Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đất lành Hoà Hội
Thứ hai: 11:53 ngày 08/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau mùa giãn cách xã hội vì dịch Covid- 19, tôi bỗng dưng da diết nhớ sông Vàm Cỏ Đông. Mà sông Vàm, điểm nên thơ nhất là ở đâu? Chợt nhớ đến các xã Phước Vinh, Hoà Thạnh bên sông. Nơi đấy còn có cả một cây cầu được khởi công từ tháng 5.2019. Thế là tôi nhắm hướng Châu Thành mà tiến tới.

Cò nhạn trên bầu trời Hoà Hội.

Qua cầu Bến Sỏi có chút phân vân. Là đi đường nào nhỉ? Bởi có hai đường. Một là, qua chợ Bến Sỏi rồi quẹo phải, đi qua các ấp Bưng Rò, Hoà Bình và Lưu Văn Vẳng, tạm gọi đây là đường trong. Hai là, cứ thẳng tiến đường ngoài, nhằm chợ Hoà Bình, cửa khẩu Phước Tân hướng tới, sau đó rẽ phải là băng qua ấp Bố Lớn của xã Hoà Hội.

Tới ngã ba trước trụ sở UBND xã rẽ trái là đến cầu Hoà Bình. Bên kia đã là xã biên giới Hoà Thạnh, nơi có công trường cầu bến Cây Ổi đang thi công. Sau cùng, tôi chọn đi đường trong, dù cũng chẳng biết lý do gì.

Vậy mà may! Tôi đi tới ấp Hoà Bình thì gặp một bầu trời xao xác cánh chim. Cảnh tượng gần giống với lúc hoàng hôn ở vườn cò ngoài khu phố 4, phường 3, thành phố Tây Ninh.

Mà phải là vào dịp sau tháng 10, khi từng bầy cò di trú đã về vườn cò trú ngụ. Còn giữa tháng 5, vườn cò đã vãng bởi đa số chúng bay về các miền xa làm tổ, sinh con. Vậy mà chim cò ở đâu đến quần tụ bầy đàn trên quê hương Hoà Hội? Chúng cứ bay lòng vòng, bên nhau như một đám mây, hay một cơn lốc xoáy.

Lúc đen trời ở chỗ này, sau đấy lại như mây tản về nơi khác. Đám mây ấy ảo diệu và linh hoạt lắm! Khi xoáy tròn như muốn quện vào nhau, lúc thì tản mác ra như muốn chiếm trọn bầu trời. Chung quanh lại lất phất thêm vài rẻo mây chạy dài dài, chắc là của những con yếu ớt, không kịp theo các đàn chị, đàn anh trong vũ điệu tưng bừng làm chủ trời cao.

Hôm ấy lại là ngày không có trời xanh mây trắng. Không khí âm ui. Ngước lên ngược sáng nên chỉ nhận ra bầy chim có màu đen, cánh giang rộng vẻ an nhiên và thư thái lắm! Chúng bay tít trên những tầng cao, có lúc chỉ giang cánh lượn mà thôi, như những cánh diều. Gặp một bác nông dân đi qua, vội níu lại hỏi thăm:- Chim gì đây bác? Bác bảo, cũng chẳng biết chim gì, nhưng chúng bay về đây cũng đã cả tháng nay…

Chợt nhớ một bài báo trên Báo Tây Ninh vào khoảng giữa tháng 4, theo đó có một đàn cò ốc cả ngàn con từ Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát đã bay về đảo Nhím giữa lòng hồ. Tìm lại báo, xem ảnh thì thấy có lẽ đây chính là cò ốc.

Theo sách giới thiệu Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (NXB Thông tấn, 2015), cò ốc chính là cò nhạn: “Chiều dài (từ đầu mỏ đến cuối đuôi) dài 68-81cm, sống định cư, ăn ốc, cá, ếch, nhái, côn trùng lớn, làm tổ chi chít trên cây, sinh sản mùa khô, đẻ 2-5 trứng, là nguồn gene quý hiếm và hấp dẫn khách du lịch… Chúng ở cấp độ gần nguy cấp, cần nghiêm cấm săn bắt…”.

Như thế là đàn cò nhạn đã bay về Hoà Hội. Liệu chúng có phải là bầy đàn từ Vườn quốc gia bay về đảo Nhím hay không? Hoà Hội đất lành chim đậu là đây. Giữa tháng 5 này, tôi đã đi trên cả hai tuyến đường (trong, ngoài) xuyên qua các xóm ấp bình yên mộc mạc và ngập tràn cây trái của quê hương Hoà Hội.

Lại rưng rưng nhớ bài ca Cây lúa Bác Hồ của nhạc sĩ Lê Hồng Tăng. Chuyện kể rằng giữa những năm kháng chiến chống Mỹ gian lao, bà con nơi đây nhận được những giạ lúa giống từ Hà Nội gửi vào. Bà con gọi đó là giống lúa của Bác Hồ gửi tặng. Và giống lúa lúc ấy đã nảy nở, sinh sôi trên miền đất phù sa sông Vàm Cỏ Đông.

Điệp khúc ngân lên như một câu hò, câu lý miền Nam: “Cây lúa Bác Hồ làm vơi đi nỗi nhớ/ Bác nhớ miền Nam/ Miền Nam nhớ Bác Hồ/ Từ giạ lúa đầu tiên treo thềm sông Vàm Cỏ/ Đã nhân lên thành vạn cánh đồng mơ…”.

Hỏi thế thôi, chứ tôi biết chắc là người Hoà Hội chẳng quên chuyện gì. Bởi ngay cả ký ức những ngày đi mở đất khai cơ lập nghiệp họ vẫn còn lưu giữ. Như chuyện của dòng họ “Nguyễn” lên đây sớm nhất, vào khoảng đầu thế kỷ 19 hiện còn lưu giữ ở đình làng và khu mộ của dòng họ “Nguyễn tộc”.

Dòng họ này chính là “hậu duệ” của đoàn quân dưới quyền người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung. Sau khi Nguyễn Ánh - Gia Long đã giành được vương quyền, cụ Nguyễn Sắt - tiền tổ của dòng họ đã ngược dòng Vàm Cỏ Đông lên đây “mai danh ẩn tích”. Biết không thể đảo ngược tình thế, họ ở lại đây, cùng với bà con các dân tộc Khmer, Chăm hoà thuận làm ăn, mở đất lập làng.

Theo bác Nguyễn Văn Vân- một lão thành cách mạng huyện Châu Thành, do vậy mới có tên làng xưa là Hoà Hội (nghĩa là hội tụ và hoà hợp với các dân tộc khác). Cũng theo bác Vân, cái tên làng ấy đã xuất hiện ngay từ năm 1803, sau khi Nguyễn Ánh đã ổn định tình hình đất nước.

Nhưng có lẽ đấy là do suy luận. Vì theo những gì ghi trên mộ chí của tiền tổ Nguyễn Sắt, ông sinh vào năm 1798. Do vậy, ông không thể đặt tên làng khi tuổi mới lên 5. Mặt khác, sách Từ điển địa danh hành chính Nam bộ (NXB Chính trị quốc gia 2008) cũng ghi rằng, Hoà Hội là: “Thôn thuộc tg Hoà Ninh, h. Tân Ninh, p. Tây Ninh từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838)”.

Vậy sẽ hợp lý hơn, nếu cho rằng cụ Nguyễn Sắt lên đây trong khoảng những năm 1820, khi đã là một thanh niên. Điều thú vị nhất ở khu mộ Nguyễn tộc này là ngay từ dưới triều Nguyễn, cụ Sắt đã dám đặt tên con là Huệ và Xuân, để tưởng nhớ đến vị chủ tướng- hoàng đế năm xưa, cùng một vị đô đốc triều Tây Sơn là Bùi Thị Xuân danh tiếng lẫy lừng.

Đình Hoà Hội nay đã được phục hồi trên đống hoang tàn đổ nát của chiến tranh, ngày đêm soi bóng trên dòng sông Vàm thơ mộng. Thành hoàng được thờ trong đình, không ai khác chính là cụ tiền tổ - tiền hiền Nguyễn Sắt.

Đường 781 qua Hoà Hội.

Đất lành Hoà Hội! Không chỉ là nơi cưu mang lưu dân thưở khai cơ mở đất, mà còn là miền đất bảo bọc những đoàn quân chiến đấu giặc ngoại xâm.

Ngay từ thời kỳ đầu, sau hoà ước 1862 triều Nguyễn giao 3 tỉnh miền Đông cho giặc, Khâm Tấn Tường đã chọn Hảo Đước bên kia sông, lập phủ An Cơ chống Pháp. Hoà Hội lúc ấy có thể vừa là chiến trường vừa là hậu phương vững chắc.

Các cụ tuổi cao ở ấp Bưng Rò từng kể tôi nghe chuyện cậu Hai Trương Quyền từng lập cứ nơi đây, chọn gò tháp làm nơi đặt trạm quan sát tiền tiêu.

Cái gò ấy nay vẫn còn, có thể thấy từ bến Tầm Long thuộc xã Trí Bình. Đến thời cách mạng, ngay sau khi Nam bộ kháng chiến ngày 23.9.1945, bộ đội Hải ngoại I Nam bộ thành lập từ Việt kiều yêu nước Thái Lan đã hối hả xuyên rừng, về lập cứ địa tại Rừng Cầy, Hoà Hội vào tháng 10.1946.

Từ đây đơn vị trưởng thành, trở thành bộ đội Si-Vô-Tha, rồi  bộ đội Đông Bắc Campuchia với chiến công lừng lẫy trên cả hai mặt trận, giải phóng quê hương và giúp bạn. Di tích căn cứ bộ đội Hải ngoại I- Si-Vô-Tha ở ấp Lưu Văn Vẳng vẫn trầm mặc thâm nghiêm dưới bóng rừng. Rừng Hoà Hội còn “che bộ đội” và “vây quân thù” suốt thời đánh Mỹ.

Đi dọc Hoà Hội hôm nay trên cả hai con đường trong, ngoài đều xanh mướt bóng cây và thưa vắng người đi. Đó đây đỏ rực những tàn cây hoa phượng. Đường trong có hơi nhỏ nhưng mặt đá nhựa thẫm đen lì láng.

Đường ngoài, từ chợ Hoà Bình vào trụ sở xã, rồi sang Hoà Thạnh đã bê tông nhựa. Có cảm giác rõ ràng là càng đi về phía biên giới, con đường càng rộng mở và êm thuận hơn nhiều so với đường qua Bến Sỏi - Thành Long.

Nhà cửa dân cư thưa thoáng ở bên đường. Ngay cả các trụ sở công cộng gần như cũng được chia đều về các ấp. Bên Bố Lớn có cụm công nghiệp Hoà Hội là rộn ràng hơn, bởi có xe máy và xe tải vào, ra.

Các trường học thì co cụm bên ấp Hoà Bình, tất cả đều chói đỏ màu hoa phượng. Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng ở ấp Lưu Văn Vẳng vẫn còn tươi mới màu sơn. Tôi đứng lặng trước cây bằng lăng trồng ở  sân Trung tâm, thân cây đẹp sáng gồ ghề như đá núi mà những chùm bông như thể hoa tường vi chúm chím tươi hồng.

Hôm 18.5, tôi lại lên bến Cây Ổi đón đợi sự kiện cầu hợp long. Trên đường lên, vào lúc sớm hơn nên tôi lại gặp bầy cò nhạn xao xác bay trên ấp Hoà Bình. Lần này may, tôi gặp một anh trung niên biết bầy cò quý hiếm.

Anh tên là Khơi, sống ở ấp Hoà Bình. Anh kể rằng bầy cò đã về cả tháng nay, ngày ra ruộng mò ốc kiếm ăn ở cả hai bên sông, thuộc Hoà Hội, Trí Bình và Hảo Đước.

Đến tối chúng bay về rừng Hoà Hội ở bên Bố Lớn. Những cánh cò lần này bay khá thấp, chung chiêng ngay trên ngọn vườn cao su. Tôi nhìn rõ cái cần cổ dài cong cong đài các, cả màu lông bụng màu xám sáng, lông cánh có từng vệt đậm đen, còn đầu cánh lại như những bàn tay người đang vẫy chào một miền đất bình yên.

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục