Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiến tranh biến Tà Nông một vùng đất trắng với dân số đếm không quá mười đầu ngón tay. Mãi cho đến năm 1996, Tà Nông chính thức trở thành ấp Hiệp Bình thuộc xã Hoà Thạnh. Sau 14 năm hình thành và phát triển, Tà Nông ngày ấy, Hiệp Bình hôm nay đã nhiều thay đổi.

![]() |
Trạm nước sạch ở ấp Hiệp Bình |
Thời kháng chiến chống Mỹ, địa danh Tà Nông được nhiều người biết đến như một vùng đất chết với những trận bom cày đạn xới liên tục. Sau ngày đất nước thống nhất, nơi đây tiếp tục gánh chịu những trận đạn pháo của Pôn Pốt. Hậu quả của chiến tranh để lại cho Tà Nông một vùng đất trắng với dân số đếm không quá mười đầu ngón tay. Mãi cho đến năm 1996, Tà Nông chính thức trở thành ấp Hiệp Bình thuộc xã Hoà Thạnh. Sau 14 năm hình thành và phát triển, Tà Nông ngày ấy, Hiệp Bình hôm nay đã nhiều thay đổi.
Từ ngã ba hương lộ 7, rẽ trái đi vào ấp Hiệp Bình phải qua con đường đất đỏ phẳng phiu mới được đầu tư, nâng cấp với kinh phí trên 600 triệu đồng. Hai bên con đường dài gần 10 km là những cánh đồng lúa mênh mông mới qua vụ mùa thu hoạch. Ngay đầu ấp là một ngôi chợ khá khang trang cũng vừa được đầu tư nâng cấp với chi phí trên 500 triệu đồng.
Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Trần Hồng Thiện, Chủ tịch UBND xã Hoà Thạnh vui vẻ khoe: “Hôm nay, ai có dịp đến Hiệp Bình sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự thay da đổi thịt của vùng đất này”. Lời chủ tịch xã nói không ngoa, bởi cách đây không lâu, dân cư của cả xóm Tà Nông không quá 10 hộ. Muốn vào trong xóm, người ta phải cuốc bộ rồi sau đó chống xuồng vượt bưng. Do đi lại, vận chuyển khó khăn nên đời sống của người dân ở đây cũng rất khó phát triển. Năm 1996, khi tỉnh có chính sách thành lập cụm dân cư biên giới thì Tà Nông được chọn làm điểm. Cũng từ đó tên ấp Hiệp Bình chính thức ra đời.
Xã Hoà Thạnh đã được Nhà nước đầu tư kinh phí gần 4 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng như: làm đường, xây cầu, trường học, trạm nước sạch, chợ… nhằm thu hút dân cư. Bên cạnh đó, xã thực hiện khai hoang vỡ đất để cấp cho dân. Mỗi hộ gia đình đến định cư tại đây được cấp một lô đất thổ cư để cất nhà và 2 ha đất ruộng để sản xuất. Ngoài ra, còn được cấp thêm 800.000 đồng và 1 thùng gạo để có cái ăn, cái mặc trong buổi đầu mới đến. Những chính sách ưu đãi trên đã thu hút khá đông người nghèo trong, ngoài tỉnh về vùng đất mới. Hiện nay, dân cư ấp Hiệp Bình đã tăng lên 138 hộ với 448 nhân khẩu.
Từ một vùng đất nghèo nàn bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đất Tà Nông xưa, giờ đã trở thành một vùng dân cư nhộn nhịp, trù phú, có cửa khẩu tiểu ngạch với tổng giá trị giao dịch, mua bán giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi ngày.
Ông Nguyễn Văn Đỡ, trưởng ấp kiêm trưởng Ban Quản lý chợ Hiệp Bình cho vài số liệu: mỗi ngày, ở đây có khoảng 40 chuyến xe hàng hoá các loại sang Campuchia và ngược lại, sản xuất nông nghiệp trong ấp Hiệp Bình rất phát triển. Trước đây bà con nông dân trong ấp chỉ trồng mỗi năm 1 vụ lúa thì hiện nay có thể cho 3 vụ/năm. Ngoài cây lúa, Hiệp Bình còn có mía, cao su và mì. Riêng chợ Hiệp Bình, bình quân mỗi tháng, nộp ngân sách xã khoảng 3 triệu đồng từ tiền cho thuê các ki ốt.
Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống của người dân trong ấp Hiệp Bình ngày một khá hơn. Nhiều gia đình khi mới đến định cư thuộc diện hộ nghèo, vậy mà nay đã có “của ăn của để”. Như hộ ông Nguyễn Văn Quốc là một ví dụ. Gia đình ông Quốc có 6 nhân khẩu. Năm 1998, khi đến vùng quê mới, gia đình ông được Nhà nước cấp đất, lại được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng để làm ăn. Cuộc sống gia đình ông từng bước đi lên. Qua 12 năm định cư ở quê mới, hiện gia đình ông đã có thêm 2,5 ha đất ruộng và một đàn trâu 10 con. Cả 4 người con của ông Quốc đều được học hành tử tế và đều tốt nghiệp THPT. Ông Quốc tâm sự: “Nhờ có Nhà nước tạo điều kiện nên gia đình tôi mới có được như hôm nay”.
![]() |
Nước sạch về đến tận nhà của từng người dân. |
Cũng như ông Quốc, gia đình ông Nguyễn Văn Dễ, từ huyện Gò Dầu đến Hiệp Bình từ năm 1998. Buổi đầu rất khó khăn vì nhà nghèo lại phải nuôi 3 đứa con nhỏ dại luôn đau yếu. Như nhiều người khác, ông Dễ được cấp một miếng đất thổ cư để cất nhà và được cho thuê một ki ốt tại chợ Hiệp Bình để buôn bán. Từ đó cuộc sống của gia đình ông ổn định dần. Tuy không dư dả mấy nhưng cả 3 người con của ông Dễ đều được ăn học đàng hoàng. Ông Dễ phấn khởi nói: “Với tôi có được cuộc sống như hôm nay là quá tốt rồi. Bây giờ tôi chỉ mong các con mình ăn học thành tài nữa thôi”.
Mùa Xuân năm nay, Hiệp Bình đã bước sang tuổi 14. Cùng với sự phát triển của đất nước, vùng đất Tà Nông ngày nào nay đã đang có nhiều dự án phát triển trong tương lai. Theo ông Trần Hồng Thiện, Chủ tịch UBND xã Hoà Thạnh: “Tới đây, xã sẽ đề xuất với huyện cho láng nhựa đoạn đường từ hương lộ 7 vào ấp. Bên cạnh đó, để tiện việc buôn bán giữa nhân dân hai nước, chúng tôi đề nghị xin nâng cấp cửa khẩu tiểu ngạch lên thành cửa khẩu chính”.
HT