BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đào tạo nghề và giảm nghèo: Còn đó băn khoăn

Cập nhật ngày: 17/01/2014 - 05:22

Người lao động làm việc trong một cơ sở sản xuất bánh kẹo ở Hoà Thành.

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH), năm 2013 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 22.000 lao động- cao hơn chỉ tiêu được nêu trong kế hoạch năm. Phần lớn người lao động làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, kinh tế trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ.

Cũng như năm 2012, số người được đưa đi lao động ở nước ngoài trong năm vừa qua rất ít- chỉ 87 người. Mặc dù chỉ tiêu giải quyết việc làm được coi như một thành tích, nhưng năm 2013 cũng có gần 10.000 người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Trong lĩnh vực quan hệ lao động, năm 2013 Tây Ninh xảy ra 13 vụ tranh chấp dẫn đến đình công tại 10 công ty. Nguyên nhân đình công là do tranh chấp tiền lương, định mức lao động, thời gian làm việc, điều kiện làm việc. Cũng liên quan đến doanh nghiệp và người lao động, trong năm có 6 doanh nghiệp bị phạt tiền do vi phạm một số điều, khoản được quy định trong Bộ luật Lao động.

Các vi phạm phổ biến gồm: huy động công nhân làm thêm giờ vượt quy định, không giao bản hợp đồng cho người lao động sau khi ký kết, không trang bị phương tiện bảo hộ cho người lao động, đóng bảo hiểm xã hội không đủ số người thuộc diện tham gia bắt buộc.

Trong lĩnh vực vệ sinh an toàn lao động cũng còn có những thiếu sót; đã có doanh nghiệp bị phạt tiền vì không tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, không có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động ở những nơi đặt máy móc thiết bị có yếu tố nguy hiểm, độc hại.

Nhìn chung, các chính sách, chế độ đối với người có công, người nghèo, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em được thực hiện đầy đủ và đúng quy định. Riêng về việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em, một đại biểu đến từ huyện Dương Minh Châu cho biết, có một số trường hợp phụ nữ kết hôn dưới 18 tuổi nên không dám đi làm giấy khai sinh cho con, vì thế không làm được thẻ BHYT.

Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của đại biểu dự hội nghị là công tác đào tạo nghề. Năm 2013, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hơn 122% so với chỉ tiêu được UBND tỉnh phê duyệt hồi đầu năm.

Liên quan đến công tác này, đại diện các huyện Châu Thành, Tân Biên, Dương Minh Châu và Bến Cầu đều cho rằng: cần xem xét lại cách thức, quy trình tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn (theo Đề án 1956 của Chính phủ).

Theo các đại biểu, quy trình như hiện nay còn rườm rà, cứng nhắc, không linh hoạt nên khó mở lớp đào tạo, bởi vì từ khi lên kế hoạch mở lớp cho đến khi khai giảng được lớp học thường phải qua nhiều khâu, mất thời gian rất lâu nên dễ khiến người học nản chí, bỏ cuộc. Trước tình hình đó, một số đại biểu đề nghị cần giao quyền tự chủ đào tạo nghề cho địa phương.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, không thể thực hiện điều này vì như thế là trái quy định. Lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH Tân Biên đề nghị: một số huyện như Tân Biên, Châu Thành nên hạn chế đào tạo nghề phi nông nghiệp vì số nhà máy, xí nghiệp trên 2 địa bàn này không nhiều; việc đánh giá hiệu quả đào tạo nghề cũng không nên vội vã, vì không thể cứ học nghề xong, là có ngay cơ hội để thoát nghèo.

Băn khoăn về tình hình giảm nghèo, đại diện Phòng LĐ-TB&XH Châu Thành cho rằng, số lượng hộ nghèo chưa phản ánh đúng thực trạng đời sống của nhân dân. Thực tế có nơi- do bệnh thành tích nên đã bỏ sót hộ nghèo hoặc… khống chế tỷ lệ hộ nghèo. Ở khu vực biên giới, đời sống của các hộ nghèo và cận nghèo thật sự còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Có mặt tại hội nghị, ông Lâm Tấn Đông- Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu ngành LĐ-TB&XH các cấp khi điều tra, phúc tra, rà soát hộ nghèo cần phải làm thật công tâm và dân chủ. Tương tự, việc đưa các hộ thoát nghèo ra khỏi danh sách hộ nghèo cũng cần tiến hành công khai, minh bạch nhằm hạn chế những thiếu sót, tiêu cực trong việc bình xét hộ nghèo và hộ được thoát nghèo.

Liên quan đến chỉ tiêu giảm hộ nghèo hằng năm, có một vài ý kiến cho rằng cần xem xét lại vấn đề con số, tỷ lệ. Bởi vì, theo chỉ tiêu của tỉnh, mỗi năm giảm 2% số hộ nghèo nhưng một số huyện như Dương Minh Châu, Gò Dầu, Hoà Thành và thành phố Tây Ninh, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đều nhỏ hơn 2%.

Tuy nhiên, theo bà Diệp Thị Hiệp- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thì 2% là tỷ lệ chung cho toàn tỉnh, các địa phương căn cứ vào đấy để phấn đấu chứ không nên suy nghĩ cứng nhắc, giản đơn.

VIỆT ĐÔNG 

Năm 2013, ngành LĐ-TB&XH tiếp nhận 32 nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về, trong đó có 8 người được giải cứu và 24 người tự trở về. Một số nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ.