Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn: Còn nhiều băn khoăn
Thứ hai: 11:17 ngày 05/09/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ nay đến hết năm 2011, tất cả 9 huyện, thị trong tỉnh sẽ mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 5.000 lao động nông thôn.

Theo kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn tỉnh Tây Ninh năm 2011 vừa được UBND tỉnh phê duyệt, từ nay đến hết năm 2011, tất cả 9 huyện, thị trong tỉnh sẽ mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 5.000 lao động nông thôn đang trong độ tuổi lao động, 70% số lao động nói trên sẽ phải có việc làm sau khi học nghề.

Học viên trường nghề trong giờ thực hành

Theo kế hoạch trên, đại đa số lao động nông thôn được đào tạo nghề ngắn hạn đều thuộc hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% mức thu nhập của hộ nghèo. Ngoài hai nhóm đối tượng chính ấy, còn có người lao động là người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, người có công với cách mạng- đều được đưa vào danh sách học nghề trong năm nay. Theo quy định, phần lớn các đối tượng nêu trên ngoài việc được học nghề miễn phí, còn được hỗ trợ chi phí trong quá trình theo học, thời gian hưởng chế độ này tối đa không quá 3 tháng. Riêng những người ở cách xa nơi học từ 15 km trở lên sẽ được hỗ trợ tiền đi đường.

Trên cơ sở danh sách đăng ký của 9 huyện, thị, Sở LĐ-TB&XH đã lên danh mục những nghề được đào tạo, bao gồm 5 nhóm, phần lớn nghề được đào tạo đều gắn với nông nghiệp. Cụ thể, nghề nông, lâm nghiệp có: kỹ thuật chăn nuôi bò, trồng nấm, cạo mủ cao su, trồng rau sạch, nuôi ếch, nuôi trùn quế, nuôi ba ba, chăm sóc cây cảnh, trồng gừng, trồng lúa và nuôi gia cầm. Nhóm nghề công nghiệp - xây dựng gồm: may công nghiệp, may dân dụng, điện dân dụng, lắp ráp, cài đặt máy tính, lái xe ô tô, sửa chữa xe gắn máy. Nhóm nghề tiểu thủ công nghiệp có hai nghề: đan lát và thêu ren. Nhóm nghề ngư nghiệp chỉ có nuôi cá nước ngọt. Nhóm nghề thương mại dịch vụ gồm: cắt, uốn tóc, làm móng và kỹ thuật nấu ăn. Tổng kinh phí để đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 5.000 lao động nông thôn từ nay đến cuối năm là gần 6,5 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh chi hơn 2,5 tỷ, còn lại từ nguồn kinh phí của Trung ương. Trong tổng số 22 nghề được đào tạo thì chỉ riêng chi phí đào tạo nghề cạo mủ cao su đã chiếm hơn 2,5 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn An Dân, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật thì quy định trả thù lao cho người dạy chỉ có 25.000 đồng cho một giờ dạy là quá thấp. Theo như đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 1956) thì người tham gia đào tạo nghề có học vị tiến sĩ sẽ được trả thù lao 300.000 đồng/giờ. Vậy còn với người có học vị thạc sĩ sẽ là bao nhiêu? Ông Lê Vũ Cương, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) Tân Biên cũng cho rằng mức thù lao như thế là quá “bèo” và sẽ rất khó thu hút được người dạy. Ông Cương cũng nêu băn khoăn: ai sẽ biên soạn tài liệu để giảng bài, thực tế có những nghệ nhân giỏi tay nghề nhưng lại… không biết chữ, hoặc chỉ biết lõm bõm, làm sao mà soạn giáo án? Ngay cả giáo viên của các TTGDTX cũng chưa chắc đã biên soạn được tài liệu để dạy nghề. Theo ông, khâu biên soạn tài liệu nên giao cho Phòng Dạy nghề thuộc Sở LĐ-TB&XH chủ trì để bảo đảm sự thống nhất chương trình. Đồng suy nghĩ với ông Cương, ông Trần Đại Cảnh, Giám đốc TTGDTX huyện Bến Cầu đề nghị giao việc biên soạn tài liệu cho một cơ quan khác. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH cho biết: mức thù lao cho người dạy do cơ sở dạy nghề tự quyết định, mỗi địa phương căn cứ vào nội dung chi để tự cân đối và có thể trả thù lao cao hơn mức quy định chung tối thiểu. Cũng theo ông, đề án 1956 không có quy định mức thù lao cho người dạy có trình độ thạc sĩ.

Dạy nghề cạo mủ cao su

Đại diện Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh đề nghị không nên tổ chức kiểm tra phần lý thuyết của một số môn học. Chẳng hạn như môn Pháp luật chỉ cần phổ biến, tuyên truyền miệng cho dân hiểu là được, bởi vì có người không biết chữ làm sao viết bài kiểm tra? Riêng phần tài liệu, giáo án, đại diện trường này cho rằng, chương trình dạy nghề phải thống nhất, nhưng giáo án thì mỗi người phải tự soạn. Giáo án đào tạo nghề cũng cần đơn giản, không nên hình thức, nặng nề như giáo án phổ thông… Ông Nguyễn Văn Thả, Giám đốc TTGDTX Tân Châu cho rằng: nên tăng cường thực hành, đừng dạy lý thuyết nhiều, dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc là hay nhất. Ngoài ra, cũng có ý kiến băn khoăn về phần thực hành. Theo quy định, 30% thời lượng đào tạo nghề là học và dạy lý thuyết, 70% còn lại dành cho thực hành. Nhưng với nghề chăn nuôi bò thì thực hành như thế nào, lấy bò ở đâu để thực hành và thực hành nghĩa là làm gì?

Theo ông Dương Văn Phú, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cơ quan chịu trách nhiệm chính thực thi đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì: đào tạo nghề cho lao động nông thôn có tính chất linh hoạt, lưu động, khác với giáo dục chính quy, do đó, tính hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu. Vấn đề cần quan tâm nhất là sau khi tham gia lớp học nghề, người lao động phải tìm được việc làm.

VIỆT ĐÔNG

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục