Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 8.2.2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.
VNPT giới thiệu một số dịch vụ phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là hình thành đội ngũ nhân lực, chuyên gia an ninh mạng đủ kỹ năng, trình độ, đáp ứng yêu cầu của bộ, ban, ngành, địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Bên cạnh đó, có chế độ, chính sách để thu hút, tuyển dụng, giữ chân được đội ngũ nhân lực, chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng; nâng cao năng lực quốc gia về an ninh mạng; tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác công tư về đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng...
Cụ thể: đào tạo 100 lượt cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an tỉnh; đào tạo 5 chuyên gia an ninh mạng chất lượng cao; đào tạo 100 lượt cán bộ của các sở ban ngành tỉnh, các cơ quan, tổ chức đang được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành các hệ thống thông tin chính phủ điện tử, hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, tổ chức tối thiểu 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đào tạo ngắn hạn về an ninh mạng cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước; tối thiểu 10 lớp đào tạo, tập huấn cho tổ chức và cá nhân theo nhu cầu.
Việc đào tạo chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học về an ninh mạng phải bảo đảm yêu cầu về trình độ chuyên môn, khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ, công nghệ thuộc lĩnh vực an ninh mạng.
Hình thức đào tạo gồm đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học; đào tạo chuyên gia, đào tạo nâng cao; đào tạo ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng; các hình thức đào tạo khác theo quy định của pháp luật. Các nội dung đào tạo gồm đào tạo về chính trị, tư tưởng; nghiệp vụ an ninh mạng; kiến thức, kỹ năng an ninh mạng.
Đối tượng đào tạo gồm lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; lực lượng bảo vệ an ninh mạng tại các sở, ban, ngành, địa phương; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh mạng; đội ngũ lãnh đạo quản lý và cán bộ chủ chốt, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước; giảng viên, nghiên cứu viên, giáo viên về an ninh mạng tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học về an ninh mạng; tài năng trẻ về an ninh mạng; công dân Việt Nam có nhu cầu đào tạo về an ninh mạng.
Nguồn tuyển chọn phục vụ đào tạo cụ thể như sau: Đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc từ hệ thống các học viện, trường đại học, trung tâm đào tạo chuyên ngành của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các cơ sở đào tạo về an ninh mạng và công nghệ thông tin; cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi về công nghệ thông tin và kinh nghiệm thực tiễn về an ninh mạng tại các đơn vị chuyên trách trong và ngoài Công an nhân dân, Quân đội nhân dân; thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn qua cuộc thi “Tuyển chọn tài năng an ninh mạng” do Bộ Công an tổ chức hằng năm.
Đối với nguồn nhân lực an ninh mạng chất lượng cao, cần đảm bảo các nội dung như trên; ký cam kết với Bộ Công an trước khi được cử đi đào tạo và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết.
Giang Hà