Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đất Ninh Điền (Tiếp theo và hết) 

Cập nhật ngày: 08/04/2020 - 19:45

BTN - Sách Truyền thống cách mạng của quân dân huyện Châu Thành, do Ban Tổng kết chiến tranh của Tỉnh uỷ Tây Ninh xuất bản năm 1986, có đoạn: “Từ năm 1947 vùng đất Ninh Điền thật sự là vùng trung tâm văn hoá khá hấp dẫn, thu hút gần hết các xã về đây, vừa để xem văn nghệ vừa hưởng không khí độc lập tự do và xem bộ đội cách mạng…”.

Ảnh đồng chí Dương Minh Châu trong sách Truyền thống cách mạng xã Ninh Điền.

Cho đến tận ngày nay, tôi mới nhận ra rằng:- Ninh Điền chính là xã biên giới gần nhất với thành phố Tây Ninh- trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá tỉnh Tây Ninh. Cả sách Truyền thống cách mạng xã Ninh Điền cho đến bản đồ hành chính đều xác nhận điều ấy. Đường “chim bay” từ ngã ba Gò Nổi về trung tâm Thành phố chỉ chưa tới 10km. Miền đất có bề dày, bề sâu lịch sử này, cũng là miền đất phong phú tài nguyên sinh thái, đáng ra phải là một điểm chú ý của những người làm du lịch. Vậy mà trên các bản đồ du lịch hay trong sách “Cẩm nang” Du lịch Tây Ninh lại chưa thấy bao giờ.

Thế mạnh của Ninh Điền xưa chính là rừng. Như đã viết ở bài trước đây là rừng Quang Hoá. Bản đồ vẽ năm 1986 trong sách Truyền thống cách mạng xã Ninh Điền cho thấy, năm ấy Ninh Điền còn những: rừng Tầm Đinh 1.000 ha, rừng Ba Bàu 300 ha và cả một vùng gọi là bàu Giang Năng rộng tới 200 ha. Chỉ nghĩ thôi, giá mà vùng bàu ấy còn thì nó sẽ là cái gì bây giờ nhỉ? Một viên ngọc quý của thiên nhiên rừng bàu, trong điều kiện hoà bình sẽ tha hồ chim, thú… giống như rừng ngập nước trên Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Hoặc ít nhất thì đó cũng là một hồ chứa, và lưu trữ nước, bảo đảm cho miền đất nắng hôm nay xanh mát bốn mùa.

Rừng Ninh Điền đến bây giờ vẫn còn, nhưng có vẻ không được chú ý. Cán bộ Địa chính xã giở sổ cho tôi biết con số diện tích rừng là 1.040 ha. Báo cáo của UBND xã về kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2019 lại viết: - đất lâm nghiệp là 1.321,57 ha. Báo cáo này chắc có chỗ nhầm, bởi có đoạn này: “diện tích tự nhiên là 8.464,57 ha (trong đó đất nông nghiệp 7.941,95 ha, diện tích đất lâm nghiệp 1.321,57 ha, diện tích đất phi nông nghiệp là 522,62 ha)”. Cộng lại 3 con số từng loại đất thì ra con số 9.785 ha, lớn hơn diện tích tự nhiên 1.121 ha.

Rà soát suốt 19 tiêu chí về nông thôn mới, không thấy tiêu chí nào, kể cả mục Môi trường đề cập đến việc bảo vệ những diện tích rừng ấy nữa. Không chỉ rừng, bàu mà các vùng đất khác trong quá khứ cũng là các miền rất đa dạng về sinh thái- điều đáng ước ao của các vùng đất khác hôm nay.

Hãy đọc tiếp một đoạn của Sách truyền thống xã: “Đất Ninh Điền mang nhiều địa danh đúng với tính chất của nó: Giồng Nần, nơi nần mọc lên như rừng, củ nần để ăn thay cơm chống đói. Trà sim hầu hết là cây sim. Cây chò, chò lấy chai để trét ghe, xuồng. Bàu Năng, bàu rất lớn chứa đầy năng… Suối Muồng, suối đầy cây muồng… rồi xóm Mía, nơi trước đây trồng rất nhiều mía lau… Sông lớn, chỉ có sông Vàm Cỏ chạy cặp ranh hai phần ba xã, dài gần 13km.

Sông nhiều cá tôm… và ngoài ra còn có nhiều rắn, các loại rắn độc và đầy ắp chim muông. Nhờ có sông Vàm Cỏ và một số rạch như Bà Quang, Bến Cây, Suối Muồng, rạch Bắc Rù lượng nước thay đổi bù đắp phù sa tạo nên vùng ven sông ruộng tốt, màu mỡ…”.

Sao lại có Giồng Nần trong đoạn kể trên? Đấy là vào năm 1986, Long Vĩnh còn thuộc xã Ninh Điền. Đến năm 1999, Long Vĩnh mới được tách ra, thành lập lại. Kể thêm, cả xã Thành Long hiện nay, xưa cũng thuộc Ninh Điền.

Nếu Giồng Nần là nơi có cơ sở Đảng đầu tiên của cách mạng tỉnh Tây Ninh thì chính rừng Ninh Điền cũng là căn cứ kháng chiến đầu tiên của lực lượng cách mạng tỉnh Tây Ninh thời chống Pháp. Tại đây vào quý 3.1946, Đại hội đảng viên đầu tiên của tỉnh được tổ chức, bầu ra Ban Cán sự lâm thời- là Ban Chấp hành Tỉnh uỷ đầu tiên của tỉnh Tây Ninh (sách Truyền thống cách mạng xã Ninh Điền, trang 29).

Sách viết tiếp: “Ninh Điền là căn cứ kháng chiến của tỉnh, của huyện Châu Thành và có mặt cả chi đội 11 của Bộ đội Hải ngoại. Chúng (giặc Pháp) coi đây là một mũi tên hết sức sắc bén đâm vào mắt, vào tim chúng…”. Và quân dân Ninh Điền sẵn sàng chở che, bảo bọc các lực lượng cách mạng. Vậy nên, ngay từ khi giặc “tái chiếm Tây Ninh”, thì: “Uỷ ban Hành chính và Mặt trận Việt Minh xã tổ chức hội họp quần chúng phát động chiến tranh nhân dân, toàn dân võ trang, toàn dân đánh giặc…

Chỉ trong 1 đêm, dân làng được sự tham gia cổ vũ của bộ đội chi đội 11, của các cơ quan huyện, tỉnh, người chặt tầm vông, chặt tre, chặt cây sầm, cây sim, người gom gốc cây khô lại đốt để có ánh sáng, vạt trên 100.000 cây chông cao thấp, làm chông đinh và chông bàn và ngày hôm sau là “ngày hội đánh giặc”, tất cả nam nữ thanh niên, trung niên kể cả các ông cụ, bà lão và các đơn vị, cơ quan trên đào hầm chông, hố chông, cắm chông lan trên tất cả các bến bãi tàu ghe ở Gò Chai, Giồng Nần, Gò Nổi và các đường đi chính trong làng trên 10 cây số…”.

Được thử thách ngay từ những ngày đầu nên Ninh Điền luôn là vùng đất kiên cường, bền gan đánh giặc. Đây chính là miền mà: “Suốt 30 năm ròng rã, là vùng đất mà Tỉnh uỷ Tây Ninh, Huyện uỷ Châu Thành, Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định, Khu uỷ miền Trung Nam bộ từng lúc có mặt ở đây chỉ đạo, chỉ huy, mở trường lớp, luyện quân đánh vào đầu não kẻ thù trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam ngày 30.4.1975” (sđd).

Nhưng tổn thất của cách mạng Tây Ninh và người Ninh Điền cũng không hề nhỏ. Trong trận càn quy mô lớn vào Ninh Điền tháng 2.1947, đồng chí Dương Minh Châu, Chủ tịch UBHCKC của tỉnh đã anh dũng hy sinh. Thậm chí đến tháng 10, ngôi chợ mang tên Dương Minh Châu đặt tại rừng Bến Sỏi (Ninh Điền) cũng bị máy bay Pháp dội bom tàn phá. Kỳ diệu thay! Trên miền đất này vẫn sống và bừng bừng khí thế.

Sách Truyền thống cách mạng của quân dân huyện Châu Thành, cũng do Ban Tổng kết chiến tranh của Tỉnh uỷ Tây Ninh xuất bản năm 1986, có đoạn: “Từ năm 1947 vùng đất Ninh Điền thật sự là vùng trung tâm văn hoá khá hấp dẫn, thu hút gần hết các xã về đây, vừa để xem văn nghệ vừa hưởng không khí độc lập tự do và xem bộ đội cách mạng…”.

Sau thời kháng chiến chống Mỹ, không chỉ Ninh Điền mà toàn bộ huyện Châu Thành trở thành chiến trường mịt mù khói lửa; đặc biệt là những năm 1966-1967 Mỹ vào, với cả một sư đoàn đóng quân trên Trảng Lớn. Sách kể trên viết: “Rừng Châu Thành thực sự là trùng trùng điệp điệp đã bị tàn phá huỷ diệt hơn 2/3…”. Đây chính là rừng Quang Hoá mà Trịnh Hoài Đức đã mô tả trong sách Gia Định thành thông chí.

Mất rừng nhưng người Ninh Điền vẫn bám đất giữ quê hương. Ngay cả ngôi mộ của đồng chí Dương Minh Châu vẫn được nhân dân “hết lòng bảo vệ, mặc dù kẻ thù tìm mọi cách san ủi, đánh phá”. Sau 1975, ngôi mộ đồng chí Dương Minh Châu mới được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Trà Võ, nhưng phần đất có mộ vẫn được UBND xã giữ gìn, gần đây đã được khoanh vùng bảo vệ. Sau mấy năm rồi, khu đất vẫn còn trống trải, chưa hề có 1 tấm bia.

Trên đất Ninh Điền, từ hoang tàn đổ nát chiến tranh đã mọc lên những ngôi chùa. Như chùa Thát Rát của người Khmer Bến Cừ hay ngôi thờ Bà Chúa xứ ở ven sông Vàm Cỏ. Nhưng những dấu tích của lịch sử hào hùng và rực rỡ trong hai cuộc kháng chiến vẫn chưa được thấy trên đất Ninh Điền; miền đất xanh tươi với rất nhiều lúa màu, hoa trái mỗi năm. Muốn tìm thì phải đọc trong những cuốn sách in từ những năm còn gian khó.

Như cuốn Truyền thống cách mạng xã Ninh Điền, in năm 1986. Lạ thay, duy nhất ở cuốn này là có tấm ảnh thật của Anh hùng liệt sĩ Dương Minh Châu… Gương mặt thanh thoát và cương nghị dường như vẫn toả sáng trên nền giấy vàng rơm đã ngả màu.

Nơi từng có mộ Anh hùng liệt sĩ Dương Minh Châu.

TRẦN VŨ