Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bất cập trong khai thác khoáng sản san lấp:
Đất đi, đường hỏng, hệ luỵ ai gánh ?
Chủ nhật: 23:21 ngày 22/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đại diện doanh nghiệp thừa nhận việc xe ben vận chuyển đất trên các tuyến đường giao thông nông thôn đã gây ra nhiều bất cập, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Mặt đường 23 đầy “mắt me” và ổ gà, gây khó khăn cho người dân đi lại.

Khai thác khoáng sản đất san lấp, đất sét gạch rất cần thiết để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Phần lớn các mỏ khai thác đất được cấp phép nằm ở nông thôn, hằng ngày có hàng chục lượt xe tải vận chuyển đất trên các tuyến đường giao thông nông thôn- vốn có kết cấu mặt đường yếu, chủ yếu là đường sỏi đỏ nên chuyện hư hỏng là điều khó tránh khỏi.

Hết bụi đến mặt đường đầy “mắt me”

Theo phản ánh của người dân sống tại ấp Giồng Cà, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh, thời gian qua họ  phải sống trong sự bất an vì hằng ngày có hàng chục lượt xe chở đất từ một mỏ đất được khai thác trên địa phận xã Trà Vong, huyện Tân Biên vận chuyển trên tuyến đường 23 (TL785 - Bình Minh - Giồng Cà). Tuyến đường này có chiều dài hơn 2.700m, kết cấu mặt đường sỏi đỏ, mặt đường mới được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ cuối năm 2018.

Ông Lê Long Phước, người dân địa phương cho biết, đường 23 là đường sỏi đỏ, năm 2018 được ngành chức năng duy tu bảo dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hoá. Thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn, từ khi mỏ đất bên xã Trà Vong hoạt động và xe đất vận chuyển thường xuyên trên tuyến đường này, con đường xuống cấp nặng nề, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân.

Theo ông Phước, do là đường đất đỏ nên nhiều xe trọng tải nặng gây ra bụi, người dân địa phương yêu cầu chủ mỏ đất phải tưới nước mặt đường. Tuy nhiên, bất cập là ở chỗ, đường sỏi đỏ khi bị tưới nước hằng ngày, đất trôi đi nên mặt đường bây giờ toàn là “mắt me”, người dân càng khó đi lại.

Ngoài ra, họ còn bức xúc vì các tài xế vận chuyển đất điều khiển xe chạy rất nhanh. Có người đã phải lấy giấy carton ghi vài dòng chữ dựng bên đường, “năn nỉ” tài xế làm ơn chạy chậm giùm. Không ít gia đình để cây trên lề đường phía trước nhà để các tài xế xe ben chở đất không chạy sát nhà họ.

Ông Lê Long Phước nêu ý kiến: sau này, khi mỏ đất hết thời hạn khai thác, đường hư hỏng, chỉ có người dân và địa phương gánh hậu quả. Đây chính là vấn đề mà cơ quan chức năng cần phải có giải pháp. Người dân không làm khó doanh nghiệp khai thác mỏ đất, nhưng doanh nghiệp cũng phải có nghĩa vụ và trách nhiệm. Như tuyến đường nhựa đi vào mỏ đất bị xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng như vậy phần lớn do xe chở đất gây ra, chẳng lẽ sau khi khai thác xong, họ không có trách nhiệm sửa chữa gì?

Theo Trưởng ấp Giồng Cà, nếu tuyến đường 23 bị hư hỏng, xuất hiện “mắt me”, “ổ gà”, thì tuyến đường nhánh từ đường 23 đi vào mỏ đất là đường nhựa nay đã bị lún sụt nhiều đoạn. Những tuyến đường bị hư hỏng như thế này, ngoài việc ảnh hưởng đến bộ mặt của xã nông thôn mới, còn gây bức xúc cho người dân.

Thêm vào đó, các tài xế xe ben chạy với tốc độ cao, chỉ đến gần đây do mặt đường đỏ bị hư hỏng nên họ mới chạy chậm lại. Thế nhưng khi ra khúc đường nhựa họ lại chạy nhanh khiến người dân bất an. Người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị với các ngành chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh để bảo đảm an toàn cho người dân, cũng như buộc đơn vị khai thác mỏ đất phải sửa chữa lại con đường phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Địa phương “kêu cứu”

Đại diện doanh nghiệp tư nhân Phúc Thịnh Đức, đơn vị khai thác mỏ đất khoáng sản san lấp tại ấp Suối Ông Đình, xã Trà Vong, huyện Tân Biên cho biết, doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản tại ấp Suối Ông Đình với diện tích hơn 1,8 ha, với công suất khai thác 22.700m3/năm, thời hạn khai tháng 2 năm 11 tháng kể từ ngày cấp phép là 16.7.2018.

Đại diện doanh nghiệp thừa nhận việc xe ben vận chuyển đất trên các tuyến đường giao thông nông thôn đã gây ra nhiều bất cập, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Để hạn chế bụi, doanh nghiệp hằng ngày phải cho xe tưới nước trên mặt đường; thường xuyên nhắc nhở cánh tài xế phải chạy chậm trong khu vực dân cư để bảo đảm an toàn cho người dân.

Doanh nghiệp thừa nhận việc vận chuyển đất gây hư hỏng đường, nhưng cho rằng, không chỉ có xe ben của doanh nghiệp mà còn có nhiều xe tải khác. Doanh nghiệp đã liên hệ với ngành chức năng, xin sửa chữa mặt đường như ban gạt lại mặt đường để không còn “mắt me” nhưng được thông báo là: tỉnh đã có chủ trương đầu tư làm lại đường 23, nên doanh nghiệp không được phép làm vì sợ vi phạm (!?).

Xe tải chờ lấy đất tại mỏ đất của doanh nghiệp Phúc Thịnh Đức.

Riêng đối với đoạn đường nhựa bị lún sụt, hư hỏng nghiêm trọng, doanh nghiệp sẽ liên hệ với chính quyền địa phương đề nghị được sửa chữa. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi, doanh nghiệp sẽ sửa chữa đoạn đường đó như thế nào khi mà gần như kết cấu mặt đường đã bị hư hỏng? Đại diện doanh nghiệp này cho biết đang liên hệ mua lại lớp nhựa đường cũ từ các công trình nâng cấp, sửa chữa đường để về đổ lên mặt đường rồi cho xe lu lu lại!

Ông Trần Thanh Danh- Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, địa phương không có thẩm quyền xử lý việc xe ben chạy nhanh, chở quá tải, cũng như yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm sửa chữa lại tuyến đường bị hư hỏng. UBND xã đã báo cáo UBND thành phố Tây Ninh những bất cập như đã phản ánh ở trên đối với tuyến đường 23 (TL 785 - Giồng Cà).

UBND xã Bình Minh cũng đã kiến nghị Đội Cảnh sát giao thông thành phố Tây Ninh thường xuyên kiểm tra, xử lý các xe chở đất chạy với tốc độ cao để hạn chế tai nạn giao thông.

Thiên Tâm

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh