Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Châu Thành: Cái khó sau học nghề: vốn và đầu ra sản phẩm
Thứ ba: 04:01 ngày 23/04/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tây Ninh đã chọn Châu Thành là huyện điểm trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Sau 2 năm triển khai thực hiện, Đề án đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

HTML clipboard

Ông Tha trong vườn rau nhà mình

(BTN) - Điều mà nhiều hộ sản xuất ở nông thôn đang cần là các ngân hàng nói chung, ngân hàng Chính sách xã hội nói riêng bổ sung nguồn vốn Quỹ quốc gia Hỗ trợ việc làm để lao động nông thôn sau học nghề được vay vốn sản xuất nhiều hơn. Đồng thời ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng cần có phương án giúp người dân giải quyết khâu đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng được mùa lại bị ép giá.

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (gọi tắt là Đề án 1956) là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng về học nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề phục vụ sản xuất, chăn nuôi, giúp họ tự tìm việc làm hoặc có thể làm thêm từ nghề được học để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Thực hiện Đề án 1956, Tây Ninh đã chọn Châu Thành là huyện điểm trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Sau 2 năm triển khai thực hiện, Đề án đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Hộ ông Trần Văn Tha, ấp Tầm Long là một trong nhiều hộ gia đình ở xã Trí Bình nói riêng và huyện Châu Thành nói chung sống bằng nghề trồng rau. Ông Tha có khoảng gần 2 công đất vườn, trong đó ông dành 1,3 công để trồng rau, tuỳ theo mùa mà trồng rau dền, mồng tơi hay cải xanh… Vào giữa năm 2012, ông Tha tham gia lớp học nghề trồng rau do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với xã Trí Bình tổ chức. Qua lớp học, ông có dịp hiểu rõ hơn về kỹ thuật trồng rau, nhất là cách chăm sóc, phòng ngừa sâu rầy. Ông cho biết: “Sau khi tham gia lớp học, tôi nắm rõ hơn về cách chăm sóc, bón phân... cho rau. Tôi đã ghi chép cẩn thận để biết cách phòng ngừa sâu cho rau tuỳ theo từng loại rau, từng mùa phù hợp với điều kiện thời tiết. Nhờ vậy, những luống rau nhà tôi luôn tươi tốt, phát triển khá nhanh”. Hiện 1,3 công đất trồng rau của ông Tha cho thu hoạch khoảng 70 ký/ngày. Rau được bỏ mối cho thương lái một phần, phần còn lại mang bán ở chợ Cao Xá, thu nhập bình quân khoảng 300.000 đồng/ngày, trừ các chi phí, tính ra gia đình ông Tha cũng kiếm được hơn 5 triệu đồng/tháng.

Ở ấp Bình Long, xã Thái Bình có hộ bà Hồ Thị Nhớ chuyên nghề chăn nuôi gà. Mặc dù đã làm nghề này qua nhiều năm và đã có ít nhiều kinh nghiệm, nhưng bà vẫn đăng ký tham dự lớp học chăn nuôi gia cầm do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành phối hợp với Hội Phụ nữ xã Thái Bình tổ chức, bởi theo suy nghĩ của bà: “Trước đây mình nuôi gà theo kinh nghiệm là chính, chưa hiểu rõ về kỹ thuật chăm sóc nên kết quả chưa cao. Lớp học giúp tôi hiểu rõ cách nuôi, chăm sóc và cách phòng dịch cho gà”. Bà Nhớ nuôi 100 con gà mái giống. Ngoài số trứng gà do gà nhà đẻ mỗi ngày khoảng 60 - 70 trứng, bà còn mua thêm trứng cho vào lò ấp. Mỗi tuần bà xuất khoảng 400 con gà con, cung cấp cho các hộ gia đình ở các xã trong huyện và một số hộ ở Tân Châu, Tân Biên. Bình quân mỗi tháng bà Nhớ kiếm được khoảng 6 - 7 triệu đồng.

Đối với khoảng 30 hộ dân ở xóm ven sông, phía dưới chân cầu Nổi, thuộc ấp Thanh Phước, xã Thanh Điền thì nghề nuôi cá lồng cũng là cái nghề có thể ăn nên làm ra. Anh Nguyễn Văn Nhượng- Tổ trưởng Tổ nuôi cá lồng bè ở đây cho biết: “Nghề nuôi cá lồng bè đã giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ xây được nhà khang trang, sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh…”.

Qua 2 năm, Châu Thành đã tổ chức 87 lớp đào tạo nghề cho LĐNT  với 2.625 học viên. Các ngành nghề đào tạo gồm: khai thác mủ cao su, kỹ thuật chăn nuôi bò, nuôi cá nước ngọt, trồng rau sạch, chăm sóc cây cảnh vv…vv… Số lao động có việc làm đạt tỷ lệ 1.993/2.625, chiếm hơn 75,9%.

Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng không nhỏ học viên qua đào tạo nghề chưa có việc làm, số này chiếm hơn 24% số được đào tạo. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khanh- Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành cho rằng: “Một số xã chưa xác định được cơ cấu lao động, chọn ngành nghề chưa phù hợp với nhu cầu thực tế nên lao động sau đào tạo chưa tìm được việc làm phù hợp. Đối với lao động sau khi đào tạo có nhu cầu đi làm công thì đa số tự tìm việc là chính, chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong khâu tạo việc làm, giới thiệu việc làm. Những học viên sau khi đào tạo muốn sản xuất tại nhà thì lại thiếu vốn, thiếu quỹ đất”. Xung quanh vấn đề này, anh Nhượng cũng bày tỏ: “Thiếu vốn sản xuất là việc thường gặp đối với dân làm nghề chúng tôi”.

  Một trong những lo lắng của nhiều hộ làm kinh tế gia đình ở nông thôn là khâu đầu ra của sản phẩm. Không ít hộ làm ra sản phẩm đã bị ép giá hoặc bí thị trường tiêu thụ. Theo lời ông Tha: “Sau khi học nghề thì gia đình tôi được vay 10 triệu đồng để phát triển sản xuất nhưng khó khăn nhất bây giờ vẫn là khâu đầu ra sản phẩm. Gia đình tôi còn đất để trồng rau và có thể sản xuất rau nhiều hơn nhưng làm nhiều lại lo không có chỗ bán, cung vượt cầu thì dễ thua lỗ”. Nhiều lần, ông Tha đã tự đi tìm đầu ra cho nguồn rau của mình ở các chợ đầu mối, thậm chí ở các siêu thị cả ở Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh nhưng đều không được vì yêu cầu chất lượng của họ rất nghiêm ngặt và nhu cầu lại lớn mà đối với hộ sản xuất gia đình thì khó mà đáp ứng đầy đủ. 

Điều mà nhiều hộ sản xuất ở nông thôn đang cần là các ngân hàng nói chung, ngân hàng Chính sách xã hội nói riêng bổ sung nguồn vốn Quỹ quốc gia Hỗ trợ việc làm để LĐNT sau học nghề được vay vốn sản xuất nhiều hơn. Đồng thời ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng cần có phương án giúp người dân giải quyết khâu đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng được mùa lại bị ép giá.

V.Đ.L

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục