Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Kỳ I: Rắc rối “đất lưu không”!

Kỳ I: Rắc rối “đất lưu không”!
Đất lưu không cũng được cấp “sổ đỏ”
Huyện Dương Minh Châu có 2 tuyến kênh chính Đông và Tây đi qua các xã Phước Minh, Bến Củi, Lộc Ninh, Truông Mít, Suối Đá, Phước Ninh, Phan, Chà Là, Bàu Năng và Cầu Khởi với tổng chiều dài 29km (kênh Đông 15km). Ngoài ra, tại hướng Bắc xã Suối Đá còn có tuyến kênh tưới Tân Hưng dài 2km. Huyện còn có 16 tuyến kênh cấp 1, dài 54km; 66 tuyến kênh cấp 2, dài 97km; 78 tuyến kênh cấp 3, dài 55km; 10 tuyến kênh cấp 4, dài 8,5km. Do mật độ khá dày của các tuyến kênh rải rác trên địa bàn các xã nên việc xác định và giải quyết tình trạng đất có thuộc phạm vi lưu không kênh hay không là điều không đơn giản đối với chính quyền và ngành chức năng địa phương.
Theo một văn bản của UBND huyện Dương Minh Châu, hầu hết đất lưu không các tuyến kênh trên địa bàn huyện, từ kênh chính Đông, chính Tây cho đến kênh nội đồng đều chưa có sự quản lý chặt chẽ và đồng bộ của các cơ quan Nhà nước. Theo quy định của Luật Đất đai thì phạm vi đất lưu không đều phải được cấp cho nhân dân, có giới hạn về quyền sử dụng (quan điểm này thống nhất với một nội dung tại Quyết định số 351: trong phạm vi lưu không, việc sử dụng đất phải đảm bảo không gây cản trở cho việc vận hành và đảm bảo an toàn công trình- nghĩa là không cấm sử dụng nhưng giới hạn về quyền sử dụng). Nhưng do nhận thức của cán bộ chuyên môn chưa sâu, đồng thời do pháp luật chuyên ngành chưa có văn bản hướng dẫn kịp thời nên trong việc cấp giấy CNQSDĐ cho người dân đa phần diện tích thuộc phạm vi lưu không của các tuyến kênh đều chưa được cấp giấy. Có rất ít diện tích thuộc phạm vi lưu không các tuyến kênh trên địa bàn huyện được cấp giấy CNQSDĐ.
![]() |
Một trường hợp khai thác đất trong phạm vi lưu không phát sinh tranh chấp |
Do đó, khi rà soát nắm tình hình để triển khai thực hiện Quyết định 351 của UBND tỉnh, huyện Dương Minh Châu gặp không ít khó khăn đối với vấn đề này. Cụ thể, trong quá trình thực hiện các giao dịch dân sự về đất đai, có một số trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất phát sinh tranh chấp đất với “chủ mới”. Vì khi sang nhượng, “chủ cũ” cho rằng chỉ “bán” phần diện tích đã được cấp sổ đỏ, không bán phần diện tích nằm trong phạm vi lưu không chưa được cấp. Sau đó, chủ mới đăng ký và được cấp sổ đỏ phần diện tích đất nằm trong phạm vi lưu không nên chủ cũ tranh chấp. Để giải quyết tranh chấp này là không dễ dàng, vì ai cũng có lý (pháp luật không cho phép chuyển nhượng đất chưa được cấp sổ đỏ). Mặt khác, cũng có những diện tích đất phạm vi lưu không thuộc đất công nhưng do địa phương quản lý không chặt, để người dân lấn chiếm, sử dụng, xây cất công trình, trồng cây và sang nhượng qua nhiều người khác… Sau đó, khi Nhà nước triển khai việc cấp sổ đỏ đối với đất phạm vi lưu không theo Quyết định số 351, phát sinh tranh chấp giữa người dân với nhau hoặc giữa người dân với cơ quan Nhà nước. Như trường hợp gần đây, khi các phương tiện cơ giới của đơn vị thi công san lấp mặt bằng một công trình công cộng ở huyện DMC đến khai thác đất san lấp ở một bãi vật liệu xây dựng thuộc ven tuyến kênh đi qua xã Chà Là đã bị một hộ dân cản trở. Hộ dân này cho biết, khu đất trên đã được ông mua từ lâu, quanh đó đã trồng mì, cao su, chỉ chừa lại một phần đất phạm vi lưu không ven kênh. Do đó, việc đơn vị thi công tự ý “xúc đất” của ông là trái pháp luật. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại khẳng định khu đất bãi vật liệu xây dựng là đất công. Hai bên “tranh chấp” quyết liệt, phát sinh một số tình tiết phức tạp và khá lâu sau đó mới cơ bản giải quyết xong.
Bỗng dưng “mất” đất
Ông Nguyễn Văn Na, ngụ ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng là một trong những hộ có đất ở ven kênh Đông đang rất bức xúc về việc đất ông có “sổ đỏ”, bị đơn vị thi công kênh Đông “tự tiện” sử dụng mà không đền bù diện tích khoảng 2.000m2 (theo ông Na trình bày). Một số cây cối, hoa màu của ông Na bị hư hại cũng không được đền bù.
Khi thi công kênh Đông đoạn qua nhà ông Na và “lấn” đất của ông, ông làm đơn khiếu nại gửi nhiều cơ quan ở huyện Trảng Bàng. Chờ từ tháng 2.2010 đến cuối tháng 11.2010, ông Na mới nhận được văn bản trả lời của Ban quản lý tiểu dự án Dầu Tiếng (thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà). Tuy nhiên, nội dung văn bản này (không phải là quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định) càng làm ông Na bức xúc và tiếp tục gửi đơn khiếu nại.
Trao đổi với phóng viên về trường hợp của ông Na, một cán bộ Công ty khai thác công trình thuỷ lợi Tây Ninh cho rằng trường hợp đất của ông Na nằm trong phạm vi lưu không nên được cấp sổ đỏ là không đúng. Một cán bộ Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà cũng có cùng quan điểm trên - ngược lại với quan điểm của UBND huyện DMC. |
Nội dung văn bản này có đoạn: “Phần đất nhà ông Na được cấp năm 1993, khi đó được cấp ra đến chân bờ kênh, lúc đó bờ kênh còn nhỏ, hiện tại ranh giới cũng không rõ ràng. Nếu theo như ông Tâm (em ông Na) chỉ ranh đất thì đúng công trình có đổ lấn ra 3m dọc chiều dài 150m nhưng vẫn nằm trong phần lưu không công trình theo Quyết định số 351/QĐ-CT ngày 14.8.2005 của UBND tỉnh. Cổng, hàng rào gia đình vẫn nằm phía trong bờ kênh, không ảnh hưởng tới công trình. Vì vậy, phần đất gia đình (ông Na) khiếu nại hoàn toàn nằm trên bờ kênh nên Công ty có ý kiến là không đền bù vì không có cơ sở. Phần 400 cây tràm trồng trên bờ kênh, trước khi thi công Công ty đã thông báo gia đình thu dọn nhưng gia đình không thu dọn... Vì tiến độ công việc, đơn vị thi công có làm gãy đổ một số cây nhưng không nhiều… nên Công ty có ý kiến là không có cơ sở đền bù. Thực tế tràm trồng trên bờ kênh là đã vi phạm công trình. Phần 20 trụ hàng rào kẽm gai… trước khi thi công cũng đã thông báo nhưng gia đình không dỡ lên nên có một số trụ hư hỏng không đáng kể. Phần bùn nhão tràn vào làm hư hại hàng mì khoảng 500m2 thì đúng có ảnh hưởng vì thấy dấu vết để lại, nhưng mì sau đó gia đình có thu hoạch”. Cuối cùng, Ban quản lý tiểu dự án Dầu Tiếng kết luận: “Vì vậy, theo ý kiến Công ty thì trường hợp nhà ông Nguyễn Văn Na không có ảnh hưởng nhiều nên không đền bù”.
Ông Na kêu: “Đất tôi đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hợp pháp thì khi thu hồi để làm công trình công cộng, tôi phải được đền bù theo quy định của pháp luật. Trong khi chưa đền bù, thoả thuận với gia đình tôi thì đơn vị thi công đã ào vô làm hư hại hoa màu, lấn đất của tôi, bỏ qua trình tự thu hồi đất… Đã vậy, Ban quản lý tiểu dự án Dầu Tiếng còn trả lời người dân như thế thì liệu có thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình?”. Bất bình, từ tháng 11.2010 đến nay, dù đã rất nhiều lần liên hệ với hội đồng bồi thường huyện, UBND huyện Trảng Bàng và một số cơ quan chức năng nhưng ông Na vẫn chưa được trả lời, giải quyết thoả đáng.
BẢO TÂM