Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Chậm và… lúng túng
Thứ hai: 10:29 ngày 10/10/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân đang gặp nhiều lúng túng, nông dân chỉ thích lao động theo kiểu “mì ăn liền” nên cơ sở đào tạo gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai…

Kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân đang gặp nhiều lúng túng, nông dân chỉ thích lao động theo kiểu “mì ăn liền” nên cơ sở đào tạo gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai, một số địa phương đã không mở được số lớp như đã đăng ký ban đầu… Đó là những ý kiến được đại diện 9 huyện, thị nêu lên tại hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm 2011 do UBND tỉnh tổ chức bàn về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1965/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ được tổ chức hôm 7.10 vừa qua.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Phòng Dạy nghề thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) thông tin cho biết: tính đến cuối tháng 9.2011, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 31 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, trong khi theo kế hoạch của Sở LĐ-TB&XH thì năm 2011, toàn tỉnh có tổng cộng 182 lớp với hơn 5.000 học viên. Như vậy, tính đến thời điểm này, mới chỉ đạt hơn 17% kế hoạch. Hiện nay, các Phòng LĐ-TB &XH trong tỉnh đều đã có một biên chế chuyên trách công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các huyện, thị trong tỉnh cũng đã huy động được một số người có tay nghề, có kinh nghiệm tham gia đào tạo nghề. Các cơ sở dạy nghề đang lập kế hoạch mua sắm thiết bị dạy nghề để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Về mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức ở xã phường, ông Nguyễn Văn Quê, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Sở này đã ký kết với ngành chức năng tiến hành mở 7 lớp bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp và ứng xử công vụ cho 350 học viên ở 7 huyện, thị.

Học viên Trường trung cấp Nghề trong giờ thực hành

Học may mà không có máy

Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Trảng Bàng, ông Văn Văn Khoai nhìn nhận: việc tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện của ông vẫn còn lúng túng. Tại Trảng Bàng, Đoàn thanh niên có đăng ký mở một số lớp nhưng không có học viên nào đến học. So với kế hoạch, Trảng Bàng còn 5 lớp chưa mở được và có khả năng không mở được, nghĩa là số lao động được đào tạo sẽ khó đạt chỉ tiêu đăng ký. Cũng theo ông Khoai, người lao động nông thôn chỉ thích lao động theo kiểu “mì ăn liền”: sáng làm trưa lĩnh “tiền tươi”! Bà Nguyễn Thị Ngọc Phương, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Dương Minh Châu nêu lên những khó khăn trong việc mời giáo viên về dạy nghề cho nông dân vì quãng đường di chuyển xa, trong khi thù lao lại thấp. Trong số 10 lớp đăng ký, hiện huyện mới mở được 4 lớp. Một trong những khó khăn chưa tháo gỡ được của huyện Dương Minh Châu là: mặc dù có đăng ký đào tạo nghề may công nghiệp nhưng hiện tại máy may chưa có. Điều này cũng diễn ra ở huyện Châu Thành. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Lam cho biết: Châu Thành không thể mở các lớp may công nghiệp vì cả giáo viên lẫn phương tiện đều thiếu. Ông Lam cũng đề nghị sớm được cấp vốn để mở lớp thí điểm dạy nghề trồng lúa giống và nghề xây dựng tại xã Phước Vinh. Theo nhận xét của ông, nhìn chung việc triển khai đào tạo nghề cho nông dân còn chậm, chưa có chuyển biến rõ nét.

Ở huyện Tân Châu, theo bà Ngô Thị Lợi, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH: huyện đã mở được 10 lớp (kế hoạch là 47 lớp). Việc đào tạo nghề cho nông dân bị lệ thuộc bởi mùa vụ. Theo tính toán, tổng số tiền để chi cho dạy nghề ngắn hạn của Tân Châu vào khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng huyện chỉ mới nhận được hơn 400 triệu. Ông Lê Huy Nhiều, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH Tân Biên cho rằng do kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn được triển khai chậm nên phải chạy đua cho kịp thời gian! Hiện có một thực tế là cán bộ xã hầu như chưa nắm được hoặc chỉ hiểu một cách “lơ mơ” về chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiện Tân Biên mở được 7/15 lớp, ông Nhiều cũng đề nghị cấp trên sớm chuyển kinh phí về cho địa phương để hoạt động. Đại diện huyện Hoà Thành phản ánh: việc thu hút nông dân đến lớp học nghề gặp không ít khó khăn, nguyên nhân xuất phát từ suy nghĩ của bà con: đi làm hằng ngày có thu nhập cao hơn đi học! Riêng tại Thị xã, theo báo cáo: địa phương này mới mở được hai lớp cạo mủ cao su, còn hai lớp đào tạo trồng rau sạch chưa mở được vì số học viên quá ít. Về giáo viên dạy nghề cho các lớp này, Thị xã đang phải thuê người từ Châu Thành đến.

Cân nhắc kỹ khi mua sắm phương tiện

Các thành viên Ban Chỉ đạo đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh đã lưu ý như trên, nói như ông Võ Thành Lập- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ là để tránh trường hợp thiết bị mới mua về đã lạc hậu. Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đề xuất: các huyện ở gần kề nhau có thể hoán đổi, luân chuyển các loại phương tiện để tiết kiệm. Nếu huyện nào cũng mua một loại thiết bị như nhau thì quá lãng phí. Ông Sơn cũng cho rằng, kết quả sau đào tạo mới là quan trọng nhất, không nên đào tạo một cách tràn lan theo kiểu “họ đào tạo nghề gì, mình cũng đào tạo nghề ấy”. Theo ông Dương Văn Phú, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH – cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thực thi chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn: các địa phương cần mạnh dạn loại bỏ những nghề không có triển vọng. Ông cho rằng đào tạo nghề cho nông dân là đào tạo ngắn hạn nên trang thiết bị cũng đơn giản chứ không thể chính quy hiện đại như ở trường nghề. Vấn đề kinh phí, ông Nguyễn Trúc Phương, Phó giám đốc Sở Tài chính cho biết: nguồn vốn đã được chuẩn bị, chỉ trong một hai ngày nữa, các huyện thị sẽ nhận được.

Trong phần phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thảo yêu cầu các địa phương lưu ý: đào tạo nghề phải thật sự có hiệu quả chứ không chạy theo thành tích.

VIỆT ĐÔNG

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục