BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có 

Cập nhật ngày: 13/09/2024 - 09:07

BTN - Những con số thống kê trên cho thấy chất lượng đội ngũ CBCCVC trong hệ thống chính trị tỉnh ngày càng nâng lên và từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tiêu chuẩn theo quy định.

Phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin là một trong 4 chương trình đột phá của tỉnh được đề ra trong văn kiện Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Thực hiện chủ trương này, các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công được tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã ban hành các chính sách, đề án phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao, thực hiện công khai, minh bạch trong tuyển dụng, sử dụng hiệu quả nhân lực hiện có, tăng cường liên kết đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao theo chính sách của tỉnh.

Công chức, viên chức các sở, ngành, đơn vị tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Mới đây, UBND tỉnh phối hợp Học viện Hành chính Quốc gia và Viện Quản trị Chandler khai giảng khoá bồi dưỡng quốc tế “Nâng cao năng lực lãnh đạo và quản trị địa phương hiệu quả” dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh.

PGS.TS Nguyễn Bá Chiến- Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, quản trị tốt là nhân tố quyết định thành công của một quốc gia và ở phạm vi nhỏ hơn là địa phương. Để nâng cao năng lực quản trị quốc gia, quản trị địa phương hiệu quả trong bối cảnh thế giới đang bước vào kỷ nguyên số với nhiều cơ hội rộng mở và thách thức đan xen cùng những tác động chưa từng có, cần phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý có khả năng xây dựng và áp dụng các mô hình hiệu quả, gắn với truyền thống và bối cảnh hiện nay.

Chương trình bồi dưỡng cho cán bộ, quản lý tỉnh Tây Ninh đợt này có 4 hợp phần đào tạo, trong đó 3 hợp phần tại Việt Nam và 1 hợp phần tại Sigapore với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia trong nước và quốc tế có hiểu biết sâu sắc về chuyên môn và giàu kinh nghiệm thực tiễn, đã và đang đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý cấp cao trong các bộ, cơ quan nhà nước của Việt Nam, Pháp và Singapore.

Qua đó giúp đội ngũ cán bộ, quản lý của tỉnh tiếp cận tư duy quản trị hiện đại, mở rộng tầm nhìn và phát triển các kỹ năng thiết yếu đối với lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh mới, tạo động lực và giá trị mới trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Hoạt động hợp tác đào tạo giữa Học viện Hành chính Quốc gia, Viện Quản trị Chandler và tỉnh Tây Ninh nhằm thiết thực triển khai Đề án “Phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Tây Ninh đang tích cực thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, tỉnh và Học viện cũng đã phối hợp tổ chức thành công một khoá bồi dưỡng tương tự cho 20 học viên lãnh đạo cấp sở, cấp huyện của tỉnh Tây Ninh tại Singapore.

Trong hai năm gần đây, việc khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) của tỉnh được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc thông qua các chương trình, dự án đào tạo trong nước và nước ngoài là một trong những kết quả nổi bật trong công tác cán bộ.

Lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, thực hiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” từ năm 2022 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh rà soát lại chất lượng đội ngũ CBCCVC và chọn cử người tham dự các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài; khuyến khích CBCCVC học và tự học để bảo đảm trình độ theo quy định đối với khung năng lực của vị trí việc làm.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh tập trung thu hút người có trình độ cao về công tác, hỗ trợ tại các cơ quan, đơn vị. Năm 2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh nhằm thực hiện tốt việc thu hút nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành, lĩnh vực tỉnh cần và còn thiếu nhân sự như: y tế, giáo dục, du lịch, tài nguyên - môi trường, nông nghiệp.

Nghị quyết quy định rõ các mức hỗ trợ theo cơ chế riêng của tỉnh như: thu hút giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II về công tác với mức hỗ trợ tiền mặt từ 100 triệu đồng đến 600 triệu đồng. Ngoài mức hỗ trợ bằng tiền cho đối tượng thụ hưởng, nghị quyết này cho phép các cơ quan, đơn vị tiếp nhận đối tượng thu hút được ưu tiên bố trí số biên chế nhà nước chưa sử dụng để thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công, thời gian qua, tỉnh Tây Ninh tích cực phối hợp các học viện, trường đại học, cơ sở giáo dục uy tín tổ chức đào tạo trình độ sau đại học thông qua cơ chế đặt hàng. Hằng năm, tỉnh mời chuyên gia trong nước, nước ngoài đến giảng dạy kiến thức, giới thiệu công nghệ mới, đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho CBCCVC. 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc trao quyết định bổ nhiệm ông Phạm Trung Chánh giữ chức vụ Giám đốc Sở Công Thương.

Song song đó, tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác cán bộ, thực hiện đúng quan điểm, nguyên tắc, quy trình thủ tục bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chống tiêu cực; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; xử lý nghiêm minh đối với cán bộ có vi phạm; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị để rèn luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau, hướng tới phát huy năng lực sáng tạo, khả năng ứng phó nhạy bén với tình hình mới trong nhiều lĩnh vực của cán bộ, công chức; tăng cường bố trí cán bộ trẻ về công tác ở xã, phường, thị trấn để rèn luyện, thử thách, tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại Đề án “Phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm chất lượng, đủ số lượng, đạt được kết quả khả quan.

Theo thống kê, tỷ lệ CBCC của tỉnh có trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 93,88%; cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn sau đại học đạt 14,9%. Tỷ lệ viên chức có trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 78,14%; viên chức có trình độ chuyên môn sau đại học đạt 5,55%. CBCCVC tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm theo quy định của bộ, ngành: trình độ đại học tỷ lệ tăng 1,71%.

Các chương trình đào tạo sau đại học, nâng cao năng lực cho đội ngũ CBCCVC đã góp phần gia tăng đáng kể số người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cấp I; đồng thời, giảm đáng kể tỷ lệ trình độ dưới đại học so với thời điểm năm 2021 (trình độ cao đẳng giảm gần 1,3%, trung cấp giảm 0,6%).

Những con số thống kê trên cho thấy chất lượng đội ngũ CBCCVC trong hệ thống chính trị tỉnh ngày càng nâng lên và từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tiêu chuẩn theo quy định.

Hải Đăng