Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Danh nhân Việt Nam tuổi Tý
Thứ ba: 17:47 ngày 28/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những người đầu tiên phải kể đến là Lý Thái Tông, sinh năm Canh Tý; Trần Quốc Tuấn, sinh năm Mậu Tý-1228; Nguyễn Xí, sinh năm Bính Tý-1396; Huỳnh Thúc Kháng, sinh năm Bính Tý-1876; Tôn Đức Thắng, sinh năm Mậu Tý-1888…

* Lý Thái Tông, sinh năm Canh Tý - 1000. Ông lên ngôi hoàng đế năm 1028, sau khi Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn băng hà. Ông là bậc minh quân hết lòng yêu nước thương dân, thường quan tâm đến việc đồng áng của nông dân, ra ruộng đồng động viên dân gặt hái, thu hoạch mùa màng cho kịp, nhiều lần đi cày ruộng cùng dân. Năm 1042, Lý Thái Tông cho ban hành “Hình thư”, là bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta, được các nhà khoa học đánh giá rất cao.

* Trần Quốc Tuấn, sinh năm Mậu Tý - 1228. Ông được nhân dân tôn vinh là  Đức Thánh Trần vì toàn tài văn võ. Năm 1258, ông nhận ấn tiết chế thống lĩnh quân đội nhà Trần tiến hành đánh bại cuộc xâm lăng của giặc Nguyên - Mông. Trần Quốc Tuấn là người soạn “Hịch tướng sĩ” - áng văn bất hủ trong văn chương Việt Nam và lãnh đạo tướng sĩ làm nên chiến công Chương Dương, Hàm Tử lừng lẫy trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

* Nguyễn Xí, sinh năm Bính Tý  - 1396. Ông là danh tướng đời Lê Thái Tổ, được ban họ Lê vì có công lớn trong cuộc kháng Minh. Năm 1418, nghĩa quân Lam Sơn bị vây khổn ở núi Chí Linh, may nhờ tướng sĩ một lòng trung nghĩa, ông mở vòng vây lui về Lam Sơn cố thủ. Ngày 3-11-1427, quân địch đầu hàng, trong đó công lao của Nguyễn Xí đã góp phần quyết định làm nên chiến thắng.

* Võ Duệ, sinh năm Mậu Tý - 1468. Ông là danh sĩ đời vua Lê Thánh Tông, đỗ trạng nguyên năm 22 tuổi. Khi ông làm quan, thấy Mạc Đăng Dung giết hại quan Ngự sử Đỗ Nhạc, bức hiếp vua Lê và các đại thần, ông phẫn uất có ý muốn triệt hạ Mạc Đăng Dung để cứu loạn an dân. Năm 1522, khi bỏ ngôi chạy vào Thanh Hóa thì nhà vua bị nhóm Trịnh Tuy bức bách đi nơi khác. Ông đau xót rồi tự vẫn.

* Lê Quang Bí, sinh năm Giáp Tý - 1504. Ông là văn thần nhà Mạc, quê ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Năm 1526, ông đỗ nhị giáp tiến sĩ khi 22 tuổi. Năm 1548, ông đi sứ nhà Minh, bị vua Minh giữ lại không cho về. Suốt 18 năm bị đày ở Trung Quốc, ông vẫn giữ vững tiết tháo, không quy lụy khiến đám quan lại nhà Minh phải cảm phục tài đức và cho về nước.

* Giáp Hải, sinh năm Bính Tý - 1516. Ông là danh sĩ đời Mạc. Năm 1538, ông đỗ trạng nguyên khi 23 tuổi và đổi tên là Trưng nên cũng gọi là Giáp Trưng. Ông có tiếng về văn thơ, được sĩ phu đương thời trọng vọng. Mỗi khi có việc bang giao với nhà Minh, ông thường lãnh việc đối đáp và thảo văn thư, khiến họ phải nể phục gọi là Giáp Trạng nguyên. Năm 1584, ông được giao trông coi cả 6 bộ, kiêm Đông các đại học sĩ, coi cả việc Kinh điển.

* Phùng Khắc Khoan, sinh năm Mậu Tý - 1528. Ông là danh sĩ đời vua Lê Thế Tông. Năm 1550, đang lúc nhà Mạc áp đảo nhà Lê, ông theo Lê Bá Li vào Thanh Hóa phù tá Lê Trung Tông. Ông đi thi và đỗ đầu khoa thi hương, được thăng chức Lễ khoa cấp sự trung. Năm 1580, ông đỗ nhị giáp tiến sĩ. Năm 1579, ông đi sứ nhà Minh. Với khí phách hào hùng, bảo tồn quốc thể, biện bác áp đảo quan lại cao cấp triều Minh, khiến vua Minh cũng phải chấp nhận những lý lẽ ông bênh vực cho nhà Lê.

* Ngô Trí Hòa, sinh năm Giáp Tý - 1564. Ông là danh thần đời vua Lê Thái Tông. Năm 1592, ông đỗ hoàng giáp lúc 28 tuổi. Năm 1606, ông đi sứ nhà Minh, khi về được thăng Thượng thư bộ Hộ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm Canh Tuất 1610, ông được phong tước Phú Xuân Hầu. Năm 1623, ông có công dẹp loạn ở Sơn Tây, được gia phong Thiếu bảo, phong Hiệp Mưu tá lý dục vân tán trị công thần.

* Phạm Công Trứ, sinh năm Canh Tý - 1600. Ông là danh sĩ đời vua Lê Thần Tông. Năm 1628, ông đỗ đồng tiến sĩ. Năm 1642, ông ra làm Tán lý đạo Sơn Nam cùng với Thượng thư Nguyễn Duy Thể lo việc biên phòng. Có công dẹp an nhóm Trịnh Sầm nổi loạn, ông được vời về triều làm Phó đô ngự sử, tước Khánh Yến Bá, rồi thăng Đô ngự sử. Năm 1657, ông làm Thượng thư bộ Lễ, rồi đổi làm Thượng thư bộ Lại, sau đó làm Tể tướng, trông coi việc cả 6 bộ.

* Nguyễn Quý Đức, sinh năm Mậu Tý - 1648. Ông là danh sĩ đời vua Lê Hy Tông. Năm 1676, ông đỗ thám hoa, năm Canh Ngọ - 1690 sung chức Chính sứ sang Trung Quốc, khi về làm Tả thị lang bộ Lễ, rồi thăng làm Bồi tụng trong phủ chúa Trịnh, tước Liêm Đường Bá. Năm 1695, ông được thăng Đô ngự sử, rồi bị phạm lỗi, giáng làm Tả thị lang bộ Binh, nhưng vẫn giữ chức Bồi tụng. Ông hợp tác với Lê Hy xem xét và sửa chữa bộ “Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên”.

* Nguyễn Nghiễm, sinh năm Mậu Tý - 1708. Ông là danh thần đời vua Lê Thuần Tông. Năm 1731, ông đỗ Hoàng giáp lúc 23 tuổi, làm đến Thượng thư, sung chức Tham tụng, Đại tư đồ. Năm 1775 ông mất, thọ 67 tuổi, được truy phong Trung đẳng phúc thần. Ông cùng Ngô Thì Sĩ có làm lời chú và lời bàn trong bộ “Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên”. Nhà thơ Nguyễn Du là con thứ 7, con trưởng là Nguyễn Khản làm đến chức Tham tụng.

* Phạm Đình Hổ, sinh năm Mậu Tý - 1768. Ông là danh sĩ đời vua Minh Mạng. Năm 1821, vua Minh Mạng vời ông ra và bổ làm Hành tẩu Viện Hàn lâm, ít lâu sau ông từ chức. Năm 1826, Minh Mạng lại triệu và cho làm Thừa chỉ Viện Hàn lâm và Tế tửu Quốc Tử Giám, nhưng năm sau ông cũng xin nghỉ dưỡng bệnh rồi từ chức.

* Hoàng Diệu, sinh năm Mậu Tý - 1828. Ông là chí sĩ yêu nước. Ông đỗ cử nhân năm 1848 và phó bảng khoa năm 1853. Năm 1877, ông làm Tham tri bộ Hình, qua Tham tri bộ Lại. Đầu năm 1882, Đại tá Pháp Henri Rivière đem quân ra cướp miền Bắc. Ông bất bình, chỉ huy quân sĩ quyết liệt đối phó. Trước hỏa lực của quân cướp nước, Hoàng Diệu vào hành cung, thảo tờ di biểu, rồi ra trước Võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử.

* Nguyễn Trường Tộ, sinh năm Mậu Tý - 1828. Ông là chí sĩ, danh sĩ, kiến trúc sư. Năm 1858, ông sang Pháp. Người Pháp có ý dùng ông làm tay sai nhưng ông từ chối, quyết định ở ẩn nơi quê nhà. Ông lần lượt gửi lên triều đình nhiều bài điều trần giá trị, đề nghị chính quyền cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục...

* Huỳnh Thúc Kháng, sinh năm Bính Tý - 1876. Ông là chí sĩ yêu nước, quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Năm 1904, ông thi đỗ tiến sĩ, nhưng không ra  làm quan. Năm 1908, ông tham gia phong trào chống sưu cao thuế nặng của thực dân Pháp, bị chúng bắt đày đi Côn Đảo. Cuối tháng 5-1946, ông được giao quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và ông đã giải quyết tốt đẹp nhiều sự việc khó khăn của đất nước, hoàn thành xuất sắc chức trách.

