BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đất chẳng phụ người

Cập nhật ngày: 09/07/2009 - 10:17

Cả ba nông dân sản xuất giỏi luôn sát cánh bên nhau

Họ là những người từ xa đến vùng đất mới để lập nghiệp. Khi đến đây, họ không có gì ngoài một một ít tiền tiêu vặt và một ý chí: phải thoát nghèo.

Những ngày đầu mới đến ấp Đông Hà, anh Lê Xuân Thanh chỉ có trong tay vài triệu đồng. Khỏi phải nói những ngày đầu “khởi nghiệp” gian nan cỡ nào. Hai vợ chồng anh phải thắt lưng buộc bụng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng! Phải làm một cái gì đó, nếu không, số tiền ít ỏi có trong người sẽ tiêu tan. Nghĩ là làm, vay mượn thêm anh em bạn bè, hai vợ chồng anh Thanh mua được một công đất để trồng mì, mía. Nhờ cần cù, chịu khó, lại gặp thời nên anh chị trúng mùa, trúng giá liên tục mấy vụ liền. Có chút vốn, anh chị định xây nhà nhưng suy đi tính lại hai vợ chồng thống nhất để tiền mua thêm đất. Có đất, anh Thanh lấy “sổ đỏ” đem thế chấp ngân hàng, lấy tiền đầu tư cho những vụ mùa tiếp theo. Cứ như thế, chỉ sau một thời gian ngắn, vợ chồng anh Thanh đã mua được 5 mẫu đất. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của hai vợ chồng đã được bù đắp xứng đáng. Sau hơn mười năm lập nghiệp ở vùng đất mới, đến nay anh chị đã có được 12 mẫu đất. Năm 2008, sau khi trừ chi phí sản xuất, anh chị còn lãi được 300 triệu đồng.

Có tiền sao không làm nhà lớn ở cho sướng mà cứ ở mãi ngôi nhà vách đất? Trả lời câu hỏi này, anh Thanh nói rằng, nhà chưa làm thì sau này làm, trước mắt, anh chị đang lo đầu tư sản xuất và đặc biệt phải lo việc học cho cả ba đứa con. Năm nay, cả ba đứa con của anh chị đều đi thi đại học cùng một lúc! Theo anh chị tính toán, nếu cả ba “lỡ đậu” vào đại học, cao đẳng hết thì kế hoạch làm nhà hay mua sắm các thứ đều phải gác lại. Đầu tư cho sản xuất là đầu tư ngắn hạn, đầu tư cho việc học của con mới mang tính “chiến lược” lâu dài. Anh Thanh bình luận như thế.

Đến xã vùng biên này muộn hơn anh Thanh vài năm, anh Nguyễn Danh Sơn lại có cách đi khác: nuôi heo. Vốn ban đầu ít ỏi, nhưng nhờ biết cách chăm sóc nên bầy heo nhà anh chóng lớn. Ngày qua ngày, đàn heo của nhà anh Sơn càng đông. Chỉ sau mấy năm chăn nuôi, gia đình anh Sơn đã góp được tiền đủ để mua hơn 3 hecta đất rẫy. Có đất sản xuất kết hợp với chăn nuôi, kinh tế gia đình ngày càng “cất cánh”. Khi có tiền, mọi việc đều trở nên dễ dàng hơn. Cũng chung một suy nghĩ như anh Thanh, vợ chồng anh Sơn chủ yếu dành tiền lo cho việc học của các con. Thời gian đã chứng minh rằng sự đầu tư ấy là đúng và có hiệu quả lâu dài. Hiện nay, hai trong ba người con của anh Sơn đã tốt nghiệp đại học. Trong đó cô con gái út học rất giỏi, sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô thi đậu đại học. Cô vừa mới ra trường và được nhận vào làm cho một công ty bảo hiểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian theo học, các con anh Sơn đều muốn đi làm thêm để đỡ đần cho ba mẹ nhưng vợ chồng anh không cho. Anh chị chỉ yêu cầu các con tập trung học hành thật nghiêm túc. Kinh tế khá giả, con cái trưởng thành, không còn lo chạy ăn từng bữa như hơn 10 năm trước nữa, anh Sơn được bà con tín nhiệm bầu làm Phó trưởng ấp Đông Hà. Theo anh Sơn, tham gia các hoạt động xã hội vừa vui vừa có cơ hội giúp đỡ người khác.

Ở ấp Đông Hà còn có ông Chu Đức Hiền. Ở tuổi gần lục tuần, ông mới cùng gia đình đến vùng đất biên giới này lập nghiệp. Từ hai bàn tay trắng ban đầu, sau gần hai mươi năm làm việc quần quật không biết mệt mỏi, đến nay ông lão ngoài bảy mươi ấy trở thành một điển hình về làm kinh tế giỏi. Ông Hiền được bà con lối xóm công nhận ông là một trong những người trồng mì đạt năng suất cao nhất trong ấp. Chú trọng đầu tư theo hướng thâm canh, có những vụ mùa chỉ với một mẫu đất, ông Hiền thu được 40 tấn mì tươi! Vừa trồng mì, ông vừa nuôi heo. Ông tự tin nói rằng rất ít khi ông bị lỗ trong chăn nuôi. Không phải tài tình gì mà theo ông, làm nông nghiệp theo hướng hiện đại không thể xem thường thông tin trên báo đài. Theo dõi báo đài, ông đưa ra dự báo và phân tích, nếu thấy có khả năng heo rớt giá là lập tức kêu người bán heo ngay! Ông nói, một trong những nguyên nhân khiến người nông dân gặp khó khăn, thậm chí “phá sản” là do thiếu thông tin. Ở vùng sâu vùng xa thì điều này lại càng đúng. Người nông dân không còn đói ăn thiếu mặc nhưng lại đói thông tin, đặc biệt là thông tin về thị trường nông sản. Hiện nay, những người con của ông Hiền đều đã trưởng thành, điều kiện kinh tế khá giả, có người có trong tay đến hơn hai chục hecta đất.

Cả ba điển hình làm kinh tế giỏi vừa nêu trên, người thứ 3 vốn là một công nhân ngành đường sắt, hai người còn lại đều là cựu quân nhân, hiện họ đều đang tham gia công tác tại địa phương, là hội viên Hội cựu chiến binh xã Tân Đông, huyện Tân Châu. Một cán bộ xã nhận xét rằng, đó là những con người gương mẫu, họ nói được và làm được.

Đ.V.T