BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đảo quốc nhỏ bé giữ vai trò ‘chiến trường’ trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung 

Cập nhật ngày: 24/11/2020 - 10:27

Là đảo quốc có quy mô dân số thuộc diện nhỏ nhất thế giới, nhưng Maldives đang nổi lên là điểm giữ vai trò quan trọng trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Ngoại trưởng Mỹ chuẩn bị lên máy bay ở Colombo, Sri Lanka để sang Maldives hôm 28/10. Ảnh: Reuters

Hơn một tháng qua là quãng thời gian bận rộn với Maldives. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm chính thức tới nước này hôm 28/10 đã công bố quyết định mở Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Male. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Shringla tới Maldives, ký hợp đồng tài trợ 100 triệu USD cho dự án phát triển hạ tầng kết nối Male với các đảo phụ cận.

Đó không phải là một sự tình cờ, bởi cả Mỹ và Ấn Độ đều đang quyết tâm cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc thông qua thiết lập hiện diện vững chắc ở Ấn Độ Dương, với Maldvies là một điểm chốt quan trọng.

Với một nước tài nguyên thiên nhiên hạn hẹp, dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu như Maldives, việc lọt vào tầm ngắm của các cường quốc có thể tạo ra những ưu thế tiềm năng. Thế nhưng đi cùng đó là những cạm bẫy. Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng, xung đột giữa Mỹ và Ấn Độ với Trung Quốc sẽ sớm qua đi, dù là tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Ladakh trên dãy Himalaya, eo biển Đài Loan hay Biển Đông. Maldives dường như sẽ chỉ vui mừng nếu như cạnh tranh chiến lược này bó hẹp trong phạm vi viện trợ và đầu tư.

Dễ dàng cảm nhận được tình thế nhạy cảm của Maldives khi nhìn vào các tuyến hàng hải quốc tế. Ấn Độ Dương từ lâu luôn được coi là “Con đường Tơ lụa trên biển” kết nối phương Đông với phương Tây, với nhiều di sản về thương mại và du lịch. Xét về mặt lịch sử, vùng biển này có giá trị chiến lược với phương Tây.

Dịch chuyển vai trò lịch sử đứt đoạn từ Anh, sang Mỹ rồi Ấn Độ ở khu vực này giúp Maldives gần như không chịu nhiều phiền phức từ Chiến tranh Lạnh, giúp đảo quốc này rảnh tay xử lý các khó khăn, tạo ra những thay đổi lớn về kinh tế, xã hội.

Tại thời điểm giành độc lập năm 1965, Maldives chỉ là một nhóm nhỏ các làng chài rải rác. Ngày nay, Maldives đã đạt tới vị trí nền kinh tế có mức thu nhập trung bình, nhờ vào sức mạnh của ngành du lịch quốc tế hạng sang. Tựu chung lại, Maldives là một trong những câu chuyện thành công ở Nam Á và thế giới Hồi giáo.

Vậy nhưng thập kỉ vừa qua lại là khoảng thời gian chứng kiến bước thay đổi địa chính trị nổi bật và lần này sự dịch chuyển quét qua khu vực với Maldvies nằm ở “tâm bão”. Trung Quốc với sáng kiến tham vọng “Vành đai và Con đường” (BRI) tìm cách kết nối đại lục với các nền kinh tế ở lục địa Á-Âu và Ấn Độ Dương. Dưới tác động này, Maldives, đặc biệt là trong giai đoạn cầm quyền 2013-2018 của Tổng thống Abdulla Yameen, đã tiếp nhận dòng vốn đầu tư, vốn vay trị giá nhiều tỉ USD ồ ạt đổ vào từ Trung Quốc.

Đây cũng là thời kỳ thế giới được chứng kiến một Trung Quốc theo đuổi chính sách đối ngoại mạnh bạo hơn, với tuyên bố muốn chấm dứt một giai đoạn mà Bắc Kinh gọi là “một thế kỉ bị áp bức” dưới tay các cường quốc thực dân. Điểm then chốt trong chính sách này chính là phục hồi vị thế xứng đáng cho Trung Quốc trong trật tự toàn cầu.

Đảo quốc Maldives yên bình, thơ mộng đang nằm trong tính toán của các nước lớn. Ảnh: Getty Images

Mỹ xem đây là mối đe dọa trực tiếp đối với thế thống trị về kinh tế, công nghệ và quân sự của Mỹ trên thế giới và không có gì là ngạc nhiên khi Washington phản kháng mạnh mẽ. Luồng quan điểm cứng rắn từ thời Tổng thống Barack Obama đã được nhân lên gấp đôi khi ông Trump lên nắm quyền và mọi tín hiệu cho tới thời điểm này đều cho thấy quan hệ Mỹ-Trung vẫn sẽ căng thẳng dưới thời ông Joe Biden.

Ấn Độ từ chỗ hào hứng phát triển quan hệ kinh tế hài hòa với Trung Quốc giờ cũng chuyển sang chia sẻ lo ngại với Mỹ. Đó cũng là tình cảnh của một số đồng minh chủ chốt của Mỹ tại khu vực như Australia hay Nhật Bản. Đây cũng chính là bốn nước thuộc nhóm “Bộ tứ kim cương”, với mục tiêu cao nhất là lôi kéo, kết nối được càng nhiều các quốc gia ở Ấn Độ Dương càng tốt.

Maldives, với vị trí chiến lược và là điểm tiếp nhận vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc, lẽ đương nhiên thuộc diện ưu tiên hàng đầu trong danh sách các nước mà Mỹ và Ấn Độ muốn kéo phe. Quan hệ Ấn Độ-Maldives luôn hữu hảo, nhưng sự hào phóng của New Delhi dành cho đối tác hiện mới đạt đỉnh cao mới.

Dù phải vật lộn với khó khăn kinh tế do COVID-19 gây ra, nhưng Ấn Độ vẫn đồng ý cấp cho Maldives khoản tín dụng 250 triệu USD và sự trợ giúp này xuất hiện ở thời điểm không thể phù hợp hơn: Nền kinh tế dựa nhiều vào du lịch của Maldives suy giảm 30% cũng do COVID-19.

Đầu tư, viện trợ từ bên ngoài giúp thúc đẩy ổn định chính trị ở Maldives. Nhưng lợi ích mà nước này thu được từ cạnh tranh nước lớn sẽ phụ thuộc vào hai nhân tố. Một là, chính quyền phải tiếp tục duy trì được khả năng điều hành vững mạnh, bởi nếu không tiền đổ vào nhiều sẽ chỉ tạo ra những bất ổn chính trị, tài chính.

Kế đến là nguy cơ Maldives và một số nước, vùng lãnh thổ phụ cận ở Ấn Độ Dương trở thành địa điểm đóng trú, tăng cường tiềm lực quân sự của các cường quốc. Nếu khả năng này thành hiện thực, kinh tế du lịch của Maldives sẽ chịu thiệt hại lớn, cùng với đó là việc nước lớn gia tăng can thiệp vào chính trị nội bộ của Maldives.

Cạnh tranh Mỹ-Trung tại khu vực có thể bùng phát bất kỳ lúc nào và Maldives cần phải bám sát đường hướng, diễn tiến trong cơn bão sắp tới.

Nguồn Báo Tin tức (The National)