* Tôn Đức Thắng, sinh năm Mậu Tý - 1888. Những năm 1920-1925, ông tham gia lập công hội bí mật ở xưởng đóng tàu Ba Son. Năm 1927, ông tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Cuối năm 1928, ông bị Pháp bắt nhân vụ án ở đường Barbier Sài Gòn, bị kết án 20 năm khổ sai lưu đày ra Côn Đảo. Năm 1951, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động. Ngày 23-9-1969, ông được giữ chức Chủ tịch nước cho đến khi từ trần.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe thuyết minh cách đánh B52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972 - ảnh internet

* Lê Hồng Phong, sinh năm Canh Tý - 1900. Ông nguyên là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ tháng 1-1942, ông đã cùng Phạm Hồng Thái hoạt động cách mạng ở Xiêm La rồi sang Trung Quốc tham gia sáng lập Tâm Tâm xã, được học ở Trường Hoàng Phố, rồi học tiếp trường sĩ quan không quân Liên Xô, Trường đại học Phương Đông. Năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, đày ra Côn Đảo. Bị thực dân tra tấn dã man, ông đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo ngày 9-6-1942.

* Tôn Quang Phiệt, sinh năm Canh Tý - 1900. Ông là nhà hoạt động cách mạng, nhà nghiên cứu lịch sử, xã hội. Tháng 6-1926, ông cùng các ông Trần Phú, Vương Thúc Oánh sang Trung Quốc gặp các nhân vật trong Việt Nam cách mạng Đảng, phái đoàn vừa đến Móng Cái thì bị bắt. Một thời gian sau, ông được trả tự do, vẫn hoạt động bí mật cho Đảng. Ông là đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

* Nguyễn Văn Cừ, sinh năm Nhâm Tý - 1912. Năm 1926, ông lãnh đạo học sinh Trường Bưởi bãi khóa, bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1930, ông được cử hoạt động trong hàng công nhân vùng mỏ Hòn Gai. Do bị lộ, ông bị giặc bắt đày ra Côn Đảo. Năm 1938, ông được cử vào hoạt động ở Nam bộ và sau đó được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 5-1941, Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp xử bắn.

* Tô Hiệu, sinh năm Nhâm Tý - 1912. Năm 1930, ông bị bắt đày ra Côn Đảo. Tại đây, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1934, ông được trả tự do về hoạt động tại Hà Nội. Năm 1938, ông phụ trách các tỉnh duyên hải Bắc kỳ và là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đến tháng 12-1939, ông bị bắt và đày lên Sơn La. Tại đây, ông bị nhiều cực hình, bệnh nặng và qua đời ngày 7-3-1944.

* Phạm Hùng, sinh năm Nhâm Tý - 1912. Năm 1931, ông bị bắt và kết án tử hình, sau hạ thành án chung thân, khổ sai, đày ra Côn Đảo. Năm 1946, ông làm Bí thư xứ ủy lâm thời Nam bộ. Năm 1956, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1975, ông làm Chính ủy Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau đó, ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Từ tháng 6-1987, ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

* Nguyễn Trọng Trí (Hàn Mặc Tử), sinh năm Nhâm Tý - 1912. Ông là nhà thơ, bút danh Hàn Mặc Tử. Quê ông ở Lệ Mỹ (Đồng Hới, Quảng Bình). Từ năm 1930-1931, ông làm thơ và bắt đầu có tiếng, nhất là một số bài thơ Đường luật như “Thức khuya”, được Phan Bội Châu khen là họa. Ông mất ngày 11-11-1940, hưởng dương 28 tuổi. Ông còn để lại cho đời nhiều tập thơ xuất sắc.

* Nguyễn Trọng Nhâm (Xuân Thủy), sinh năm Nhâm Tý - 1912. Ông là nhà hoạt động cách mạng, nhà thơ, bút danh Xuân Thủy. Năm 1932, ông tích cực hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông bị Pháp bắt giam nhiều lần nhưng vẫn đấu tranh trong nhà tù nên được trả tự do. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông lần lượt được đề cử giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ.

* Phạm Quang Thanh (Phạm Kiệt), sinh năm Nhâm Tý - 1912. Ông từng là Tư lệnh kiêm Chính ủy lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Ông tham gia cách mạng từ năm 1929, trong tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Năm 1931, ông  bị Pháp bắt, kết án tù chung thân, đày lên Buôn Ma Thuột. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông giữ chức vụ quan trọng trong Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an.

* Tôn Thất Tùng, sinh năm Nhâm Tý - 1912. Ông là bác sĩ y khoa, Anh hùng Lao động. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được cử làm Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn, Hà Nội. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm cố vấn phẫu thuật ngành quân y ở Bộ Quốc phòng. Năm 1947, ông làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Ông là đại biểu Quốc hội nhiều khóa liên tục.

Nguồn BBP

Tin cùng chuyên mục