Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO)- Năm 2014 việc quan tâm đầu tư của các ngành, các cấp đối với công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh đã phát huy tác dụng rõ rệt.
Chương trình thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã cho thấy hiệu quả tác động trong tổ chức thực hiện. Trước hết, mạng lưới dạy nghề được mở rộng, toàn tỉnh có 7 trường dạy nghề (1 trường Cao đẳng nghề và 6 trường trung cấp; trong đó có 1 trường ngoài công lập). Có 9 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, trong đó có 6 trung tâm tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.
Trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh, một trong những đơn vị tham gia tích cực trong công tác đào tạo nghề của tỉnh. |
Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2014 toàn tỉnh đã tổ chức được 199 lớp với trên 6.700 học viên; luỹ kế giai đoạn 2011-2014, đã tổ chức được 757 lớp với 23.503 học viên, đạt 94% so với kế hoạch. Quan trọng là, số lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt 76,62%.
Trong năm học 2013-2014, các trường Cao đẳng nghề Tây Ninh, Trung cấp nghề Khu vực Nam Tây Ninh đã đào tạo nghề cho 1.245 học sinh, trong đó có 1.155 học sinh có việc làm sau đào tạo, đạt tỷ lệ 93%.
Thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác dạy nghề giai đoạn 2011-2015, có 9 cơ sở dạy nghề ngoài công lập đăng ký hoạt động, trong đó có 2 cơ sở (Công ty cổ phần doanh nhân Tây Ninh, Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Tân Bách Khoa) tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Tính đến nay, số lao động nghề do các cơ sở ngoài công lập đào tạo ước khoảng 59.494 học viên, chiếm tỷ lệ 67,47% tổng số lao động được đào tạo.
Học viên lớp thợ hồ thực hành dán gạch lên tường ở Hòa Thành. Ảnh minh hoạ |
Việc đào tạo nghề cho lao động phải gắn với giải quyết việc làm thì hiệu quả xã hội mới được đảm bảo. Chỉ riêng trong năm 2014, Trung tâm Giới thiệu việc làm Tây Ninh và Trung tâm Giới thiệu việc làm Khu công nghiệp Phước Đông đã tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm và giải quyết việc làm cho 53.186 lượt lao động. Trong đó, giới thiệu việc làm trong tỉnh và khu vực là 9.747 lao động; xuất khẩu 37 lao động; giải quyết việc làm cho 7.023 lao động. Tính đến nay, toàn tỉnh có 86.774 lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh.
Về cơ cấu, lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ 3%; trung học chuyên nghiệp 2,68%; lao động qua đào tạo nghề là 60,05%... Điều này cho thấy lao động đang làm việc có trải qua đào tạo nghề chiếm tỷ lệ cao (60%) nhưng lao động có trình độ cao trong tổng thể lao động nói chung còn thấp. Tỷ lệ lao động Tây Ninh được giới thiệu xuất khẩu lao động còn rất ít.
Với tốc độ phát triển hiện nay, nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao vẫn còn thiếu. Công tác đào tạo nghề của tỉnh còn nhiều khó khăn, như việc đầu tư trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, thiết bị và quy mô đào tạo; công tác xã hội hoá trong lĩnh vực dạy nghề chưa huy động được nguồn lực và tiềm năng của xã hội; thông tin về việc làm, thị trường lao động chưa phát triển…
Để việc đào tạo nghề và giới thiệu việc làm đạt được những điểm sáng mới hơn, thời gian tới, các ngành chức năng cần tiếp tục cụ thể hoá chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015, quyết liệt khắc phục những khó khăn, hạn chế, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và là cơ sở quan trọng cho việc đề ra chỉ tiêu của Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.
Trần Thành