Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đại đa số lao động chưa tìm được việc làm từ nghề mà họ được đào tạo.

Đào tạo nghề phải gắn với cải thiện cuộc sống, tức là người lao động sau khi được học nghề có thể kiếm sống bằng chính nghề mình được đào tạo. Đó là mục tiêu chung của việc mở hàng loạt các lớp đào tạo nghề cho người lao động nông thôn từ nguồn ngân sách Nhà nước. Nhưng thực tế cho thấy, việc đào tạo nghề nhất là đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, tính hiệu quả không cao. Trong đó phải kể đến việc các ngành nghề được lựa chọn đưa vào đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu địa phương.
Một vị làm trong ngành Lao động- Thương binh và Xã hội ở huyện Gò Dầu có vẻ bức xúc khi nêu lên thực trạng: hiện nay, đại đa số lao động chưa tìm được việc làm từ nghề mà họ được đào tạo.
Nhiều địa phương đều cho ra những con số thống kê về số người tìm được việc sau khi học, nghe rất đáng phấn khởi. Tuy nhiên, nếu để ý một chút sẽ thấy liệu có mâu thuẫn chăng khi trong thực tế, đại đa số các ngành nghề lao động nông thôn được đưa vào đào tạo thời gian qua chưa giúp người học nghề cải thiện cuộc sống? Nói nôm na là học xong không làm gì được.
![]() |
Các học viên tại một lớp trồng rau sạch |
Qua khảo sát ở các địa phương, hiện nay đa số các lớp dạy nghề được mở là trồng rau mầm, rau sạch, chăn nuôi bò, ếch, đan giỏ… Sau khi được đào tạo, người lao động chủ yếu phục vụ gia đình hoặc học rồi… để đấy. Lợi ích của người được học nghề có khi chỉ dừng lại ở mức- nói như lời một cán bộ Hội Phụ nữ ở một xã của huyện Tân Châu thì: “Học viên có thể… trồng rau cho gia đình mình ăn”. Chị cán bộ phụ nữ ở một xã thuộc huyện Châu Thành cho biết: “Sau khi Hội mở lớp đào tạo nghề trồng nấm cho chị em thì đại đa số chị em… không làm nghề vì không có vốn”.
Không có vốn theo nghề cũng là tình hình chung của nhiều người theo học nghề dành cho lao động ở nông thôn. Bởi đối tượng hướng tới của các chương trình đa số đều là người nghèo hoặc cận nghèo vốn đầu tư để làm nghề là cửa ải mà họ khó lòng vượt qua.
Vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm cũng khiến các địa phương bức xúc khi các lớp trồng rau, trồng nấm được mở đại trà. Người nông dân biết làm gì khi không thể bán sản phẩm mình làm ra, do không có thị trường? Một cán bộ Hội Phụ nữ xã Tân Thành (Tân Châu) cho biết: “Các lớp rau mầm rất thu hút chị em tham gia, vì dễ thực hiện, thời gian ngắn, giá cả lại cao (nếu bán được). Nhưng rau mầm còn khá lạ với nông dân địa phương nên việc tìm đầu ra là rất khó”. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nghề đan lục bình. Trước đây, Hội Phụ nữ huyện Bến Cầu mở một lớp dạy nghề đan lục bình cho khoảng 40 học viên. Nhưng khi học xong nghề, chị em đành… ở không vì sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ.
Về phương pháp đào tạo cũng còn có điều phải cân nhắc nữa là cách dạy nghề hiện nay chưa sát thực tế, chưa phù hợp đối tượng. Giáo trình đào tạo khá nặng về lý thuyết trong khi đại đa số người tham gia học nghề có trình độ thấp, thậm chí có người còn không biết chữ. Một cán bộ phụ nữ của huyện Bến Cầu kể rằng: “Khi giao chỉ tiêu về các xã thì không nơi nào nhận. Vì hiệu quả đào tạo nghề chưa cao nên không thu hút được học viên”.
Việc vận động người dân đến lớp học nghề ở một số nơi cũng khá gian nan vì nhiều bà con không hiểu hết mục đích của việc đào tạo nghề. Có người vẫn so đo, tính toán: “Đi học cả ngày chỉ được cấp 15.000 đồng trong khi đi làm mướn được 100.000 đồng”.
Có lẽ mỗi nơi cần phải nhìn nhận lại, đánh giá lại cho đúng nhu cầu thực tế địa phương mình để thực hiện công tác đào tạo nghề cho phù hợp, khắc phục tình trạng mở lớp đào tạo nghề vì chạy theo chỉ tiêu kế hoạch. Đã có ý kiến cho rằng: nên chăng có thêm những nghề được đào tạo theo hướng dài hơi như các nghề điện tử, vi tính… hướng đến nhóm đối tượng trình độ cao hơn vì hiện tại số lao động nông thôn tốt nghiệp THPT không phải hiếm.
Dù sao, cũng phải thừa nhận vẫn có một số người đã có việc làm ổn định sau khi qua lớp đào tạo nghề, như nghề cạo mủ cao su chẳng hạn. Nhưng đó chỉ là số ít, chưa thấm vào đâu so với số không tìm được việc làm phù hợp sau đào tạo.
Cần có một cách làm thật khoa học, hướng tới nhu cầu và lợi ích của người tham gia. Công việc này rất cần sự hợp tác chặt chẽ của các cấp, ban ngành, đoàn thể xã hội trong thực hiện để tránh những chệch choạc như trong thời gian qua. Theo ước tính, hằng năm con số các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn vào khoảng vài trăm, với số lượng học viên lên đến hàng ngàn người, kinh phí bỏ ra không hề nhỏ. Thế nên thật đáng để “xót ruột” nếu như phải tốn kém bao công sức, tiền của mà không đem lại được những lợi ích thiết thực đúng như mong muốn.
ĐÀO NAM