Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Người dân không khỏi ngạc nhiên và sốc trước khái niệm mới của Trung tâm chống ngập TPHCM: “tụ nước” khi báo cáo về cơn mưa chiều 19-5 đã gây ngập như thế nào ở thành phố.
Nhiều người còn choáng hơn nữa trước lý giải của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải về “giá” và “phí”… khi nói về việc hoàn vốn cho các công trình xây dựng cầu, đường theo hình thức BOT.
Chưa nói đến việc dùng từ ngữ, khái niệm sai không thể chấp nhận ở các cơ quan công quyền, chỉ muốn nói mấu chốt của vấn đề không phải tên gọi “giá” hay “phí” mà là việc thu này còn nhiều bất hợp lý.
Nhà đầu tư không đầu tư xây dựng cầu, đường mới, chủ yếu chỉ duy tu, mở rộng các tuyến đường cũ nhưng thu tiền hoàn vốn như làm cầu, đường mới.
Nhiều trạm thu đặt không đúng vị trí, người dân không sử dụng cầu, đường mới hoặc có nhưng chỉ sử dụng đoạn ngắn vẫn phải trả tiền đầy đủ mà không có sự lựa chọn nào khác.
Và ngay cả với nhiều nhà đầu tư, việc chuyển từ “thu phí” sang “thu giá” để các doanh nghiệp được chủ động hơn như lời Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể nói, cũng không làm họ… sướng.
Bởi lẽ, nếu “thu phí” hay “thu giá” mà không nhận được sự đồng thuận của người dân, cũng rất mệt mỏi. Thực tế đã chứng minh tại nhiều trạm thu phí/thu giá trên cả nước, người dân đã phản đối quyết liệt các quyết định thu phí không hợp lý.
Trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) là một điển hình. Điều mà các doanh nghiệp chân chính mong muốn là một sự minh bạch…
Đành rằng nếu là “phí”, theo Luật Phí và lệ phí thì thủ tục quản lý chặt hơn. Mức “phí” hoàn vốn công trình đầu tư xây dựng cầu, đường ở địa phương như thế nào phải được HĐND cấp tỉnh hoặc TP trực thuộc trung ương thông qua và đã có trường hợp UBND cấp tương đương ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư song mức thu phí hoàn vốn không được HĐND thông qua.
Thế nhưng, vấn đề là ngành chức năng phải thay đổi cách làm: thống nhất các nội dung liên quan trước khi ký hợp đồng với nhà đầu tư chứ không phải bỏ đi sự giám sát của người dân mà đại diện là HĐND.
Và quan trọng hơn nữa, phải trả việc đầu tư mới về đúng bản chất của nó: xây dựng công trình cầu, đường mới. Người dân muốn đi nhanh thì chọn trả phí/giá để sử dụng công trình mới. Ngược lại, chấp nhận đi đường cũ…
Rõ ràng như thế thì mọi người ủng hộ. Lắt léo thay đổi khái niệm mà không sửa đổi được bản chất của vấn đề chỉ làm mọi thứ thêm rối, thêm phản cảm.
Với khái niệm “tụ nước”, người dân ngạc nhiên và sốc không chỉ bởi… quá lạ mà quan trọng hơn, bằng cách dùng khái niệm này dường như ngành chức năng đang né tránh một thực tế là tình trạng ngập ở TPHCM đã và đang đẩy cuộc sống của nhiều người dân vào tình cảnh khó khăn.
Đi lại nguy hiểm, công việc kinh doanh đình trệ do ngập nước. Chưa kể, các nguy cơ về bệnh tật rất cao bởi ngoài một số lưu vực như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé… đã cơ bản tách riêng được cống thoát nước mưa với cống thoát nước thải, còn lại hầu hết vẫn chung.
Điều này có nghĩa, thứ nước tràn ngập đầy đường dù cao chỉ vài tấc, kéo dài chưa tới 30 phút (được gọi là tụ nước, không phải ngập như Trung tâm chống ngập TPHCM dẫn tiêu chí của Bộ Xây dựng, đặt tên) vẫn là thứ nước mưa trộn lẫn nước thải.
Dù gọi tên là tụ nước hay ngập nước thì hậu quả của nó gây ra cũng đâu khác? Có thể ngành chức năng sẽ lý giải, xếp loại như vậy để có thứ tự ưu tiên trong việc phân bổ kinh phí xử lý bởi ngân sách TPHCM còn hạn hẹp.
Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, muốn chống ngập hiệu quả phải thực hiện theo lưu vực, không phải theo từng tuyến đường và cơ bản phải bắt đầu từ việc quy hoạch phát triển đô thị hợp lý, hợp quy luật của tự nhiên.
Trước đây, ngành giao thông cũng từng phân định “ùn tắc” và “ùn ứ” giao thông trong việc đánh giá tình hình giao thông ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. “Ùn tắc” là tắc hoàn toàn, không đi được; “ùn ứ” là vẫn nhúc nhích được…
Khái niệm của ngành chức năng đại khái là thế song với người dân, “rơi” vào khu vực bị ùn tắc hay ùn ứ giao thông, đều mệt mỏi. Người dân chỉ có một mong muốn: giao thông thông suốt. Trách nhiệm của ngành chức năng là cố gắng đáp ứng cho được điều đó.
Tất nhiên, người dân sẵn sàng hiểu và chia sẻ với ngành chức năng những khó khăn mà ngành gặp phải trong quá trình giải quyết vấn nạn ngập nước, kẹt xe hay đầu tư xây dựng công trình cầu, đường trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, thủ tục đầu tư còn nhiêu khê…
Thế nhưng, chỉ có sự nỗ lực của ngành chức năng mới là chìa khóa giải quyết các vấn đề. Giải thích lòng vòng, lắt léo, mang tính chất ngụy biện chỉ “đổ dầu thêm vào lửa”, khiến người dân càng mất lòng tin vào các cơ quan chức năng.
Nguồn SGGP