Ở Trảng Bàng, theo kế hoạch, năm 2011 huyện sẽ
mở các lớp dạy nghề trồng nấm, nuôi cá nước ngọt, khai thác mủ cao su, chăm sóc
cây cảnh, điện dân dụng, trồng rau an toàn, đan lát, thêu ren, nuôi ba ba, chăn
nuôi bò và cả nghề dạy nấu ăn. Sẽ có khoảng 990 người theo học các ngành nghề
này. Tổng kinh phí chi cho các lớp đào tạo khoảng gần 1 tỷ đồng, trong đó nguồn
ngân sách của địa phương chiếm hơn 500 triệu.
Ở Tân Biên các lớp nghề sẽ mở gồm: trồng nấm các
loại, nuôi cá nước ngọt, khai thác mủ cao su, điện dân dụng, trồng rau sạch,
chăm sóc cây cảnh, lái ô tô, lắp ráp, cài đặt máy tính. Tổng số theo học:
khoảng 450 người, tổng chi phí được hạch toán là hơn 513 triệu đồng.
Còn ở Tân Châu sẽ có các lớp dạy nghề cạo mủ cao
su, trồng nấm, trồng rau sạch, trồng rau mầm và kỹ thuật máy tính với 1.350
người theo học. Tổng kinh phí chi cho việc đào tạo là hơn 1,3 tỷ đồng.
 |
Lớp học nghề của
Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh |
Thực ra, lâu nay việc đào tạo nghề ngắn hạn cho
lao động nông thôn trong tỉnh cũng đã được thực hiện tại các địa phương. Qua đó
cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra. Trước tiên là khả năng tiếp thu hạn chế của học
viên do trình độ của lao động nông thôn nhìn chung là không cao. Phần lớn học
viên là lao động chính trong gia đình, điều kiện kinh tế khó khăn nên họ phải
vừa học vừa tham gia lao động kiếm sống, vì thế việc bảo đảm sĩ số lớp học cũng
như chất lượng đào tạo là rất khó. Mặt khác, số lượng nghề được đem ra dạy cho
lao động nông thôn quanh đi quẩn lại cũng chỉ có những nghề đã quá quen thuộc,
chưa mở rộng thêm được các nghề mới. Sau khi được đào tạo, học viên tuy có đem
ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao.
Chẳng hạn như các nghề nuôi cá nước ngọt, nuôi ếch, điện dân dụng… Cũng phải kể
đến những khó khăn do giá cả thị trường thường xuyên biến động, thất thường
khiến người sản xuất, kinh doanh bị lỗ. Đào tạo nghề gì, học xong làm
được gì… là những câu hỏi chưa dễ trả lời.
Ngày 5.5.2011, tại Hội nghị toàn quốc sơ kết một
năm thực hiện Quyết định số 1956/ QĐ- TTg ngày 27.11.2009 của Thủ tướng Chính
phủ về đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tổ chức ở Hà Nội, Phó Thủ
tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến chỉ đạo các địa phương trong cả nước phải
tích cực triển khai đề án này. Theo chỉ đạo, trước tháng 6.2011, các địa phương
có trách nhiệm hoàn thành phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện đề án đào tạo
nghề cho lao động nông thôn. Công tác giám sát, thông tin truyền thông, bố trí
nhân sự cho kế hoạch đào tạo nghề cần phải được quan tâm thoả đáng. Để thực hiện
tốt kế hoạch này, các địa phương phải đảm bảo “4 có”: có ban chỉ đạo cấp tỉnh,
huyện, xã và chương trình hoạt động đào tạo nghề giai đoạn 2011 – 2015; có quy
hoạch phát triển nhân lực địa phương, hằng năm phải điều tra nhu cầu học nghề
của lao động nông thôn; có danh sách các cơ sở dạy nghề của tỉnh và các tỉnh
giáp ranh cần huy động tham gia để dạy nghề cho địa phương; có chương trình dạy
nghề và hỗ trợ việc làm trên địa bàn.
Ngoài “4 có” mỗi địa phương còn phải đảm bảo cho
người lao động “4 biết”, gồm: biết địa chỉ cơ sở dạy nghề; biết nội dung và
chính sách hỗ trợ của đề án qua các phương tiện thông tin; biết địa chỉ cơ sở
dạy nghề liên quan đến nghề mình muốn theo học; biết địa chỉ có thể làm việc
sau khi học nghề và mức thu nhập khi làm việc.
So với thời hạn mà Chính phủ đưa ra thì việc
triển khai kế hoạch thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tây
Ninh còn rất chậm. Theo ông Bùi Thanh Sơn- Trưởng Phòng dạy nghề thuộc Sở
LĐ-TB&XH, hiện cơ quan này vẫn đang chờ kế hoạch của các huyện còn lại, ngoài 3
huyện Trảng Bàng, Tân Biên và Tân Châu, để tổng hợp thành bản kế hoạch hoàn
chỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt. Lúc đó mới có thể định hình bức tranh đào tạo
nghề cho lao động nông thôn năm 2011. Sau khi có kế hoạch chung của cả tỉnh, 9
huyện, thị sẽ căn cứ vào đó để triển khai đào tạo nghề. Theo dự kiến, có thể đến
đầu tháng 8 tới, các huyện, thị sẽ chính thức mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho
lao động nông thôn năm 2011. Thời gian đào tạo chỉ kéo dài khoảng 2 tháng (riêng
đào tạo nghề lái xe thời gian sẽ lâu hơn).
Theo đề án dài hạn về đào tạo nghề cho lao
động nông thôn của UBND tỉnh: giai
đoạn từ năm 2011- 2015, Tây Ninh sẽ có 33.000 lao động nông thôn và cán bộ xã
được học nghề. Trong đó, số người học nghề phi nông nghiệp khoảng hơn 16.000. Tỷ
lệ người có việc làm sau học nghề là 70%. Giai đoạn từ năm 2016 – 2020: tiếp tục
đào tạo nghề cho 33.000 người còn lại, số lao động nông thôn được đào tạo nghề
phi nông nghiệp cũng tương đương với giai đoạn 1. Tỷ lệ có việc làm sau khi học
nghề đạt ít nhất 80%.
Đối tượng được ưu tiên học nghề là người
nghèo, người bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế, người dân tộc thiểu
số và cán bộ xã.
|
Đ.V.T