Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giáo dục lao động xã hội có gì bất cập ?
Thứ hai: 18:16 ngày 26/12/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Qua 3 năm (2013-2015) thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 17.103 người, số lao động nông thôn tốt nghiệp có chứng chỉ nghề là 12.694 người, chiếm tỷ lệ 74,22%, số lao động có việc làm sau khi học nghề là 9.520 người, chiếm tỷ lệ 75% so với tổng số lao động tốt nghiệp có chứng chỉ nghề (mục tiêu đề ra ít nhất 70% có việc làm).

Học viên lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Châu Thành thực hành cạo mủ cao su. Ảnh: Đ.V.T

Tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, đại biểu HĐND đã chất vấn Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) một số nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của ngành: “Tây Ninh đã tập trung khá nhiều nguồn lực cho việc hỗ trợ đào tạo nghề và đào tạo nghề ở nông thôn trong nhiều năm qua. Về mặt số liệu báo cáo của ngành, số lượng người học nghề và sử dụng nghề được hỗ trợ đào tạo đều tăng hằng năm.

Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, nhiều người dân phản ảnh sau khi học nghề không kiếm sống được bằng những ngành nghề đã được đào tạo; người dân chưa tiếp cận được các tiến bộ khoa học công nghệ để cải thiện năng suất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Ngành LĐ-TB&XH cho biết có tình trạng bất cập nêu trên không? Giải pháp của ngành trong thời gian tới như thế nào để sự đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước phát huy hiệu quả như mục tiêu đề ra”?

Trả lời chất vấn về vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bà Võ Thanh Thuỷ- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, qua 3 năm (2013-2015) thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 17.103 người, số lao động nông thôn tốt nghiệp có chứng chỉ nghề là 12.694 người, chiếm tỷ lệ 74,22%, số lao động có việc làm sau khi học nghề là 9.520 người, chiếm tỷ lệ 75% so với tổng số lao động tốt nghiệp có chứng chỉ nghề (mục tiêu đề ra ít nhất 70% có việc làm).

Theo bà Võ Thanh Thuỷ, tình trạng bất cập như cử tri phản ánh là có, nhưng không nhiều. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tổ chức thực hiện các giải pháp: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19/CT-TW ngày 5.11.2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng đã được phân công trách nhiệm trong Quyết định số 02/2011/QĐ-UBND ngày 15.1.2011 của UBND tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Tư vấn học nghề phải thường xuyên, liên tục đến tận vùng sâu, vùng xa để người lao động nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc học nghề, từ đó tích cực tham gia.

Chỉ đạo xây dựng mô hình đào tạo nghề xuất phát từ yêu cầu của sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, tích cực chủ động trong việc liên hệ với các doanh nghiệp, trang trại, hộ sản xuất kinh doanh để giới thiệu việc làm. Tiếp tục rà soát, cập nhật, xác định nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phê duyệt danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

Cải tiến, hoàn chỉnh hệ thống chương trình, giáo trình đào tạo và phương pháp giảng dạy theo hướng gọn nhẹ, dễ hiểu, phù hợp, nhằm trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng thực hành nghề, kỹ năng mềm (giao tiếp, kinh doanh, hợp tác) kỹ năng tiếp cận với công nghệ mới, ý thức tổ chức kỷ luật và kiến thức vệ sinh, an toàn lao động…

Đối với nội dung chất vấn về “Công tác tiếp nhận và tổ chức cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh; cơ sở vật chất của Trung tâm Giáo dục lao động xã hội K48 thuộc Sở LĐ-TB&XH đã xuống cấp, hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, tổ chức cai nghiện, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH có giải pháp gì cả về trước mắt lẫn lâu dài?”, Giám đốc Sở LĐ-TB &XH cho biết, ngày 28.11.2016, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3020/QĐ-UBND ban hành Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Đề án đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới công tác cai nghiện ma tuý, đổi tên Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh thành Cơ sở Điều trị người nghiện ma tuý.

Đồng thời ban hành chế độ, chính sách đối với người cai nghiện, công chức, viên chức làm việc tại Cơ sở Điều trị người nghiện ma tuý và đề ra phương án cải tạo cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức bộ máy. Trong đó có nội dung nâng câp, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất Trung tâm Giáo dục lao động xã hội và quy hoạch lại các khu chức năng. Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm tiến hành sửa chữa một số hạng mục như nhà vệ sinh, phòng ở của học viên.

Trả lời câu hỏi “Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP, trên thực tế thời gian qua không thực hiện được, hoạt động của các tổ công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hiệu quả chưa cao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có giải pháp gì để thực hiện công tác này?”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP đã được triển khai thực hiện ở các xã, phường, thị trấn. Hiện có 95 tổ công tác cai nghiện ma tuý được thành lập, với 811 thành viên. Tổ công tác đã tổ chức cho người nghiện và gia đình người nghiện khai báo, đăng ký các hình thức cai nghiện đúng theo quy định, uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phân công nhiệm vụ từng thành viên của tổ công tác cai nghiện theo dõi, giúp đỡ người nghiện, thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình và đối tượng; hỗ trợ tư vấn học nghề.

Trong năm 2016, các tổ công tác cai nghiện ma tuý đã tổ chức tuyên truyền, vận động người nghiện ma tuý, gia đình khai báo và đăng ký các hình thức cai nghiện, tham mưu UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng kết quả có 78 người cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng.

Tuy nhiên, đến nay, hoạt động của tổ chưa phát huy được hiệu quả do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng chưa được các cấp uỷ, chính quyền địa phương thực sự quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Quy định về tổ chức cai nghiện tại gia đình và cai nghiện tại cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ có một số điểm chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến hiệu quả cai nghiện bằng hình thức này không cao: Nghị định giao cho tổ công tác cai nghiện thực hiện việc cai nghiện tại cộng đồng, song, thành viên của tổ công tác gồm đại diện các ngành, đoàn thể của địa phương và hoạt động kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, do vậy, không đủ kiến thức, kỹ năng và thời gian thực hiện cai nghiện.

Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng do các xã, phường, thị trấn thực hiện, trong khi các xã, phường, thị trấn đều không có kinh phí, thiếu cơ sở vật chất và cán bộ, bác sĩ để thực hiện việc cắt cơn, theo dõi điều trị nghiện tại cộng đồng. Công tác tuyên truyền dù đã được thực hiện nhưng kết quả chưa cao, sự kỳ thị và định kiến của cộng đồng đối với người nghiện vẫn còn. Ngoài ra, rất ít người tự nguyện khai báo tình trạng nghiện các chất ma tuý tại cộng đồng.

Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH căn cứ Quyết định số 3020/QĐ-UBND ngày 28.11.2016 của UBND tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan, uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các Tổ công tác cai nghiện để phát huy hiệu quả. Sở sẽ thành lập các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng; huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện nâng cao nhận thức, tuân thủ việc điều trị lâu dài tại cộng đồng.

Xung quanh vấn đề “Hiện tại, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội K48 có 83 học viên đang cai nghiện ma tuý. Tuy nhiên, qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy Trung tâm K48 không có chương trình giáo dục hoặc hỗ trợ cho người nghiện như thể dục thể thao, học nghề, học văn hoá... Sở LĐ-TB&XH có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới để công tác cai nghiện, giáo dục của Trung tâm thực sự hiệu quả, góp phần kéo giảm số lượng người nghiện trên địa bàn tỉnh?”, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH trả lời: Công tác giáo dục cho học viên tại Trung tâm được thực hiện theo bộ tài liệu nâng cao kiến thức quản lý, giáo dục cho cán bộ Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội - Bộ LĐ-TB&XH ban hành.

Quy trình cai nghiện ma tuý tại Trung tâm K48 được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT, ngày 31.12.2010 của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế hướng dẫn quy trình cai nghiện cho người nghiện ma tuý tại các Trung tâm chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội và cơ sở cai nghiện tự nguyện. Quy trình gồm 5 giai đoạn: giai đoạn tiếp nhận, phân loại; giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; giai đoạn giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; giai đoạn lao động trị liệu, học nghề và giai đoạn phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng.

Cần lắm những lớp đào tạo nghề trồng hoa màu sạch cho nông dân (Trong ảnh, trồng hoa màu ở xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu). Ảnh: P.TK

Căn cứ vào thời gian cai nghiện của từng học viên, Trung tâm sẽ thực hiện các hoạt động theo từng giai đoạn của quy trình. Trong thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp tổ chức 8 lớp dạy văn hoá xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho 78 học viên học tập, chữa bệnh tại Trung tâm, tổ chức 7 lớp dạy nghề (gò hàn, điện dân dụng, máy nổ) cho 192 học viên. Tất cả học viên hằng ngày đều tham gia sinh hoạt thể dục thể thao như bóng đá, bóng chuyền, tham gia sinh hoạt văn nghệ hát karaoke...

Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30.12.2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực từ ngày 15.2.2014, việc đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn. Do số lượng học viên tại Trung tâm thấp nên hoạt động dạy nghề, dạy văn hoá không thực hiện được. Ngày 9.9.2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP, số lượng học viên tại Trung tâm có sự gia tăng. Tuy nhiên, do mới tiếp nhận lại học viên, thời gian chưa đủ nên chưa tiến hành các hoạt động dạy văn hoá, dạy nghề. Dù vậy, các học viên vẫn được tư vấn giáo dục, hành vi nhân cách, được tham gia sinh hoạt văn hoá, văn nghệ.

Đ.V.T
(lược ghi)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh