hồn của phum sóc. Cũng đúng thôi! Nhờ một phần không nhỏ công sức của ông mà Kà Ốt giờ đã thoát nghèo, trên 98% hộ được công nhận gia đình văn hoá.
Ông Danh Ngất cùng các sinh viên tình nguyện và BĐBP sửa lại nhà cho bà Thị Quanh.
“Tôi có một ước nguyện, làm sao cho con cháu chúng tôi ai cũng được đến trường, bà con Khmer ai cũng khá giả đoàn kết”- đó là tâm sự của ông Danh Ngất, Bí thư Chi bộ ấp Kà Ốt, xã Tân Ðông, huyện Tân Châu khi tôi gặp ông bên lề hội nghị biểu dương “Người có uy tín tiêu biểu trong phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” các tỉnh tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BÐBP vừa tổ chức tại Tây Ninh mới đây.
Ông là một trong 4 gương điển hình tiêu biểu, đại diện cho hàng trăm già làng, trưởng ấp, người có uy tín trên tuyến biên giới Tây Ninh được chọn tham dự hội nghị này.
Tôi quen ông từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi Danh Ngất còn làm Trưởng ấp Kà Ốt. Hơn 10 năm nay, ông được phân công làm Bí thư Chi bộ. Trên bất cứ cương vị nào ông cũng đều tận tâm, tận lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Việc Danh Ngất làm cho phum sóc đồng bào Khmer trong suốt hơn 20 năm qua nhiều không kể hết, chỉ nhớ rằng mỗi lần đến đây, là mỗi lần thấy Kà Ốt chuyển mình khởi sắc.
Mới đây, tôi trở lại vùng biên thăm Danh Ngất, nhưng ông đi vắng. Vợ ông bảo, từ hồi ông làm Bí thư, công việc nhiều hơn trước, có khi đến tối mịt mới về. Bà lại nói, đi đâu cũng nghe người ta kể những việc ông làm cho phum sóc, bà cảm thấy vui lây.
Theo hướng dẫn của bà, tôi gặp ông ở cuối xóm, ở đó, ông cùng các bạn trẻ sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh và các chiến sĩ Ðồn Biên phòng Kà Tum sửa lại mái nhà cho bà Thị Quanh- một hộ nghèo neo đơn trong ấp.
Danh Ngất cho biết, bà Quanh vừa tròn 90 tuổi, không có con cháu. Ngôi nhà đại đoàn kết cất cho bà đã lâu, mái tole mục nát. Mưa đến, bà phải lụm cụm sang nhà hàng xóm ở nhờ, nay có sinh viên tình nguyện về ấp nên ưu tiên sửa chữa cho bà. Nghe mấy chàng trai đề nghị tìm 2 cây tre để thay thế cột chống trước hiên, ông liền gọi điện thoại cho ông Khuôn Sai, một hộ khá ở gần đó để xin.
Như đoán được ánh mắt mọi người đang hướng về ông, chờ một câu trả lời, ông cười và nói: “Bà con ở Kà Ốt này, ai cũng ủng hộ việc làm của tôi!”. Mấy cậu sinh viên thở phào và bắt tay vào việc.
Công việc còn dở dang, ông được Ðồn Biên phòng Kà Tum thông báo, có nhà tài trợ muốn đến khảo sát để tặng nhà cho bà con trong ấp. Danh Ngất liền đưa đoàn đến nhà chị Lâm Thị Hoà- một hộ nghèo nằm cạnh chùa Kà Ốt. Ðịa chỉ mà Danh Ngất giới thiệu cũng là “tâm tư” khó giải của chi bộ và cá nhân ông bấy lâu nay. Thấy gia cảnh chị Hoà, nhà tài trợ đã đồng ý tặng nhà ngay.
Cứ thế, gần 25 năm, từ làm Trưởng ấp đến Bí thư, vai trò nào ông Ngất cũng luôn hoàn thành nhiệm vụ, toàn tâm toàn ý với trách nhiệm một người con của phum sóc để xây dựng Kà Ốt ngày một giàu đẹp. Bất cứ việc làm nào ông cũng đều hướng đến lợi ích chung cho dân, cho Ðảng.
Ông luôn lấy phương châm “Nói đi đôi với làm” của Bác để làm tiêu chí phấn đấu. Nhớ trước đây, nhiều bà con Khmer không biết chữ, không “nghe” được tiếng nói của Ðảng trên Báo, trên Ðài nên thường xuyên vi phạm quy chế khu vực biên giới, vi phạm an toàn giao thông, đời sống nghèo nàn, lạc hậu...
Ðó là một thời trăn trở của chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng và là giai đoạn buồn nhất của ông. Lúc ấy, cả hệ thống chính trị tại Tân Ðông đề ra quyết tâm xoá mù chữ, tìm thầy cô về dạy cho các em nhỏ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật... Với cương vị lúc bấy giờ, ông nghĩ làm sao để bà con “thông” được tư tưởng mới bắt tay đoàn kết xây dựng được, cho nên công tác tuyên truyền giáo dục luôn được ông xem là nhiệm vụ hàng đầu và duy trì xuyên suốt mấy chục năm qua.
Thiếu tá Mai Văn Hoà- Chính trị viên của Ðồn Biên phòng Kà Tum, người có nhiều năm gắn bó với đồng bào Kà Ốt nhớ lại: “Thời điểm ấy, bộ đội ít người biết tiếng Khmer, nên bất đồng ngôn ngữ, để tuyên truyền được cho đồng bào dân tộc thì vô cùng khó khăn. Nếu không có chú Danh Ngất và những người biết nói tiếng Việt như thầy Phúc, chú Danh Xây, chúng tôi không biết phải làm sao.
Với sự tận tâm, trách nhiệm của các chú, chúng tôi đã đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị định, quy chế về biên giới đến với bà con nhân dân trong ấp. Nhờ đó mà việc bà con vi phạm quy chế khu vực biên giới đến nay gần như chấm dứt”.
Ông Trần Tấn Sung- Chủ tịch Mặt trận xã Tân Ðông chia sẻ thêm: “Hằng năm, thông qua các buổi họp dân, tuyên truyền, ông Ngất còn đề xuất xã mời các chuyên gia nông nghiệp về hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu giống nuôi và cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật. Ðồng thời, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ, chính sách ưu đãi dành cho đồng bào người dân tộc thiểu số, ông Ngất phối hợp cùng các ngành chức năng phân bổ hợp lý cho từng mô hình sản xuất, chăn nuôi.
Song song đó, ông Ngất còn phát động phong trào giúp nhau vượt khó, giúp đỡ những hộ gặp khó khăn bằng việc góp vốn xoay vòng, ưu tiên làm nhà đại đoàn kết. Hiện toàn ấp có 167 hộ, trong đó có 85 hộ khá giàu, chỉ có 4 hộ nghèo, không còn hộ đói”.
Ở Kà Ốt, người dân luôn xem ông Danh Ngất là cây đại thụ, là linh hồn của phum sóc. Cũng đúng thôi! Nhờ một phần không nhỏ công sức của ông mà Kà Ốt giờ đã thoát nghèo, trên 98% hộ được công nhận gia đình văn hoá. Ðặc biệt, Kà Ốt là ấp đồng bào dân tộc Khmer đầu tiên trên địa bàn tỉnh được công nhận là ấp văn hoá, và danh hiệu đó đã được giữ vững suốt 15 năm qua.
Lê Quân