BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dạo quanh thị trường bánh, mứt phục vụ tết

Cập nhật ngày: 08/01/2016 - 10:37

Tiểu thương chưa dám nhập hàng vì lo ngại thị trường tiêu thụ chậm. (ảnh chụp tại Trung tâm thương mại Long Hoa, huyện Hoà Thành).

TIỂU THƯƠNG CHƯA MẠNH DẠN DỰ TRỮ BÁNH, MỨT

“Thời gian này của năm trước, thị trường bánh kẹo và hàng tiêu dùng tết nói chung sôi động hẳn. Năm nay thì đìu hiu quá”- bà Lê Thị Kim Ngân, chủ quầy bánh kẹo trong Trung tâm thương mại Long Hoa, huyện Hoà Thành than phiền. Thực tế, vào thời điểm hiện tại, lượng bánh, mứt tết về chợ khá chậm.

Tại Trung tâm thương mại Long Hoa- chợ đầu mối về thực phẩm, hàng tiêu dùng trong tỉnh, thị trường bánh, mứt chưa nhộn nhịp lắm, nhiều tiểu thương chưa bày trí hàng bán tết. Bà Ngân cho biết, gần đây đã có khá nhiều cơ sở sản xuất bánh, mứt chào hàng, nhưng bà không vội đặt vì sức mua còn yếu. Mặt khác, rút kinh nghiệm mùa tết trước, quầy hàng chỉ lấy về một số loại mứt được người tiêu dùng ưa chuộng như mứt gừng, sen, mãng cầu, me... để có thể tiêu thụ hết. Những năm trước bà cũng đóng sẵn hàng trăm giỏ quà tết đưa ra trưng bày, nhưng nay chỉ bày tượng trưng khoảng 5 - 7 giỏ làm mẫu, chờ diễn biến thị trường thuận lợi mới đóng gói tiếp.

Còn bà Kim Hương, kinh doanh bánh kẹo tết tại một chợ truyền thống chia sẻ, năm nay quầy hàng có tăng một số chủng loại bánh, mứt, nhưng so với năm rồi chỉ còn khoảng 50% cho bảo đảm không tồn kho sau tết.

Các cửa hàng tạp hoá cũng nhập hàng về từng đợt với số lượng nhỏ, không dám trữ hàng, đợi thêm vài ngày nữa, khi định lượng được sức mua thị trường mới nhập hàng thêm. Một Chủ cửa hàng tạp hoá tại chợ Trường Lưu, xã Trường Đông, huyện Hoà Thành cho biết, nhìn chung, giá cả các mặt hàng bánh kẹo tết tăng so với năm trước khoảng từ 10 - 20% do giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người kinh doanh e dè, thận trọng trong việc lấy hàng về.

Hiện, nhiều tiểu thương khẳng định họ không “mạnh tay” nhập, dự trữ hàng bánh, mứt phục vụ tết như các năm trước để bảo đảm an toàn trong kinh doanh.

BÁNH, MỨT “3 KHÔNG” XUẤT HIỆN NHIỀU NƠI

Hiện nay, tại các chợ, trong các loại bánh kẹo, mứt được bày bán có không ít loại “3 không”– không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng.

Cửa hàng X ở tầng trệt Trung tâm thương mại Long Hoa (huyện Hoà Thành) đang bày bán gần 100 mặt hàng bánh, kẹo, mứt, hạt dưa, hạt hướng dương, hạt điều... Trong đó có hơn 20 loại mứt được đổ vào rổ bày bán, không hề được đóng gói, không có nguồn gốc xuất xứ, cũng không hạn sử dụng. Bên cạnh đó, nhiều loại bánh kẹo không thương hiệu được đổ đống dưới sàn nhà, sau đó đóng vào bịch to, bán theo ký.

Trong vai người đi mua bánh, mứt để đưa về một xã biên giới kinh doanh, tôi được chủ của hàng X giới thiệu từng loại bánh kẹo tại sạp. Theo đó, kẹo có giá từ 40.000 – 55.000 đồng/kg, bánh từ 45.000 – 55.000 đồng/kg, mứt  có giá từ 50.000 – 150.000 đồng/kg tuỳ loại… Chủ cửa hàng này cho biết, hầu hết bánh kẹo, mứt, hạt các loại ở đây đều được bán theo ký, mua bao nhiêu cân bấy nhiêu chứ không có đóng gói sẵn. Khách mua về bán lại, muốn theo cân hoặc đóng gói nhỏ thì tuỳ ý.

Còn theo chủ cửa hàng T, nếu lấy số lượng lớn sẽ được tính giá sỉ rẻ hơn nhiều. Sau khi lấy hàng về, có thể đặt in nhãn mác, trong đó cho ghi xuất xứ, hạn sử dụng để đóng gói bán. Tâm lý người tiêu dùng thường chọn giá rẻ, nên miễn sao giá bán thấp một chút thì chẳng mấy người quan tâm tìm hiểu đến nhãn mác.

Tuy ngày càng có nhiều người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng cũng còn không ít người chỉ nhắm vào giá cả. Tết đang đến gần, điều mà người tiêu dùng cần quan tâm hàng đầu là an toàn vệ sinh thực phẩm, để không gặp phải tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Thanh Nhi - Vũ Nguyệt