Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đảo Nhím ngày trở lại
Thứ bảy: 22:12 ngày 04/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong ký ức của những người cao niên đã từng làm ăn, sinh sống trên đảo Nhím, trước đây khu vực này có nhiều cây rừng và thú hoang dã. Sau khi xây dựng công trình thủy lợi Dầu Tiếng, cây rừng, thú rừng gần như tuyệt chủng. Những tháng gần đây, trên hòn đảo này, động vật, thực vật bắt đầu hồi sinh trở lại.

Theo lời kể của một vị cao niên từng sinh ra và lớn lên trên vùng đất này, gần 40 năm trước, nơi đây là thượng nguồn sông Sài Gòn với những cánh rừng già bạt ngàn và nhiều động vật quý hiếm sinh sống.

Sở dĩ hòn đảo này có tên là Đảo Nhím, là bởi vì thời ấy trên đảo có nhiều con nhím rừng sinh sống. Hằng ngày, chúng thường tập trung ra một dòng suối trên đảo uống nước. Ngoài ra, trên đảo còn có nhiều loài thú rừng khác sinh sống như mễn, heo rừng, chồn, sóc, chim, cò v.v…

Khi công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng xây dựng, hầu hết cây rừng bị đốn hạ lấy gỗ. Hiện nay, vào mùa nước hồ xả cạn, trên những vùng đất bán ngập còn nhô lên hàng trăm gốc cây cổ thụ đang trong quá trình mục ruỗng.

Đàn vịt trời tắm táp, rỉa lông.

Không còn những cánh rừng già, đời sống của các loại thú rừng cũng dần bị mất theo. Khi hồ Dầu Tiếng tích nước cao, những gò đất cao ở đây trở thành những hòn đảo, các loại thú rừng dồn về các hòn đảo ấy và dễ dàng trở thành mục tiêu săn bắt của người dân địa phương. Chính vì vậy, những năm gần đây, trên đảo Nhím không còn thấy bóng dáng của các loài nhím, mễn, chồn, sóc; có chăng chỉ còn một số loại chim, cò thường hay trú ngụ trên đọt cây cao, thỉnh thoảng một vài đàn chim di cư ghé qua đây tìm thức ăn và tạm nghỉ chân.

Năm 2017, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 1086/QĐ-UBND về việc cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xuân Cầu (gọi tắt là Công ty Xuân Cầu) thuê 431,9 ha đất trên đảo Nhím để thực hiện dự án đầu tư bảo vệ phát triển rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại đảo Nhím.

Thực hiện dự án này, những năm qua, Công ty Xuân Cầu từng bước cho trồng lại rừng ở những nơi đã bị người dân lấn chiếm đất để trồng mì, trồng cây ăn trái. Những hộ dân cất nhà trái phép trên trên đảo Nhím cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ di dời ra khỏi vùng đất quy hoạch dự án.

Chim bồ nông nuôi trên đảo Nhím.

Một ngày cuối tháng 3.2020, trở lại tham quan đảo Nhím, chúng tôi thấy những hộ dân cuối cùng vừa được hỗ trợ di dời ra vùng đất bán ngập trên đảo này đã ổn định cuộc sống. Xung quanh những căn nhà này dàn mướp đã đầy hoa, đàn gà cục ta cục tác đẻ trứng. Những con trâu, bò bụng no tròn đang nhởn nhơ nhai cỏ.

Trên những khoảnh đất trước đây người dân trồng mì trái phép, nay đã sang ủi bằng phẳng, sẵn sàng cho việc trồng cây rừng khi mùa mưa đến. Xa xa, những cánh rừng trồng trước đó một vài năm, nay cây rừng đã lên xanh tốt, dần phủ lại màu xanh trên đảo.

Đặc biệt, khiến chúng tôi thích thú nhất là trên đảo này bắt đầu xuất hiện nhiều loài thú đẹp. Trong quá trình lênh đênh trên ghe, chúng tôi thấy trên mặt hồ có một đàn vịt trời khoảng 4-5 con ngụp lặn dưới nước. Có lúc chúng bơi sát vào bờ tìm thức ăn; có lúc bơi ra vùng nước trong xanh tắm táp, rỉa lông. Anh Trần Thanh Hạnh- người có thâm niên hơn 30 năm trồng trọt, chăn nuôi trên đảo Nhím cho biết: “Mấy chục năm làm ăn ở đây, lần đầu tiên tôi thấy loài vịt trời này sinh sống ở đây”.

Du khách dễ dàng nìn thấy loài chim đại bàng trên đảo Nhím.

Quan sát kỹ, thấy đàn vịt chưa lớn lắm, chúng mới một vài tháng tuổi, chưa biết bay. Điều này có nghĩa là loài vịt trời này đã được sinh ra và lớn lên ở hồ nước này. Điều này cho thấy môi trường sống ở hồ Dầu Tiếng đã tốt hơn rất nhiều. Rất tiếc là chúng tôi không có điều kiện khảo sát hết công trình thủy lợi nhân tạo này để biết có bao nhiêu cá thể vịt trời đang sinh sống.

Trên đảo Nhím, có người đã và đang nuôi nhiều loài động vật khác. Ở khu vực đầu đảo Nhím có một trang trại nuôi loài hươu sao theo kiểu bán tự nhiên. Trong trang trại này có hai trại đang nuôi hàng chục cá thể hươu sao. Các trại đều được bao bọc bằng hàng rào lưới B40 với diện tích khá rộng. Bên trong hàng rào có cất nhà cho các con hươu sao trú mưa trú nắng. Phần diện tích còn lại là sân bãi cho chúng chạy nhảy, ăn, uống.

Ở khu vực gần bến đò, có một trang trại khác đang nuôi hàng chúc loài thú hoang dã, như chồn, cáo và nhiều loại chim như đại bàng, bồ nông, trích, chim trĩ, công, cò ốc, nhồng, sáo, khứu, hoành hoạch, hoàng yến v.v… Các loài thú này đang sinh trưởng khá tốt. Theo dự án đầu tư bảo vệ phát triển rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại đảo Nhím, một trong ba hạng mục chính là phát triển khu trồng rừng kết hợp với nuôi thả thú.

Đàn hươu sao sinh trưởng tốt trên đảo Nhím.

Trên hòn đảo này còn có người dân tên Bảo đầu tư nuôi ngựa. Hiện tại, anh Bảo đang nuôi hai chú ngựa cái khá cao lớn. Anh Bảo cho hay, anh mua hai chú ngựa này của một trang trại chuyên nuôi ngựa ở huyện. Giống ngựa này có nguồn gốc ở huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) chuyên được người dân nuôi để cung cấp cho trường đua ngựa Phú Thọ (TP. Hồ Chí Minh). Những năm gần đây, trường đua ngựa Phú Thọ ngưng hoạt động nên những chú ngựa đua này được bán đi khắp nơi dùng làm ngựa kéo xe, xẻ thịt, nấu cao v.v…

Thấy trên đảo Nhím đất rộng, có nhiều cỏ và có nhiều du khách đến tham quan nên từ đầu năm 2020, anh Bảo nảy ra ý định mua ngựa về nuôi để phục vụ du khách. Anh mua hai chú ngựa và một chiếc xe ngựa chuyên dùng chở khách ở Campuchia với số tiền hơn 120 triệu đồng. Hiện nay, mỗi chuyến xe ngựa của anh có thể chở được từ 5-6 người lớn đi tham quan trên đảo. Đoạn đường được du khách yêu thích nhất là từ bến đò đi đến trang trại nuôi hươu sao và các loại chim, cò.

Một trong hai chú ngựa của anh Bảo phục vụ du khách trên đảo Nhím.

Những tháng trước đây, thường xuyên có nhiều đoàn khách thuê xe ngựa tham quan những điểm này, mỗi chuyến, anh Bảo lấy tiền công 200 ngàn đồng. Bên cạnh đó, anh còn cho du khách thuê ngựa để cưỡi hoặc làm cảnh chụp hình với giá cả tùy theo thỏa thuận. “Gần một tháng nay, trước tình hình dịch bệnh Covid- 19, ít có khách tham quan nên tôi thả rong cho ngựa đi ăn cỏ, nghỉ ngơi”, chủ ngựa này chia sẻ.

Anh Bảo còn cho biết đang dự tính đầu tư nuôi thêm một vài con chim đà điểu để chúng sinh sản và cho du khách tham quan, cưỡi. “Tôi đã tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi loài đà điểu này rồi, thấy chúng cũng thích hợp với môi trường sinh sống trên đảo, chờ qua dịch bệnh Covid-19 tôi sẽ mua về nuôi thử nghiệm một vài con”, anh Bảo nói.

Người đàn ông này còn đang cân nhắc việc nuôi voi trên đảo Nhím. Anh Bảo bộc bạch, anh có người bạn ở Tây Nguyên, đang làm nghề nuôi voi. Bạn anh cho hay hiện đang có một vài con voi tơ có thể đem về nuôi trên đảo Nhím để phục vụ du khách. Tuy nhiên, anh chưa có thời gian tìm hiểu kỹ về môi trường sinh sống và giá cả nên chưa dám quyết định.

Theo Quyết định 1086 của UBND tỉnh Tây Ninh, tỉnh đồng ý cho Công ty Xuân Cầu thuê 4.319.144,9m2 đất tại đảo Nhím với thời gian 50 năm để thực hiện dự án đầu tư bảo vệ phát triển rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Dự án này có 3 hạng mục chính: Thứ nhất, khu resort nghỉ dưỡng sinh thái dưới tán rừng rộng 25 ha. Hạng mục này bao gồm các resort được thiết kế đầu tư xây dựng với các bungalow (nhà nhỏ một tầng), biệt thự và khu nghỉ thấp tầng nằm dưới tán cây bên mặt hồ, tôn trọng tối đa yếu tố riêng tư và thiên nhiên.

Thứ hai, các khu vui chơi, hoạt động thể thao, giải trí mặt nước. Đây là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt cộng đồng ngoài trời, phục vụ các hoạt động cắm trại, dã ngoại, thể thao vui chơi gần gũi thiên nhiên. Thứ ba là khu trồng rừng, nuôi thả thú. Đây được xem là phần cốt lõi của dự án, gắn mục tiêu phát triển du lịch, tham quan với công tác phục vụ nghiên cứu và bảo tồn đa dạng động, thực vật.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục