Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nếu bà Dung không đồng tình với bản án của toà án cấp phúc thẩm, bà có thể kháng cáo yêu cầu xét xử cấp giám đốc thẩm ở TAND Tối cao tại TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Dung, ngụ ấp Cầy Xiêng, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh gửi đơn kêu cứu về việc bà “bị xử oan”. Bà Dung cho rằng Bản án dân sự sơ thẩm số 109/2010 DS-ST ngày 31.8.2010 của TAND thị xã Tây Ninh và Bản án dân sự phúc thẩm số 21/2010/DS-PT ngày 21.1.2011 của TAND tỉnh Tây Ninh, xét xử về việc “Tranh chấp tài sản là quyền sử dụng đất” giữa bà Dung và bà Trần Thị Lệ, ông Nguyễn Văn Bảy đã bỏ sót nhiều chi tiết quan trọng, chưa thu thập đầy đủ lời khai của các nhân chứng khiến bà bị thiệt thòi.
![]() |
“Sổ đỏ” cùng hồ sơ vụ kiện |
Cụ thể, bà Dung cho biết: Về nguồn gốc đất tranh chấp (toạ lạc tại ấp Bình Trung, xã Bình Minh, Thị xã) do bà Dung chuyển nhượng của bà Hồ Kim Phụng vào năm 1992, với giá 6 chỉ vàng 24K. Khi chuyển nhượng có làm giấy tay và có sự xác nhận của UBND xã Bình Minh. Năm 1994, bà Dung đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng, gần đây khi bà Dung cho xây hàng rào thì bị bà Lệ ngăn cản. Bà Dung khẳng định rằng bà có đầy đủ những chứng cứ và đã chứng minh cho toà án hai cấp thấy rằng phần đất của bà chuyển nhượng là 10m x 22m, được thể hiện qua tờ nhượng đất giữa bà Dung và bà Phụng (có sự xác nhận của UBND xã); giấy xác nhận của nhân chứng là bà Trần Thị Mảnh; tờ xác nhận của anh Nguyễn Phùng Bảo An là cán bộ địa chính xã Bình Minh (từ năm 1989 đến năm 1997).
“Mặc dù tôi đã đưa ra nhiều chứng cứ có liên quan đến việc chuyển nhượng diện tích 10m x 22m, nhưng toà án hai cấp lại bác bỏ, không chấp nhận những chứng cứ của tôi cung cấp, làm thiệt thòi quyền lợi của tôi. Hồ sơ đã thể hiện rõ ràng, đầy đủ. Cán bộ địa chính xã thời đó khẳng định việc tôi mua đất. Hơn nữa, chứng cứ quan trọng nhất là tôi đã được cấp “sổ đỏ” từ năm 1994 đúng theo quy định của pháp luật, bà Dung nói.
Trao đổi với phóng viên về nội dung khiếu nại của bà Nguyễn Thị Dung, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Tây Ninh cho biết, vụ tranh chấp đất đai này toà án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã thụ lý và đã đưa ra xét xử. Do đó, nếu bà Dung không đồng tình với bản án của toà án cấp phúc thẩm, bà có thể kháng cáo yêu cầu xét xử cấp giám đốc thẩm ở TAND Tối cao tại TP.HCM.
HOÀNG ĐÌNH BẢO