BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu:

Đất đã cấp sổ đỏ vẫn chưa rõ nguồn gốc 

Cập nhật ngày: 29/07/2017 - 06:10

BTN - Báo Tây Ninh nhận được đơn của bà Vương Thị Lối (ngụ ấp 3, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu) trình bày việc gia đình bà có một mảnh đất đã được cơ quan chức năng cấp sổ đỏ, nhưng sau đó lại bị thu hồi với lý do “vẫn chưa rõ nguồn gốc sử dụng đất”.

Khu đất đang tranh chấp.

Trong đơn, bà Lối trình bày, nguồn gốc khu đất này là do cha mẹ bà khai phá và canh tác từ trước năm 1975.

Thời điểm đó, chính quyền chế độ cũ thực hiện chính sách gom dân lập ấp chiến lược nên có nhiều hộ đến đây cất nhà.

Sau năm 1975, một số hộ dời nhà về quê sinh sống, số còn lại mua đất của cha mẹ bà Lối. Riêng phần đất 620m2 đang tranh chấp, lúc đó có ông Nguyễn Văn Đương đến hỏi ông Vương Văn Liếu (anh ruột bà Lối) mua phần đất để cất nhà ở, nhưng ông Liếu không bán vì gia đình đã thống nhất cho bà Lối.

Sau đó, ông Đương xin được cất nhà ở nhờ trên đất, gia đình bà Lối đồng ý. Đến khi ông Đương chết, con cái của ông chuyển nhà đi nơi khác ở, phần đất được trả lại cho bà Lối quản lý sử dụng.

Ngày 25.1.2001, bà Lối làm đơn xin đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ, UBND xã Bàu Đồn thông báo công khai về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Lối và sau đó đã lập biên bản kết thúc niêm yết công khai tại địa phương.

Ngày 3.9.2003, UBND xã Bàu Đồn có Tờ trình số 34/TTr-UB về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ ở được đo đạc chính quy, kèm đơn xin đăng ký QSDĐ, biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký đất xã Bàu Đồn, danh sách hộ gia đình và cá nhân để đề nghị lên cấp trên xem xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ (trong đó có bà Vương Thị Lối).

Ngày 17.11.2003, Phòng Địa chính huyện Gò Dầu (nay là Phòng Tài nguyên và Môi trường) lập Tờ trình số 252/TTr- ĐC về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn. Ngày 18.11.2003, Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu ký Quyết định số 318/QĐ-CT về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ đo đạc chính quy.

Đến ngày 2.2.2007, bà Vương Thị Lối được UBND huyện Gò Dầu cấp giấy chứng nhận QSDĐ số H00101, với diện tích 620m2, thửa 49, tờ bản đồ số 15 (bản đồ năm 2000), đất trồng cây lâu năm tại ấp 3, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.

Khi bà Vương Thị Lối được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, ông Nguyễn Văn Chơn (đã mất cách nay vài tháng), sinh 1969, ngụ giáp ranh thửa đất nộp đơn yêu cầu cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ số H00101, với lý do cấp giấy không đúng với nguồn gốc người sử dụng đất, và lý ra phần đất này phải được cấp cho gia đình ông.

Trong đơn, ông Chơn còn giải thích rõ hơn, vào năm 1985 có vợ chồng ông Hà Sơn Hùng đến hỏi ông Vương Văn Liếu xin cất nhà ở đậu, ông Liếu đồng ý, nhưng lúc ông Hùng cất nhà, ông Háo cùng con là ông Chơn đến ngăn cản không cho cất nhà, vì thực tế đã từ lâu gia đình ông Liếu không quản lý và sử dụng đất này.

Ông Hùng có mời chính quyền địa phương đến giải quyết. Kết quả, ông Hùng được tạm thời cất nhà ở, sau này chính quyền cấp giấy đất cho ai sẽ tính sau.

Sau khi nhận được đơn của ông Chơn, UBND huyện Gò Dầu cho người đi xác minh làm rõ. Ngày 14.12.2016, huyện ra Quyết định số 998/QĐ-UB “về việc thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ cấp trái pháp luật”.

Quyết định nêu rõ, thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ số H00101 của bà Vương Thị Lối; lý do là việc cấp giấy cho bà Lối là chưa đúng theo quy định của Luật Đất đai tại thời điểm cấp giấy.

Bà Vương Thị Lối đã làm đơn khiếu nại gửi đến UBND huyện Gò Dầu, yêu cầu thu hồi Quyết định số 998/QĐ-UB, trả lại quyền sử dụng đất cho bà như đã cấp trước đó. Ngày 19.6.2017, UBND huyện Gò Dầu tiếp tục ký Quyết định 1661/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Vương Thị Lối. Quyết định 1661 khẳng định vẫn giữ nguyên hướng giải quyết theo Quyết định số 998.

Quyết định 1661/QĐ-UBND giải thích cụ thể hơn về nguồn gốc sử dụng đất; “phần đất đã cấp giấy cho bà Lối có nguồn gốc không rõ là của ai.

Trước năm 1975, chế độ cũ gom dân lập ấp chiến lược tại khu vực này, lúc đó có ông Nguyễn Văn Đương đến cất nhà ở, cho đến năm 2011 thì ông Đương qua đời và để lại đất trống cho đến nay…

Đối với bà Vương Thị Lối, từ trước năm 1975 cho đến nay, không có quản lý và sử dụng thửa đất này”. Đồng thời, Quyết định 1661 còn dẫn chứng cụ thể Khoản 1, Điều 2 Luật Đất đai năm 1993; Khoản 1, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003; Khoản 4, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003; Điểm d, Khoản 2, Điều 106 Luật Đất đai năm 2013 để chứng minh Quyết định số 998 là hoàn toàn có cơ sở.

Ngày 25.7, cán bộ Địa chính xã Bàu Đồn cho biết: “Hai Quyết định số 998 và 1661 của UBND huyện Gò Dầu là đúng, bởi qua quá trình xác minh, nhiều người cao tuổi sống gần đó đều khẳng định: từ trước năm 1975 đến giờ chỉ thấy gia đình ông Đương sống trên phần đất này, khoảng năm 1985 có gia đình ông Hùng đến cất nhà ở gần đó (trên một góc của phần đất).

Như vậy, nếu xét theo Luật Đất đai, cả ông Chơn và bà Lối không ai được cấp giấy chứng nhận QSDĐ”. Ông Đỗ Văn Thảnh, một người cao tuổi có nhà sát khu đất cũng xác nhận về nguồn gốc sử dụng đất đúng như cán bộ Địa chính xã Bàu Đồn nói.

Trong khi đó, bà Lưu Thị Liêm- vợ ông Chơn, đưa ra tờ “Chứng thư cấp quyền sở hữu” ngày 8.2.1971 của chế độ Việt Nam Cộng hoà (thời chế độ này thực hiện Luật Người cày có ruộng).

Chứng thư thể hiện, đất được cấp cho bà Bùi Thị Đắt (mẹ ông Chơn - bà Liêm) theo thửa số 0146M, tờ thứ 42A, với diện tích 2,45 ha, cấp tại xã Phước Thạnh, tỉnh Tây Ninh. Đáng lưu ý, giấy chứng thư có quy định rõ là giấy chỉ có thời hạn 15 năm kể từ ngày ký. Như thế, chứng thư này đã không còn giá trị từ lâu.

Đồng thời, gia đình ông Chơn lại không chứng minh được từ thời điểm đó đến nay vẫn luôn sử dụng và quản lý phần đất này. Hơn nữa, phần đất trong giấy chứng thư được cấp ở xã Phước Thạnh chứ không phải xã Bàu Đồn.

Nếu trong quá trình quản lý hành chính có tách tên địa phương ra thành xã Phước Thạnh và xã Bàu Đồn, thì cũng khó có cơ sở để khẳng định phần đất này do cha mẹ ông Chơn để lại.

"Vì chứng thư thời điểm đó chỉ ghi diện tích chung chung chứ không thể hiện rõ vị trí từng thửa cụ thể như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Đồn cho biết.

Về nguyên nhân vì sao “vẫn chưa rõ nguồn gốc” mà lại cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Lối, cán bộ Địa chính xã Bàu Đồn giải thích: “Do thời điểm cấp giấy, việc đo đạc thường được tiến hành theo cách đo bao, sau đó thông báo cho người dân tự đến cơ quan chức năng kê khai phần đất của mình.

Giấy chứng nhận QSDĐ sẽ được cấp tập trung cho nhiều hộ cùng lúc. Lực lượng chuyên trách thời điểm đó còn mỏng, không thể kiểm tra hết nguồn gốc sử dụng đất của từng hộ nên mới xảy ra sai sót”.

Được biết, tạm thời phần đất 620m2 chưa được cấp giấy cho ai và theo cán bộ Địa chính xã, vụ việc đang trong quá trình làm rõ.

Quốc Sơn