Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Việc đổi mới chương trình học nằm trong lộ trình đổi mới giáo dục thời gian qua đã được Bộ GD - ĐT tiến hành lấy ý kiến các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, nhà giáo… Hàng loạt giải pháp đồng bộ đã và đang được Bộ GD - ĐT thực hiện. Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển (ảnh) trong dịp trao đổi với báo chí về việc thực hiện đổi mới chương trình học giáo dục phổ thông.
|
* Thưa ông, chương trình học mới có nằm trong lộ trình đổi mới giáo dục không ?
Bộ GD - ĐT đã tiến hành phân tích, tổng kết, đánh giá chương trình và sách giáo khoa hiện hành so với mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội khóa X và yêu cầu mới của Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 88, nhằm nhận diện đúng thực trạng, thành tựu và hạn chế của công tác biên soạn, tổ chức thực hiện chương trình, sách giáo khoa giai đoạn vừa qua, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp khoa học, khả thi làm cơ sở xác định nguyên tắc, nội dung và định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo.
Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển chương trình, biên soạn sách giáo khoa trên thế giới; tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các trường đại học nước ngoài; mời các chuyên gia quốc tế tham gia báo cáo, trình bày tại các hội nghị, hội thảo, tập huấn về phát triển chương trình, biên soạn sách giáo khoa… Như vậy công việc này nằm trong lộ trình đổi mới giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
* Việc đổi mới chương trình học mới đòi hỏi ngành giáo dục phải triển khai những giải pháp đặc biệt nào, thưa ông?
Bộ GD - ĐT đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về đổi mới việc thực hiện và quản lý xây dựng chương trình, sách giáo khoa, làm cơ sở cho việc nghiên cứu và áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.
Bước đầu, công việc này đã đạt được một số thành công như: Giao quyền tự chủ xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường phổ thông; mô hình trường học mới ở Tiểu học và Trung học cơ sở; thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn của học sinh trung học; đổi mới dạy học ngoại ngữ ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo; đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30; đánh giá học sinh phổ thông trên diện rộng theo quốc tế (PISA, PASEC);
Khởi động trang mạng “Trường học kết nối” phục vụ rộng rãi các hoạt động dạy, học, thi, bồi dưỡng giáo viên; đổi mới thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng đánh giá năng lực, bảo đảm khách quan, giảm áp lực, góp phần đổi mới dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục…
Đặc biệt, Bộ đã chỉ đạo 7 trường đại học sư phạm trọng điểm tham gia đóng góp xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, chủ động tham gia nghiên cứu, chú trọng đổi mới công tác đào tạo, đào tạo lại giáo viên một cách toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình và sách giáo khoa mới; tích cực phối hợp với các trường phổ thông chuẩn bị nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu phát triển năng lực.
Đồng thời, huy động đông đảo đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục ở các trường phổ thông, trường đại học, viện nghiên cứu… tham gia thiết kế, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Cho đến thời điểm này, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao. Bộ GD - ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện để đưa ra thảo luận, xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội.
Thời gian tới, Bộ GD - ĐT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, các cơ sở giáo dục trong toàn ngành về các nội dung đổi mới, đồng thời, tuyên truyền rộng rãi để các tầng lớp nhân dân có đầy đủ thông tin, tạo sự đồng thuận trong nhận thức cũng như hành động về các chủ trương, định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Bộ sẽ tiếp tục phát hiện, bổ sung thêm lực lượng tham gia xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa; hoàn thiện và công bố công khai, minh bạch tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn người tham gia Ban biên soạn chương trình, sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định chương trình, sách giáo khoa;
Làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bàn bạc, thống nhất, đảm bảo hoàn thành đúng lộ trình và có chất lượng Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguồn Báo Tin tức