Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đất anh hùng Long Phước
Thứ tư: 06:50 ngày 05/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Long Phước nay đã đủ điện, đường, trường, trạm. 99% số hộ đã sử dụng điện và nước sạch, hộ nghèo chỉ còn chưa tới 2%. Ấp nào cũng có nhà văn hoá, đường xã được bê tông hoặc nhựa hoá các con đường liên ấp v.v…

Ớt trên đồng Long Phước.

Tối 19.8, Ðài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh có phóng sự ngắn về liên hoan Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Bến Cầu tại xã vùng sâu Long Phước. Nổi bật là những tiết mục văn nghệ của các bạn trẻ người Thái- Bến Cầu. Váy đen và áo cóm thêu màu, như ta thường thấy ở các bản Thái xa xôi ngoài miền Tây Bắc.

Lại thấy cả những óng ánh hũ rượu cần màu gốm sứ da lươn. Thứ rượu mà ông Trưởng xóm người Thái có lần khoe:- Ðã tìm thấy lá làm men trong rừng. Thì rừng đã ở ngay phía sau xóm người Thái, cách không xa. Ðấy lại là rừng Nhum, nổi tiếng trong suốt hai mùa kháng chiến.

Cũng xin kể luôn, người Thái- Long Phước cũng có gốc gác từ miền Tây Nghệ An, đã di cư đến sống ở đất này từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Lúc đầu chỉ có gần 20 hộ, được chính quyền xã cấp đất thổ cư và đất canh tác. Nay đã có 39 hộ dân với gần 120 người, sống tập trung trong một xóm nhỏ thuộc ấp Phước Trung ven con đường từ Long Giang ra Long Phước.

Con đường ấy 5 năm trước còn đất đỏ, bụi mịt mù sau bánh xe hoặc bước chân trâu. Nhớ vậy, vì trên đường về gặp một đàn trâu của người Thái đang dong về xóm. Có cả mấy con thuộc loại: “Sừng cánh ná/ Dạ bình vôi/ Mắt ốc nhồi/ Tai lá mít”. Mà không còn thấy cái mõ trâu dưới cổ trâu, lúc nào cũng khua lốc cốc. Bà con đã dần thích nghi với cuộc sống trên vùng đất mới.

Nhưng từ trong sâu thẳm cõi lòng vẫn không nguôi nhớ những truyền thống cũ cha ông. Ðến nay mới thấy những áo cóm, rượu cần trở lại. Chỉ ngôi nhà sàn Thái là chưa thấy. Thay vào đó là những ngôi nhà tường san sát ở bên đường.

Hiện nay con đường qua xóm Thái đã nhựa đá phẳng phiu, dong dài tít tắp qua những rẫy mía, vườn rau, ruộng ớt trải rộng dưới đất, trời Long Phước. Ra đến đường vành đai biên giới, hướng về Long Khánh còn thấy bật lên một màu sắc mới. Ðấy là 9 dãy nhà dài thẫm thượt màu tôn biếc xanh da trời với những mảng đầu hồi trắng toát. Lơ lửng trên cao là một đài nước như một trái khí cầu, cũng chỉ hai màu xanh trắng giữa bao la.

Ðấy là trại heo của Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam và Công ty TNHH - SX- TM - DV Bảo Phúc. Ðã thấy hơi hướng của một nền nông nghiệp công nghệ hiện đại rồi đây! Nhưng bên kia đường, người ta vẫn còn đang chặt mía bằng tay, người vác mía vẫn phăm phăm leo lên xe qua cây cầu cao ngất nghểu. Ở một nơi khác, trên đường Long Khánh - Long Giang, gặp một nhóm đông nhất cũng chỉ có vài chục người đang hái ớt.

Vậy nên đi giữa Long Phước ngày nay, vẫn có cảm giác đi giữa một vùng thưa vắng. Thì toàn xã đến nay (2018) mới chỉ có 446 hộ dân với khoảng 1.730 nhân khẩu. Dù đất tự nhiên còn lớn hơn xã Long Khánh láng giềng hơn 400 ha, nhưng dân số chỉ bằng chưa tới một phần ba (1.730/5.830). Ấy thế, Long Phước cũng đã đủ điện, đường, trường, trạm. 99% số hộ đã sử dụng điện và nước sạch, hộ nghèo chỉ còn chưa tới 2%. Ấp nào cũng có nhà văn hoá, đường xã được bê tông hoặc nhựa hoá các con đường liên ấp v.v…

Những điều trên có thể coi là bình thường ở nơi khác, đối với Long Phước đã là một kỳ tích, vì miền đất này thời kháng chiến từng bị coi là vùng trắng, sau 1975 chỉ còn loang lổ hố bom B52 dưới xơ xác rừng chồi. Muốn tìm những hố bom ấy, hãy đến rừng Nhum, nơi được chính quyền xã và nhân dân bảo vệ như báu vật. Vâng, rừng Nhum là tên xã từ năm 1962, khi Tỉnh uỷ Tây Ninh quyết định thành lập huyện kháng chiến Bến Cầu. Huyện có 8 xã, trong đó có xã Rừng Nhum, đến 1973 mới đổi tên thành xã Long Phước. Trong khi ấy, chính quyền Sài Gòn xếp các xã này vào các tổng Giai Hoá và Mỹ Ninh của quận Hiếu Thiện. Nơi có xã Rừng Nhum của cách mạng có tên là xã Long An (theo sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh).

Người Tây Ninh- nhất là người Bến Cầu ai mà không thấy hoặc nghe tiếng Rừng Nhum. Ðấy chính là miền đất chịu đựng những khốc liệt vô cùng suốt cả hai thời kháng chiến. Sách Truyền thống Cách mạng huyện Bến Cầu 1945-1975 có đoạn: “Qua hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, rừng Bến Cầu là một trong những căn cứ địa của tỉnh Tây Ninh. Rừng Bù lu- Chuối nước trong thời kỳ chống Mỹ được nguỵ quyền Tây Ninh rất nể, gọi là chiến khu…”. Vâng, Bù lu chính là một góc rừng Nhum. Và, trên khu rừng căn cứ địa này đã có lớp Quân chính đầu tiên của tỉnh từ năm 1946. Trong các năm 1964-1965, lại có các lớp Y2 của Trường sơ cấp Chính trị miền Trung Nam bộ, lớp Quân chính của Quân khu 8. Rồi, các cơ quan Tây Ninh và Long An, Phân khu Sài Gòn Gia Ðịnh và cả một số đơn vị thuộc Trung ương Cục (R) cũng có một thời chọn rừng Nhum làm căn cứ. Nơi đây cũng là nơi nhiều đơn vị chủ lực, tỉnh và địa phương chọn làm bàn đạp tiến công địch trong các chiến dịch mùa xuân 1968, hay chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Dĩ nhiên, căn cứ chính của Huyện uỷ Bến Cầu cũng ở rừng Nhum, làm nơi “rèn cán luyện quân” bám trụ suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, để tới ngày 15.3.1975 hoàn toàn giải phóng huyện Bến Cầu.

Một miền đất anh hùng, có thể ví với đất thép Củ Chi như thế, tiếc thay lại được nhắc tới không nhiều trong sử sách. Ngay ở sách đã dẫn, cũng chỉ có vài đoạn. Như trang 182 có viết: “Tính đến cuối năm 1968: Vùng giải phóng Bến Cầu gồm Rừng Nhum (1.500 dân), Cây Me (1.200 dân). Bố Bà Tây (khoảng 1.300 dân)… Có những ấp, xã bom đạn ác liệt tưởng chừng không ở nổi như Hố Ðồn, Rừng Nhum… nhưng vẫn còn hàng trăm gia đình bám ở, vừa sản xuất vừa chiến đấu chống địch…”.

Rừng Nhum nay vẫn còn đó, với 736 ha diện tích, chiếm khoảng 1/4 diện tích tự nhiên của xã. Dù không có cây to như ở Lò Gò - Xa Mát nhưng vẫn là một hệ sinh thái rừng thường xanh, ngập nước mùa mưa. Vài căn nhà nhỏ của đội bảo vệ rừng mái tôn, mái lá. Có cả một cái ao nhỏ như là một hố bom xưa. Nay là ao thả cá, nuôi vịt và trồng rau, trồng chuối bên bờ... Nếu không có những ký hoạ của hoạ sĩ Võ Ðồng Minh (từng in báo Tết Tây Ninh 2018) thì ít người có thể hình dung ra rừng Nhum trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Khi ấy, các lực lượng Dân Chính Ðảng, kể cả học sinh Trường Hoàng Lê Kha kháng chiến đã tập hợp về đây trước buổi xuất quân. Trong tranh của hoạ sĩ là cả một không khí người người lớp lớp, hăm hở “xuống đường” ra trận.

Lại nữa. Cũng tại rừng Nhum từng có ngôi đền tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi Người mất vào ngày 2.9.1969. Sách Truyền thống ngành Tuyên giáo (1945-2000) xuất bản năm 2000 có đoạn: “Ðồng chí Tư Văn (trưởng ban) còn là một nhà kiến trúc, đã tự tay vẽ bản thiết kế của Nhà tưởng niệm. Nhà lợp bằng lá thốt nốt, tường xây bằng gạch mộc… Lực lượng xây dựng là toàn thể cán bộ, công nhân viên của Ban, trong đó lực lượng chính là học sinh Trường Hoàng Lê Kha và Ðoàn Văn Công… Ðồng chí Ba Trắng- Trưởng tổ hội hoạ đã đem hết tài năng của mình vẽ chân dung Bác, được tập thể Ban Tuyên huấn đánh giá là bức chân dung Bác đẹp nhất và lớn nhất từ trước đến nay… Nhà tưởng niệm lại nằm bên đường có nhiều khách qua lại, cán bộ chiến sĩ ta có dịp đi ngang đều vào viếng Bác…”.

Sách tuy không ghi rõ địa điểm và thời gian, nhưng chú Tư Văn (tức Phan Văn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) đã ghi lại câu chuyện này. Ðấy là ở rừng Nhum, nay là Long Phước, vào tháng 11.1970. Xin chép lại các câu chuyện này để các nhà viết sử về sau, nếu viết về miền đất Bến Cầu thì không để sót. Mà có lẽ đấy mới chỉ là hai trong rất nhiều kỳ tích từng xảy ra ở Long Phước- Rừng Nhum trong thời kháng chiến anh hùng.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục